Có cấm được Bitcoin?

(Dân trí) - Việt Nam hiện nay chưa có quy định pháp lý nào về việc nắm giữ hay giao dịch Bitcoin là phạm pháp và nếu muốn cấm cũng rất khó. Song để quản lý, giám sát được, bên cạnh hoàn thiện luật, Chính phủ cần đầu tư mạnh hơn cho công nghệ thông tin.

Xung quanh những tranh cãi về đồng tiền điện tử Bitcoin thời gian gần đây, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng độc lập. Ông được biết đến là người thành lập Ngân hàng First Vietnamese-American Bank, ngân hàng người Việt đầu tiên tại Mỹ và đã có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng (tại Mỹ, Đức và Việt Nam).

TS Nguyễn Trí Hiếu.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Khách sạn, nhà nghỉ "vớ đậm" dịp lễ Khai ấn Đền Trần

VPBank được chấp thuận tăng vốn lên 6.347 tỷ đồng

Rớt giá không phanh, bitcoin tại Việt Nam đã đến hồi tàn?

FPT tuyển hơn 2.500 người trong năm 2013

Thưa ông, từ góc độ của một chuyên gia tài chính – ngân hàng và làm việc trong ngành ngân hàng, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về đồng tiền điện tử Bitcoin đang gây “bão” dư luận hiện nay?

Trước hết, Bitcoin không phải là một loại tiền tệ quốc gia, không phải là phương tiện thanh toán dành cho đại chúng mà là một loại phương tiện thanh toán giữa một số thành phần thỏa thuận với nhau.
Trên cơ sở đó, Bicoin hay bất cứ đồng nào chăng nữa không phải là bất hợp pháp, trừ trường hợp người ta dùng phương tiện thanh toán để giao dịch bất hợp pháp.

Còn nếu dùng để thanh toán cho những giao dịch thương mại bình thường, hợp pháp thì không có gì sai trái ở đây.

Tôi lấy ví dụ, trong những sòng bạc lớn không thể dùng tiền mặt, người chơi phải đổi tiền Đồng hoặc USD ra đồng chíp – giống như một đồng xu nhưng bằng nhựa. Các đồng chíp đó có thể có giá trị 10.000 đồng, 50.000 đồng hay 1 triệu đồng... Khi chơi xong, người chơi lại ra quầy đổi ra tiền Đồng hoặc USD. 

Bitcoin cũng tương tự như vậy, người ta có thể đổi tiền Đồng ra Bitcoin hay USD ra Bicoin và ngược lại, hoán đổi Bitcoin ra tiền Đồng, USD hay ngoại tệ khác.

Tuy nhiên, Bicoin lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất, Bitcoin được sử dụng tràn lan, không những trong những giao dịch “nội bộ” của một số thành phần mà bây giờ được sử dụng rộng rãi bởi rất nhiều thành phần. 

Nếu lên đến hàng triệu người giao dịch hàng hóa, dịch vụ xuyên quốc gia, liên quốc gia bằng Bitcoin thì Bitcoin sẽ trở thành một phương tiện thanh toán rộng rãi mặc dù không phải mang tính chất đại chúng. Và các Chính phủ khó mà có thể kiểm soát được các giao dịch đó.

Trong các trường hợp sử dụng tiền Đồng hay USD cho các giao dịch thì Chính phủ có thể kiểm soát được lượng tiền trong lưu thông. Nhưng với hệ thống Bitcoin, các giao dịch được thực hiện qua internet và người tham gia buôn bán ở khắp nơi trên thế giới dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, trong đó có các Ngân hàng trung ương. Đó là một vấn đề.

Bởi vì, nếu các Chính phủ, các Ngân hàng Trung ương không kiểm soát được lưu lượng tiền tệ thì sẽ phát sinh rửa tiền. 

Tiền Đồng hay USD ở Việt Nam qua những vụ phi pháp, hoặc tham nhũng, có thể đổi ra Bitcoin và Bitcoin lại được đổi ra những loại tiền tệ, hàng hóa khác, hoán đổi lẫn nhau giữa các đối tượng nằm ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, muốn chuyển 1 triệu USD ra khỏi Việt Nam không dễ, phải qua ngân hàng, nhưng với Bitcoin thì lại đơn giản. Các đối tượng ở Việt Nam có thể dùng Bitcoin chuyển ra nước ngoài và người nhận lại từ Bitcoin đổi ra USD.

Tính thanh toán liên quốc gia, xuyên quốc gia chính là điều kiện thuận lợi để Bitcoin trở thành phương tiện thuận tiện và dễ dàng phục vụ mục đích rửa tiền, hoạt động mai dâm, ma túy hay tham nhũng, trốn thuế...

Chính vì thế mà Bitcoin mới gây ra những lo lắng cho các cơ quan chức năng.

TS Nguyễn Trí Hiếu.
Bitcoin thường được sử dụng trong các giao dịch ngầm (trên chỉ là đồng tiền có tính minh họa cho Bitcoin - vốn là 1 dãy số mã hóa).

