Cổ đông hỏi vì sao cổ phiếu giảm, CEO LienVietPostBank: "Không thể biết"
(Dân trí) - CEO LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn chia sẻ với nhà đầu tư chỉ biết làm sao để ngân hàng hoạt động tốt, việc giá cổ phiếu lên hay xuống do thị trường, ông không thể biết được.
Có thể chốt hợp đồng độc quyền bảo hiểm mới
Chia sẻ tại đại hội thường niên chiều 28/4 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (mã chứng khoán: LPB), Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn cho biết kế hoạch lợi nhuận 4.800 tỷ đồng năm nay được ban điều hành xây dựng theo hướng "chắn ăn".
Riêng trong quý I, ngân hàng đã báo lãi trước thuế gần 1.800 tỷ đồng. Thêm vào đó, ông Sơn chia sẻ vào tháng 5, ngân hàng sẽ kết thúc hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền 5 năm với Dai-ichi Life. Ngân hàng đang đàm phán với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn để ký hợp đồng mới, có thể độc quyền trong 15-20 năm. Thương vụ này có thể giúp ngân hàng nhận được khoản phí trả trước của hãng bảo hiểm, đóng góp vào lợi nhuận.
"5 năm vừa rồi chúng tôi xem như tập dượt bán bảo hiểm. Năm nay chúng tôi đàm phán với đối tác lớn cho thời hạn dài. Việc đàm phán với ai và mức giá bao nhiêu thì còn bí mật, có thể trong tháng 6 chúng tôi sẽ thông báo. Ngân hàng chúng ta có tiềm lực, mạng lưới lớn, nếu kết quả đàm phán thành công thì kết quả lợi nhuận năm nay sẽ có nhiều thay đổi", ông Sơn hé lộ với cổ đông.
Ông Sơn nhấn mạnh LienVietPostBank là ngân hàng tư nhân có mạng lưới bán lẻ lớn nhất nhờ sự hợp tác với cổ đông Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Hiện tại VNPost đã có chủ trương thoái vốn khỏi LienVietPostBank nhưng chưa thực hiện được. Dù vậy, ông Sơn cho biết hợp đồng hợp tác giữa LienVietPostBank và VNPost ký vào năm 2011 có thời hạn lên đến 50 năm. Do đó, việc VNPost có thoái vốn thành công hay không cũng không ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai bên và mạng lưới của LienVietPostBank.
Về hoạt động tín dụng, ông Sơn thông tin ngân hàng tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn nên tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức thấp, chiếm khoảng 8-10% tổng dư nợ. Chia sẻ thêm với Dân trí, ông Sơn cho biết LienVietPostBank không tham gia thị trường trái phiếu, hiện tại không có bất kỳ khoản dư nợ nào liên quan trái phiếu doanh nghiệp.
Trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng cũng giảm hơn 13.000 tỷ đồng dư nợ cho vay với các dự án. Do đó, dù tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bán lẻ bình quân hơn 4.000 tỷ đồng mỗi tháng, tổng dư nợ của nhà băng này trong quý đầu năm chỉ đi ngang.
"Những cái chuyện thổi giá hay giữ giá thì LienVietPostBank không có"
Trước câu hỏi của một nhà đầu tư tại sao LPB lại có mức giảm thuộc nhóm mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua và định giá hiện tại có phản ánh đúng giá trị ngân hàng hay chưa, ông Phạm Doãn Sơn thừa nhận "không có nghề về cổ phiếu, giá lên hay xuống không thể biết được".
"Nhiều kỳ đại hội lúc cổ phiếu có 6.000-7.000 đồng, cổ đông hỏi giá cổ phiếu sao thấp thế, tôi nói thật tôi cũng không hiểu tại sao. Sau đó, giá lên rồi lại xuống. Giá cổ phiếu LPB là giá tự do. Những cái chuyện thổi giá hay giữ giá thì LienVietPostBank không có. Một số ngân hàng, đơn vị có giá cổ phiếu cao tôi đánh giá cũng không hiểu tại sao giá họ cao như vậy. Tôi chỉ biết làm sao để cho ngân hàng tốt nhất", ông Sơn nói.
Lãnh đạo LienVietPostBank cũng cho hay cổ đông có thể nhìn vào việc thoái vốn không thành vừa qua của VNPost để đánh giá giá trị thực của ngân hàng. VNPost đã thuê tổ chức tư vấn độc lập định giá, muốn bán cổ phiếu LPB ở mức gần 29.000 đồng/cổ phiếu tuy nhiên không thành công do giá cổ phiếu trên thị trường lúc đó sụt giảm, thấp hơn mức kỳ vọng.
Ông Sơn cũng chia sẻ thêm với Dân trí đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngân hàng nhưng HĐQT chưa đồng ý bán vốn vì họ chỉ định giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Năm nay, ngân hàng này tiếp tục tái khởi động kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Đóng cửa phiên 28/4, thị giá cổ phiếu LPB trên sàn dừng ở mức 16.150 đồng/cổ phiếu. Trong 1 tháng gần nhất, cổ phiếu LPB mất giá 20% theo đà suy giảm chung của thị trường. Vốn hóa của ngân hàng này hiện ở mức hơn 24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.