Chuyên gia Việt nói gì khi giám đốc trạm xăng Nhật đội mưa, cúi đầu chào khách
(Dân trí) - "Hành động đứng mưa, cúi chào khách hàng đổ xăng tại cây xăng mới mở của giám đốc trạm xăng Nhật là cử chỉ, hành động thúc đẩy cạnh tranh đối với các DN Việt lâu nay vẫn yên chí với sự độc quyền. Sự thúc đẩy này là lành mạnh, tốt cho thị trường và người tiêu dùng".
Bên lề Tọa đàm về kinh tế vĩ mô quý 3 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, đánh giá về việc lần đầu tiên liên doanh dầu mỏ Nhật được phép bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam, TS Doanh bình luận: Việc tham gia phân phối xăng dầu của liên doanh Nhật Bản, đi kèm với cách thức kinh doanh, văn hóa kinh doanh của họ sẽ khuyến khích và đặt thị trường vào thế cạnh tranh.
TS Lê Đăng Doanh đánh giá: "Việc tham gia cung ứng bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam của liên doanh xăng dầu Nhật Bản và Kuwait dù vẫn còn khó khăn song đó là điểm mới, xét ở góc độ nào đi chăng nữa họ cũng khuyến khích cạnh tranh thị trường, buộc các doanh nghiệp (DN) xăng dầu Việt Nam phải bước vào cuộc cạnh tranh thay vì yên chí độc quyền như trước đây".
Một ví dụ về cách người Nhật làm về kinh doanh khi họ sử dụng văn hóa kinh doanh quen thuộc của mình như: giám đốc Nhật cầm ô đứng mưa chào khách Việt tại trạm xăng mới mở; nhân viên trạm xăng lau kính xe và cách bán xăng chuẩn đến 0,01 lít, TS Doanh cho rằng: Hành động đứng mưa, cúi chào khách hàng tại cây xăng mới mở của Nhật tại Việt Nam chỉ đơn thuần là hành động bình thường của văn hóa kinh doanh Nhật. Đây là cử chỉ, hành động thúc đẩy cạnh tranh của những DN Việt lâu nay vẫn yên chí với độc quyền. Sự thúc đẩy này là lành mạnh, tốt cho thị trường và người tiêu dùng.
“Đây là cử chỉ, là biểu tượng cạnh tranh lành mạnh, văn hóa kinh doanh tôn trọng người dân và tôn trọng thị trường”, ông Doanh nói.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR đánh giá: Việc các nhà bán lẻ xăng dầu Nhật Bản được mở trạm xăng tại Việt Nam là diễn biến mới đáng chú ý trên thị trường năng lượng. Trước mắt sự có mặt của các DN xăng dầu Nhật sẽ thay đổi hành vi cả ở người bán là các DN xăng dầu Việt Nam và cả ở người mua.
"Người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và cách mà người Nhật mang đến cho Việt Nam không chỉ có trạm xăng mà còn là cách thức mới khiến DN trong nước buộc phải học hỏi", TS Thành nói.
Nói thêm về diễn biến mới có phần gay gắt, quyết liệt trong cuộc cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống và Uber, Grab, TS Thành tâm sự: Chúng ta có sự cạnh tranh, sự cạnh tranh ở đây không phải là giữa hãng taxi này với các hãng taxi khác mà sự cạnh tranh ở đây là về loại hình kinh doanh cũ và kinh doanh mới.
Viện trưởng VEPR nhấn mạnh: "Sự cạnh tranh mà phần thắng chắc chắn luôn đứng ở phía cái mới, đây cũng là nguyên lý tiến hóa của lịch sử loài người: động cơ đốt trong thay thế động cơ hơi nước, đốt ngoài; thuyền sắt, chạy động cơ sẽ chiến thắng thuyền buồm... Chúng ta đừng dại gì chống lại và không nên miễn cưỡng chống lại nó, hãy tìm cách sống chung".
"Tôi không thể không xót xa khi thấy các DN Việt bị cạnh tranh, hay có thể đứng trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, là cơ chế thị trường không thể thay đổi được, chúng ta nên tham gia vào loại hình kinh doanh đó, cùng cạnh tranh chứ không phải phá bỏ cạnh tranh. Cơ hội ứng dụng công nghệ phát triển vẫn còn, không phải là vô vọng, nhiều người cứ nghĩ DN ngoại đi trước chúng ta rồi nên chúng ta không thể cạnh tranh điều đó hoàn toàn không đúng", TS Thành nói.
Ông Thành dẫn chứng chính các loại hình Uber và Grab này có nguồn gốc sâu xa từ các bản hợp đồng giao kết thuê xe đường dài của người dân khi họ thăm thân, du lịch hoặc đi về quê. Đó là hình thức sơ khai, nền móng của Uber và Grab phát triển ngày nay. Ngay cả Grab, họ cũng phát triển từ Malaysia sau đó lan rộng ra khắp Đông Nam Á, cùng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh để cạnh tranh. Ở Trung Quốc, các dự án startup (khởi nghiệp) về công nghệ giao thông của giới doanh nhân trẻ nước này cũng đánh bật Uber khỏi Trung Quốc.
Nguyễn Tuyền