Cổ đông Sacombank “nóng ruột” với việc chi trả cổ tức
(Dân trí) - Nhiều cổ đông của Sacombank đã thể hiện mong muốn được chia cổ tức. HĐQT ngân hàng này đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua.
Ngày 5/6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2019 theo hình thức họp trực tuyến.
Tại đại hội, nhiều cổ đông của Sacombank tại TPHCM và Hà Nội đã chất vấn HĐQT về việc chi trả cổ tức. Các cổ đông đặt nhiều câu hỏi như: Khi nào chi trả cổ tức? Có thể ứng cổ tức cho cổ đông để động viên hay không?...
Theo tờ trình, Sacombank dự kiến dành 35% lợi nhuận năm trước để trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, khen thưởng và phúc lợi. Trong khi đó, việc chia cổ tức vẫn phải theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, lợi nhuận tích lũy hiện tại của ngân hàng là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý mới được chia cổ tức.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thay mặt cổ đông để xin phép Ngân hàng Nhà nước được chia cổ tức. Trong câu chuyện này, chúng tôi là những người chịu áp lực lớn bởi phía trên có Ngân hàng Nhà nước, phía dưới là các cổ đông. Hi vọng trong vài năm tới, Sacombank sẽ vẫn luôn bứt phá mạnh mẽ. Khi ấy, ngân hàng tái cơ cấu xong sẽ mạnh hơn bây giờ nhiều lần và được chia cổ tức”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, về việc không chia cổ tức, HĐQT rất thấu hiểu và chia sẻ với các cổ đông. HĐQT ngân hàng này đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Ban điều hành Sacombank, trong năm 2019 tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 453,5 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm, đạt 99,6% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 414 ngàn tỷ đồng, tăng 11,9% đạt 97,8% kế hoạch.
Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 296 ngàn tỷ đồng, tăng 15,3%, đúng với hạn mức tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Thị phần trong năm tăng 0,05%; Tỉ lệ nợ xấu là 1,9%, giảm 0,22%; Tổng dự phòng rủi ro là 9.075 tỷ đồng, tăng 31,7%.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.217 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2018, đạt 121,4% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 37,1%.
Cũng theo Sacombank, năng suất lao động liên tục cải thiện, tăng vượt bậc qua các năm, lợi nhuận trước thuế/nhân viên bình quân đạt hơn 169 triệu đồng/nhân viên, tăng 41% so với năm trước, tăng gấp 18 lần so với giai đoạn trước khi triển khai tái cơ cấu.
Về kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt hơn 498 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 457 ngàn tỷ đồng, tăng 10%. Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 329 ngàn tỷ đồng, tăng 11%. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng, kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới 3%.
Theo Sacombank, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nhưng trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn dự kiến, Sacombank sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt kế hoạch lợi nhuận bằng với năm 2019.
Đại Việt