(Dân trí) - Sản lượng gạo đang giảm và đẩy giá gạo lên cao đối với hơn 3,5 tỷ người trên toàn cầu.
Chuyện thế giới thiếu gạo: Có thể rơi vào cảnh nghiêm trọng nhất 20 năm
Năm ngoái, Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục, lũ quét và hạn hán. Tháng 8/2022, quốc gia này công bố khoản trợ cấp trị giá 1,45 tỷ USD để hỗ trợ nông dân trồng lúa.
Theo AFP, Trung Quốc sản xuất hơn 95% gạo, lúa mì và ngô cho nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng mùa vụ thất bát đã khiến nhu cầu nhập khẩu tăng lên, tạo áp lực cho nguồn cung toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine.
Từ Trung Quốc đến Mỹ cho đến Liên minh châu Âu (EU), sản lượng gạo đang giảm và đẩy giá gạo lên cao đối với hơn 3,5 tỷ người trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới.
Giá gạo neo ở mức cao
Theo Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô và công ty liên kết của cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings, thị trường gạo toàn cầu sẽ ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong hai thập kỷ vào năm nay.
Một số nhà phân tích của đơn vị này nhận định sự thiếu hụt ở mức độ này đối với một trong những loại ngũ cốc được trồng nhiều nhất trên thế giới sẽ gây tổn hại cho các nước nhập khẩu lớn.
"Ở cấp độ toàn cầu, tác động rõ rệt nhất của tình trạng thiếu hụt gạo là giá gạo đã và vẫn đang ở mức cao kỷ lục", CNBC dẫn lời ông Charles Hart - nhà phân tích hàng hóa của Fitch Solutions.
Giá gạo dự kiến sẽ duy trì quanh mức cao ở hiện tại cho đến năm 2024, theo báo cáo ngày 4/4 của Fitch Solutions. Từ đầu năm, giá gạo trung bình là 17,3 USD/cwt và được dự báo sẽ chỉ giảm xuống còn 14,5 USD/cwt vào năm sau. Cwt là đơn vị đo lường cho một số loại hàng hóa như gạo. 1 cwt tương đương khoảng 45,4 kg.
Ông Hart cho biết thêm: "Do gạo là mặt hàng lương thực chính tại nhiều thị trường ở châu Á nên giá cả là yếu tố chính quyết định lạm phát giá lương thực và an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình thuộc diện nghèo nhất".
Báo cáo của Fitch Solutions cũng dự báo trong năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu 8,7 triệu tấn gạo. Điều này đánh dấu mức thiếu hụt gạo toàn cầu lớn nhất kể từ giai đoạn năm 2003-2004, thời điểm thiếu tới 18,6 triệu tấn.
Căng thẳng nguồn cung gạo
Theo CNBC, nguồn cung gạo bị thiếu một phần do xung đột Nga - Ukraine cũng như thời tiết xấu ở các quốc gia sản xuất gạo lớn như Trung Quốc và Pakistan.
Trong nửa cuối năm ngoái, nhiều vùng đất nông nghiệp ở Trung Quốc - nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mưa lớn vào mùa hè.
Theo công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence, lượng mưa tích lũy ở tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông - hai trung tâm sản xuất lúa gạo lớn của Trung Quốc, đang cao thứ hai trong ít nhất 20 năm qua.
Tương tự, Pakistan - nước chiếm 7,6% thương mại gạo toàn cầu, đã chứng kiến sản lượng gạo năm 2022 giảm 31% so với năm 2021 do lũ lụt nghiêm trọng. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định tác động của tình trạng này nghiêm trọng hơn so với dự đoán ban đầu.
Ông Hart chỉ ra rằng sự thiếu hụt một phần là do "suy giảm sản lượng thu hoạch hàng năm vì nắng nóng gay gắt, hạn hán tại Trung Quốc cũng như lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan".
