Tương lai của Bitcoin sẽ đi về đâu?
(Dân trí) - Sau liên tiếp các vụ bê bối vừa qua, tiền ảo Bitcoin đang ngày càng bị nhìn với con mắt thận trọng. Theo nhận định của các chuyên gia Bitcoin trong tương lai có thể chỉ là một cơ chế thanh toán chứ không phải một đồng tiền.
Trên đây là nhận định của các chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs trong bản báo cáo vừa được công bố ngày 12/3.
“Các đặc điểm chung đã được xác định của một đồng tiền thành công đó là: được chấp nhận rộng rãi (nếu không muốn nói toàn cầu) như một phương tiện trao đổi và cất trữ giá trị một cách ổn định”, các nhà kinh tế Dominic Wilson và Jose Ursua viết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
“Để đạt được điều này, các loại tiền tệ truyền thống nhìn chung được bảo vệ bởi những quy định toàn diện. Chúng thường được công nhận như một tiền tệ chính thức; chính phủ nhìn chung buộc phải chấp nhận đồng tiền đó khi thanh toán tiền thuế; và các ngân hàng trung ương hầu như là người phát hành duy nhất”.
Xét về tính chất được chấp nhận rộng rãi, địa vị pháp lý của Bitcoin rất khác nhau khi ở những khu vực khác nhau. Ví dụ như Nga đã tuyên bố tiền ảo này là bất hợp pháp, trong khi Đức trái lại chấp nhận nó. Tại Đức, Bitcoin được công nhận như một “đơn vị kế toán”, có nghĩa là nó có thể được dùng để nộp thuế và các mục đích giao dịch khác.
Về tính ổn định, Bitcoin cũng không được điểm cao. Theo Goldman, sự biến động của tiền Bitcoin đến nay vượt xa mức độ biến động của các đồng tiền khác, cũng như vàng.
Kể từ khi đạt đỉnh 1240 USD hồi tháng 12, tiền ảo này đã biến động mạnh mẽ, có thời điểm xuống dưới 500 USD khi các vấn đề tại sàn Mt.Gox phát sinh cuối tháng 2. Trong phiên gần nhất, theo Coindesk, đơn vị theo dõi giá tiền ảo dựa trên lựa chọn từ các sàn giao dịch chính, Bitcoin có giá khoảng 637 USD.
Mt.Gox, một trong những sàn tiền ảo lớn nhất thế giới, đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 24/2, với tuyên bố họ có thể đã mất lượng tiền ảo trị giá gần nửa tỷ USD do bị tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính.
Theo Wilson và Ursua, không có cơ chế rõ ràng nào sẽ đảm bảo rằng Bitcoin sẽ có được sự ổn định. “Với các loại tiền truyền thống, các ngân hàng trung ương được giao nhiệm vụ cụ thể là bảo vệ giá trị tương đối ổn định của đồng tiền. Để làm được việc đó, họ có thể thay đổi lượng cung tiền. Nhưng Bitcoin không có cơ quan quản lý tương ứng để bảo vệ sự ổn định giá trị của nó”.
Dù vậy, Citibank cho rằng Bitcoin sẽ hứa hẹn hơn khi xét về mặt công nghệ thanh toán. “Mặc dù nó vẫn chưa được chấp nhận “rộng rãi”, khả năng có thể dùng bitcoin để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ đang tăng lên”, các chuyên gia này nói.
“Và trở ngại chính đối với Bitcoin trong việc được chấp nhận rộng rãi hơn trong hệ thống thanh toán không phải không thể vượt qua, mặc dù sự kết nối với hệ thống ngân hàng truyền thống vẫn là thiết yếu để thực hiện chức năng đó”, bản báo cáo khẳng định.
Sự vắng bóng của các thị trường phái sinh khiến việc quản lý và phòng ngừa rủi ro liên quan đến giá trị của đồng tiền này trở nên khó khăn, nhưng có thể tưởng tượng được những thị trường này cuối cùng cũng phát triển”, Wilson và Ursua nhận định.
“Tóm lại, thay vì cất cánh như một loại tiền tệ thay thế được sử dụng rộng rãi, bitcoin có khả năng tác động lớn tới chúng ta theo khía cạnh đổi mới công nghệ thanh toán, bằng cách buộc những người dùng hiện có thích nghi với nó, hoặc từ bỏ nó”, Citibank chốt lại.
Trên thực tế, đây không phải những chuyên gia duy nhất hoài nghi về tương lai của Bitcoin. Trong một bài viết được đăng tải hôm 9/1, hãng tin AFP dẫn báo cáo của Viện tài chính quốc tế (IIF), một tổ chức đại diện cho hơn 450 ngân hàng và định chế tài chính cho biết, những quy định chặt chẽ hơn liên quan tới các sàn giao dịch Bitcoin và hoạt động giao dịch có thể tăng cường tính pháp lý của đồng tiền này, và giảm bớt sự hoài nghi của các cơ quan quản lý.
Nhưng tại thời điểm này, theo IIF, Bitcoin đang đối diện với sự phản đối lớn tại các quốc gia như Trung Quốc. Và do hầu hết các thị trường đều bị lấn át bởi các nhà đầu cơ, thay vì người dùng, giá trị của bitcoin đặc biệt dễ biến động.
Trong một thị trường trị giá khoảng 12 tỷ USD, IIF cho biết: “ước tích có từ 50% - 90% chủ sở hữu bitcoin là nhà đầu cơ, do đó càng góp phần vào sự biến động lớn về giá bitcoin thời gian qua”.
Bên cạnh đó, việc không có ngân hàng trung ương hay chính phủ nào quản lý, mà được tạo ra bởi một thuật toán máy tính phức tạp do một hoặc nhiều người bí ẩn thiết kế, thành công và chức năng cuối cùng của Bitcoin “phụ thuộc vào các nhà lập trình - và thiện chí của họ hiện đang được xem là đương nhiên”.
Vì vậy IIF xem bitcoin chỉ là một “đồng tiền tín dụng” không có giá trị thực và phụ thuộc và niềm tin rằng nó có thể được trao đổi lấy một loại tiền phổ biến hơn như USD. Điều này khiến Bitcoin “vốn dĩ đã mong manh”.
“Bất chấp những đặc tính tinh xảo của Bitcoin, nó không thể trở thành một loại tiền tệ có giá trị ổn định và việc sử dụng nó như một công cụ trao đổi trung gian được chấp nhận rộng rãi dường như bị hạn chế”, báo cáo chốt lại.
Tổng hợp