Về tính pháp lý của Bitcoin tại Việt Nam, hiện mới chỉ có phát ngôn của một lãnh đạo ngân hàng qua báo chí rằng “Bitcoin không được thừa nhận” và cũng chỉ mới có một bài viết trao đổi trên website Ngân hàng Nhà nước cho rằng “giao dịch Bitcoin là phạm pháp”. Vậy nên hiểu điều này như thế nào thưa ông?

Rõ ràng là hiện nay Việt Nam chưa có một quy định pháp lý nào để định nghĩa đồng Bitcoin có bất hợp pháp hay không. Tới đây, tôi cho rằng nên đưa ra những quy định như vậy.

Cần phải xem xét phương tiện thanh toán đó được phép giao dịch trong những trường hợp nào. Tôi nghĩ rằng, thực tế thì rất khó để cấm. Trừ trường hợp vì nhìn thấy nguy hiểm của nó mà Chính phủ buộc phải đưa ra luật cấm hay ban hành những Nghị định, những giới hạn.

Cơ quan chức năng phải định nghĩa rõ ràng về những loại tiền điện tử và những loại “tiền” khác vốn không được quốc gia công nhận. Và cũng phải khoanh vùng, chỉ ra những đồng tiền nào là phạm pháp? 

Thế nhưng song song với đó, lại phải ra hàng loạt quy định khác liên quan tới các phương tiện thanh toán tương tự, các loại “coin” khác, phải liệt kê được danh sách những phương tiện thanh toán bị coi là nguy hiểm. Có những đồng tiền không sử dụng trong các thương vụ phạm pháp song lại có khả năng khuynh đảo hệ thống tiền tệ quốc gia và dễ dàng tạo thuận lợi cho những giao dịch bất hợp pháp.

Đây là một vấn đề nhạy cảm và rất khó xử lý. Như đồng tiền chíp ở Las Vegas, không ai cấm cả, nếu người ta giao dịch hợp pháp thì không có lý do để cấm.

Xác định việc cấm thì rất khó nhưng trên thế giới có những nước vẫn chấp nhận Bitcoin và Việt Nam liệu có thể học hỏi hay không thưa ông?

Tôi nghĩ nếu nhìn thấy ở Bitcoin là phương tiện thanh toán có khả năng gây nguy hiểm, rủi ro cho hệ thống tiền tệ và nền kinh tế Việt Nam thì có thể dùng những biện pháp, chế tài để cấm hoặc giới hạn giao dịch.

Tuy nhiên, rõ ràng là Việt Nam cũng phải nhìn vào các nước khác để học hỏi. Chẳng hạn như ở Mỹ, họ không cấm Bitcoin nhưng lại có nhưng luật lệ chặt chẽ về các phương tiện thanh toán, các quy định luật pháp của họ giúp họ kiểm soát được.

Đặc biệt là trong vấn đề tiền tệ và thanh toán tiền tệ điện tử tại Mỹ, hệ thống giám sát của họ rất chặt chẽ và họ có khả năng kiểm soát được mức độ rủi ro và nguy hiểm đối với nền kinh tế. Còn trong trường hợp của Việt Nam, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế để kiểm soát những loại thanh toán giao dịch như thế. Dĩ nhiên, khả năng kiểm soát của mình còn giới hạn.

Trong bối cảnh hiện tại, các cơ quan chức năng nên trao đổi với các cơ quan giám sát của nhiều cơ quan như Ngân hàng TW, cơ quan an ninh, cơ quan giám sát của họ để học hỏi các phương pháp họ kiểm soát như thế nào. 

Thứ hai là phải nâng cao trình độ, năng lực về công nghệ thông tin ở phía các cơ quan chức năng thì mới hy vọng kiểm soát được vì Bitcoin giao dịch thông qua internet. Không có internet không có hiện tượng Bitcoin. 

Tóm lại, vấn đề của Chính phủ là ngoài tham khảo, học hỏi, rút kinh nghiệm thì phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ thông tin.

Trước lịch sử biến động của Bitcoin, nhất là trong giai đoạn gần đây, ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng đầu cơ loại “tiền” này?

Bitcoin nếu càng phổ biến thì hoạt động đầu cơ càng ngày càng tăng. Như vậy có nghĩa là nó có thể có những đáng động rất xấu trên thị trường ngoại hối. Đồng thời, người sử dụng Bitcoin họ cũng có thể tránh né được sự giám sát của cơ quan chức năng. 

Tôi nghĩ là không nên đầu tư vào Bitcoin, nhưng rõ ràng là có xu hướng đầu cơ Bitcoin và coi nó là một kênh đầu cơ. Vì Bitcoin là một đơn vị thanh toán trên cơ sở tiền đồng và USD, chỉ cần lấy 3 đơn vị đó thì họ sẽ đổi tiền để ăn chênh lệch dựa theo biến động tỷ giá USD/VNĐ.

Bích Diệp (thực hiện)

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Dòng sự kiện: Cảnh báo về Bitcoin