Theo một nghiên cứu khoa học, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương và có khả năng mất mùa cao nhất khi xảy ra hiện tượng El Nino.
Ngoài những thách thức về thiếu nguồn cung, gạo đã trở thành lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn sau khi giá của các loại ngũ cốc chính khác tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine. Điều này đã khiến nhu cầu gạo tăng lên đáng kể.
Những ai bị ảnh hưởng?
Oscar Tjakra - nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng lương thực và nông nghiệp toàn cầu Rabobank, cho biết sản lượng gạo hàng năm thấp hơn tại Mỹ và EU cũng góp phần gây ra thiếu hụt gạo.
"Tình trạng thiếu hụt sản lượng gạo toàn cầu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu gạo của các nước nhập khẩu gạo lớn như Indonesia, Philippines, Malaysia và các nước châu Phi vào năm 2023", ông Tjakra nói.
Kelly Goughary - nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Gro Intelligence, cho biết nhiều quốc gia cũng sẽ buộc phải giảm kho dự trữ gạo trong nước. Theo bà, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những quốc gia đang phải chịu lạm phát giá lương thực trong nước cao như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và một số nước châu Phi.
Ông Hart cho biết thêm rằng thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu, vốn đã ở trong tình trạng thắt chặt hơn so với các loại ngũ cốc chính khác, đã bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Quốc gia này đã cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9 năm ngoái, động thái mà ông Hart cho là "yếu tố chính đẩy giá gạo lên cao".
Khả năng phục hồi
Tuy nhiên, Fitch Solutions nhận định tình trạng thiếu hụt gạo có thể sớm qua đi và thị trường gạo toàn cầu sẽ trở lại "trạng thái gần như cân bằng trong năm 2024".
Điều đó có thể dẫn đến hợp đồng tương lai gạo giảm xuống dưới mức của năm 2022 nhưng vẫn cao hơn 1/3 so với mức trung bình trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (năm 2015-2019), một phần do dự trữ sẽ sớm được bổ sung sau giai đoạn sụt giảm trên diện rộng.
Báo cáo của Fitch Solutions dự báo thị trường gạo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, với tổng sản lượng tăng khoảng 2,5% so với một năm trước. Sau đó thị trường có khả năng trở lại "trạng thái gần như cân bằng" và dư thừa.
Cũng theo Fitch Solutions, Ấn Độ sẽ là một trong những động lực quan trọng đối với sản lượng gạo toàn cầu trong 5 năm tới. Mặt khác, sản xuất gạo vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Tuy Cục Khí tượng Ấn Độ dự kiến nước này sẽ ghi nhận lượng mưa "bình thường" nhưng các dự báo về nắng nóng gay gắt và sóng nhiệt trong quý II và quý III/2023 tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với vụ thu hoạch lúa mì của Ấn Độ.
Và các quốc gia khác cũng không phải ngoại lệ. Bà Goughary nói: "Trung Quốc là nước sản xuất gạo và lúa mì lớn nhất thế giới và đang trải qua đợt hạn hán ở mức cao nhất tại các vùng trồng lúa trong hơn hai thập kỷ. Các nước trồng lúa lớn ở châu Âu như Pháp, Đức và Anh cũng phải hứng chịu những đợt hạn hán ở mức cao nhất trong 20 năm qua".
Cơ hội cho gạo Việt Nam
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết gạo là lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới. Danh sách những quốc gia tiêu thụ nhiều gạo nhất từ năm 2019 đến năm 2022 (theo thứ tự giảm dần) bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Brazil.
Việc nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường lớn tăng được đánh giá là mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Năm nay, xuất khẩu gạo của nước ta dự báo đạt từ 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy trong tháng 1 năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 519,3 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 36% tổng lượng xuất khẩu gạo. Đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Indonesia (chiếm 23,9%) và Trung Quốc (chiếm 13,2%).
Nội dung: Hạnh Vũ (tổng hợp)