Rót tiền vào cổ phiếu gì dịp cuối năm: Chuyên gia hé lộ
(Dân trí) - Thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ được cho là có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm.
Ngành triển vọng gọi tên chứng khoán, thép, dầu khí, công nghệ
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Tâm điểm vĩ mô và thị trường chứng khoán quý IV" do VietnamBiz tổ chức chiều 10/10, các chuyên gia đã hé lộ bức tranh triển vọng của một số ngành.
Ông Đào Minh Châu - Phó giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research - cho rằng nền kinh tế trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương nửa cuối năm nay không nhiều, bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ.
Về nhóm chứng khoán, thanh khoản thị trường quý III tăng 50% so với trung bình năm ngoái, giúp tăng lợi nhuận từ các mảng như môi giới, cho vay.
Với nhóm thép, doanh nghiệp hầu như ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong năm 2022. Trong nửa cuối năm nay, ông Châu dự báo các doanh nghiệp thép chưa quay lại mức trung bình nhưng cải thiện so với năm ngoái. Các công ty không còn ghi nhận trích lập hàng tồn kho lớn như năm trước. Hiện, giá thép cũng chỉ mới đi ngang, chưa tăng.
Với nhóm dầu khí, giá dầu đã phục hồi khá tốt trong nửa cuối năm nay. Thời gian tới, các tổ chức lớn dự báo giá dầu có thể về quanh vùng 90 USD/thùng do nhu cầu phục hồi và chính sách cắt giảm của Nga và OPEC+ vẫn còn. Ngoài ra, những xung đột gần đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.
Qua năm 2024, SSI Research dự báo tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 17% so với mức giảm 3% của năm trước. Mức tăng trưởng sẽ đến từ nhiều nhóm ngành hơn.
Lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng cải thiện mạnh ở nhiều nhóm ngành như bán lẻ, thép, phân bón, thủy sản. Dù vậy, mặt bằng định giá hiện tại đã phản ánh một phần triển vọng phục hồi lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc mua vào ở những nhịp điều chỉnh hơn là mua đuổi.
Đối với ngành ngân hàng, ông Trần Ngọc Báu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup - cho rằng, lợi nhuận ngành liên quan đến từ thu nhập lãi thuần, lãi khác, chi phí hoạt động, chi phí dự phòng.
Để đánh giá triển vọng ngành trong 1-2 năm tới, ông Báu nêu cần lưu ý tới 2 yếu tố gồm thu nhập lãi thuần, thành phần chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong tổng thu nhập và chi phí dự phòng, phần chi phí không có sự ổn định như chi phí hoạt động, tác động nhiều tới biến động lợi nhuận các ngân hàng.
Theo ông, một ngân hàng muốn tăng trưởng được về thu nhập lãi thuần cần cải thiện biên lãi thuần (NIM) hoặc tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong năm nay việc tăng NIM và tăng trưởng tín dụng đều khó. NIM ở trạng thái suy giảm nhẹ đặc biệt trong quý II và quý III, quý IV dự báo tiếp tục suy giảm, chưa phục hồi tốt.
Ngoài ra, để bóc tách tăng trưởng thu nhập lãi thuần, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến 3 yếu tố là khả năng sinh lời bình quân, chi phí vốn bình quân và tăng trưởng tín dụng.
Về chi phí dự phòng, mặc dù nợ xấu tăng nhanh trong 2-3 năm vừa qua nhưng chi phí dự phòng lại không tăng. Việc này giúp ngân hàng có lợi nhuận tốt do không phải tăng chi phí trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, ông Báu chỉ ra vấn đề ở đây là chỉ số bao phủ nợ xấu hệ thống lại giảm khá nhanh, từ mức 150% còn khoảng 100%. Do vậy, trong tương lai, bắt buộc ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng vì mức bao phủ nợ xấu 80-100% là mốc nhạy cảm của ngành. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu tăng tương đối nhanh trong giai đoạn gần đây.
"Theo dự báo của chúng tôi cũng như một số tổ chức khác, phải đến quý IV thì nợ xấu mới lập đỉnh còn chi phí vốn thì có thể lập đỉnh trong quý III. Như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ phục hồi tốt hơn vào quý II/2024. Đây là thời điểm phù hợp để ngành có sự tăng trưởng trở lại về giá trị so với cùng kỳ", ông Báu cho biết.
Thị trường chứng khoán 2024 được kỳ vọng tăng trưởng
Nói về triển vọng thị trường chứng khoán vào năm sau, hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ hy vọng.
Ông Trần Ngọc Báu phân tích triển vọng thị trường vào cuối năm nay và năm 2024 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng về lãi suất (chi phí vốn) và câu chuyện phục hồi về lợi nhuận.
Tổng thể, xu hướng giảm lãi suất đã đi đến giai đoạn cuối và gần như không thể giảm hơn. Do đó, thị trường chứng khoán phụ vào câu chuyện của lợi nhuận.
Nhìn vào quý IV, các doanh nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng bởi cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận thấp do khu vực sản xuất và thương mại chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, trong quý I và quý II năm sau, lợi nhuận sẽ về mức bình thường. Khi đó thị trường có thể điều chỉnh. Đến quý III, quý IV/2024, yếu tố lợi nhuận sẽ hỗ trợ thị trường tốt hơn.
Về tổng thể, ông đưa ra kịch bản từ đầu năm đến giữa năm, thị trường sẽ giảm. Tổng thể cả năm, nếu xét từ yếu tố chi phí vốn và lợi nhuận kinh doanh sẽ ủng hộ thị trường tăng nhưng không tăng mạnh.
Cùng quan điểm thị trường năm sau được kỳ vọng sẽ tăng, đại diện của SSI Research nói mức tăng sẽ không cao như tăng trưởng của lợi nhuận doanh nghiệp (dự báo khoảng 17%).
Một số yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường như kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX giúp chứng khoán thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường. Với việc khó có dư địa để lãi suất giảm hơn nữa, dòng tiền từ nhà đầu tư mới tham gia sẽ chững lại một chút.
"Tôi cho rằng chưa có chuyện đảo ngược chính sách. Chứng khoán vẫn là kênh thu hút dòng tiền hơn bất động sản hay trái phiếu. Do vậy, lượng tiền mới có thể không mạnh như năm nay nhưng vẫn còn. Đồng thời, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ thu hút thêm lượng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài", ông Đào Minh Châu nói.