1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ đông thất vọng với cổ phiếu "vua", sếp các ngân hàng trấn an gì?

Văn Hưng

(Dân trí) - Chuỗi giảm điểm liên tiếp của thị trường khiến loạt cổ phiếu ngân hàng xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 1 năm. Cổ đông lo lắng, chất vấn lãnh đạo các ngân hàng tại phiên họp cổ đông.

Cổ đông sốt ruột với giá cổ phiếu ngân hàng

Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng giá cổ phiếu lại đang ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm, nhiều lãnh đạo ngân hàng bị cổ đông chất vấn.

Đơn cử, giá cổ phiếu TCB của Techcombank kết phiên 27/4 là 41.600 đồng/cổ phiếu, giảm 17% so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, báo cáo của Ban điều hành cho thấy năm 2021, Techcombank đạt lợi nhuận ở mức kỷ lục vượt 1 tỷ USD và là một trong 2 ngân hàng ở Việt Nam có lợi nhuận tỷ USD khi có lãi trước thuế hơn 23.200 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 47% so với 2020. Tổng tài sản tăng 29,4%. Tổng nguồn vốn tăng 14,6%.

Tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2022, bắt đầu phần thảo luận, cổ đông được mời hỏi đầu tiên đã đặt câu hỏi về giá cổ phiếu TCB và cho rằng "đây là cổ phiếu gây thất vọng", đồng thời yêu cầu lãnh đạo ngân hàng chia sẻ lý do để cổ đông tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Sau những kết quả được đánh giá là tốt bậc nhất thị trường hiện nay, CEO Techcombank Jens Lottner thẳng thắn thừa nhận: "Tôi có thể hiểu được tâm tư của cổ đông là ngân hàng hoạt động tốt như vậy nhưng các kết quả đó đã được phản ánh đầy đủ trong giá cổ phiếu hay chưa, thì rất tiếc phải trả lời là chưa".

Còn Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh thì cho biết: "Chúng tôi đi theo quan điểm hơi bảo thủ nhưng rõ ràng và minh bạch. Tất cả đều mang lại lợi ích cho cổ đông. Quan trọng là phát triển bền vững. Cổ phiếu không lên được nhưng giá cổ phiếu có sức bền tốt. Cả thị trường hiểu đó là giá trị thật". 

Cổ đông thất vọng với cổ phiếu vua, sếp các ngân hàng trấn an gì? - 1

Nhiều ngân hàng làm ăn có lãi nhưng cổ phiếu lại gây thất vọng cho cổ đông (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tương tự, một cổ đông SHB thắc mắc tại sao ngân hàng lãi tới 6.260 tỷ đồng (tăng 92% so với năm 2020) nhưng giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh. Nhà đầu tư này đề nghị SHB không nên phát hành cổ phiếu tăng vốn và dùng lợi nhuận để mua cổ phiếu quỹ vì thị giá đang thấp.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển) bày tỏ quan điểm cổ đông là những người chủ của ngân hàng và tất cả đều hướng đến mục đích nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng. Vì vậy, việc tăng vốn là cần thiết để đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững.

"Đúng là giá cổ phiếu có xuống thời gian gần đây, tuy nhiên, cổ đông có thể phân tích sẽ thấy giá trị cao hơn thị giá thời điểm hiện tại. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư cổ phiếu có giá trị, bền vững", ông Hiển nói.

Năm nay, SHB đặt mục tiêu lãi trước thuế 11.686 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước. Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết kế hoạch lợi nhuận trên đến từ việc năm 2021 SHB trích lập 7.887 tỷ đồng để xử lý nợ VAMC, năm nay dự kiến trích lập 4.700 tỷ đồng, do đó khả năng đạt được con số lợi nhuận là khả thi.

Trong khi đó, cổ phiếu ABB của ABBank rơi từ mốc 16.260 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm xuống còn 12.800 đồng/cổ phiếu sau khi kết thúc phiên giao dịch 27/4. Cổ đông chất vấn tại sao cổ phiếu ABB "tăng thì rất chậm mà giảm lại nhanh nhất ngành".

Trả lời nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng chia sẻ từng nhận được nhiều ý kiến về việc cổ phiếu ABB không có nhiều thông tin tạo đột biến về giá. "Ban lãnh đạo xác định ABBank là ngân hàng an toàn, bền vững và không hướng tới sự hào nhoáng bên ngoài", ông Kháng nói và khẳng định ABBank luôn lấy sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu.

Lãnh đạo ABBank muốn cổ đông tiếp tục kiên trì khi ngân hàng không hướng tới các lĩnh vực rủi ro, nhất là khi thị trường đang rất biến động. Điều này kỳ vọng mang lại sự hiệu quả và an toàn cho chính ngân hàng và các cổ đông.

Bổ sung thêm, Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân cho hay năm nay ABBank sẽ xử lý xong mục nợ xấu bán cho VAMC và đây là điều kiện tốt để giá cổ phiếu ABB cải thiện trong thời gian tới.

Cổ phiếu "vua" liên tục "bốc hơi"

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bị bán tháo và giảm điểm mạnh.

Đặc biệt trong tuần giao dịch 18/4-22/4, chỉ có duy nhất cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng 2,5%, còn lại các cổ phiếu khác đều giảm, có mã lao dốc lên đến 15%. Có thể kể đến SHB giảm 15,6%, LPB của LienVietPostBank giảm 15,4% hay ABB của ABBank giảm 10,3%...

Đáng chú ý, nhịp điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh các nhà băng tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2022 và công bố kết quả kinh doanh quý I.

Cổ đông thất vọng với cổ phiếu vua, sếp các ngân hàng trấn an gì? - 2

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Từ đầu tháng 4, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng "bốc hơi" lên đến 25%. SHB tiếp tục là cái tên được nhắc đến khi giảm mạnh nhất với mức giảm 23,3%, ABB giảm 19,5%, LPB giảm 17,1%. Trong khi nếu tính từ đầu năm, ABB giảm 21,3%, LPB giảm 19,4%, SHB giảm 17,4%, TCB giảm 16,8%, CTG giảm 16,6%, VIB giảm 11,7%, BID giảm 10,5%...

Sang tuần này, cổ phiếu ngân hàng đã có 2 phiên phục hồi liên tiếp vào ngày 26/4 và 27/4. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/4, nhóm cổ phiếu "vua" có 22 mã tăng giá, 2 mã đứng giá tham chiếu và chỉ có 3 mã giảm giá. Các cổ phiếu tăng mạnh nhất là VAB (3,5%), STB (2,9%), SGB (2,6%), SHB (2,5%).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm