Thị trường Trung Quốc thu hẹp, kinh tế của Việt Nam bị tác động mạnh

(Dân trí) - GDP quý 1/2019 tăng 6,79%, mức tăng trưởng thấp nhất 6 quý. Nông nghiệp tăng 1,84%, thấp nhất 8 quý và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,35%, thấp nhất 7 quý. Đây là những con số được chuyên gia SSI lưu ý tại báo cáo vĩ mô vừa mới phát hành.

Thị trường Trung Quốc thu hẹp, kinh tế của Việt Nam bị tác động mạnh - 1

Kế hoạch sản xuất kinh doanh của Samsung tác động trực tiếp đến thành tích tăng trưởng của Việt Nam

Tăng trưởng thấp sẽ không chỉ dừng lại ở quý 1

Phân tích của SSI chỉ ra rằng, tăng trưởng thấp của quý 1/2019 đến từ hai nguyên nhân chính: Một là thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu và hai là Samsung giảm sản lượng điện thoại.

Thị trường Trung Quốc co hẹp xuất phát từ các rào cản chính sách cộng hưởng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu nông sản (gạo và rau quả) và du lịch của Việt nam. Trong khi đó, Samsung giảm sản lượng điện thoại vì thay đổi trong chiến lược sản xuất cũng như thị trường điện thoại di động thế giới bão hòa.

Nhìn sang các quý tiếp theo, SSI cho rằng, nông nghiệp, du lịch nhiều khả năng sẽ tăng thấp vì rất khó để sớm tìm được thị trường thay thế cho Trung Quốc.

Điện thoại sẽ tiếp tục kéo lùi tăng trưởng nếu không có những đột phá về sản phẩm hay dự án mới. Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ không còn tạo ra tăng trưởng cao đột biến từ nửa cuối 2019. Khai khoáng tăng trưởng thấp hoặc âm. Hy vọng cho tăng trưởng nằm ở các ngành kim loại, ô tô, dệt may, giày dép, nội thất.

“Như vậy thì tăng trưởng thấp sẽ không chỉ dừng lại ở quý 1 mà có thể còn kéo dài đến hết năm” – chuyên gia SSI đưa ra cảnh báo.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì khi thế giới diễn biến không thuận lợi, việc tăng trưởng chậm lại là điều dễ hiểu.

Để giải quyết được vấn đề này thì cần tiếp cận ở hai hướng: Một là khi bên ngoài bất lợi thì chuyển hướng dựa vào nội lực và hai là dù bên ngoài bất lợi nhưng vẫn phải biết tận dụng thời cơ và nỗ lực mở rộng thị trường.

Cơ hội để thúc đẩy cải cách

Cụ thể, theo phân tích của SSI, nội lực từ phía Nhà nước là chính sách tiền tệ và tài khóa. Lâu nay chính sách tiền tệ luôn được viện dẫn đầu tiên khi tăng trưởng chậm lại và đây cũng là nguyên nhân của những bất ổn trong hơn 10 năm qua.

SSI nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần phải được nhất quán, tăng trưởng tín dụng nên ở mức vừa phải (12-14%) để giữ thanh khoản và giảm lãi suất.

Chính sách tài khóa, ngược lại, cần được tận dụng triệt để, đặc biệt khi còn tồn một lượng tiền lớn chưa giải ngân và tiền thu về từ thoái vốn nhà nước. Đầu tư mạnh cho hạ tầng là cách khả thi và hiệu quả nhất từ phía Chính phủ để vừa kích thích kinh tế trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng cho tăng trưởng tương lai (với điều kiện phải đảm bảo tính minh bạch của đầu tư công) – báo cáo của SSI khuyến nghị.

Trong khi đó, nội lực từ phía tư nhân là khối doanh nghiệp tư nhân và sức cầu tiêu dùng. Phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10 là một bước đi đúng đắn và phù hợp quy luật lịch sử.

Để biến Nghị quyết 10 thành thực tế chúng ta cần có những mục tiêu cụ thể, ví dụ như phát triển một “đàn sếu lớn” với 30 doanh nghiệp tư nhân có thị phần và tầm ảnh hưởng trong khu vực vào năm 2030.

Với sức cầu tiêu dùng, vẫn có cách “kích cầu” ngay cả khi không có nới lỏng tiền tệ, đó là thực hiện bảo hộ. Theo SSI, xu hướng hiện tại và cả trong tương lai đó là bảo hộ sẽ song hành cùng tự do thương mại. Các nước lớn, đông dân như Việt Nam phải có một lợi thế cao trong đàm phán và vì vậy, chuyên gia SSI cho rằng, các hiệp định thương mại cần phải rà soát lại. Các nước, khu vực có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam cần kiểm soát chặt, trong khi đó ưu tiên các thị trường phát triển và có danh mục sản phẩm ít trùng lặp.

Việt Nam cũng cần biết tận dụng thời cơ chủ yếu nhắm đến thu hút FDI từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Thu hút FDI với các dự án lớn và xuất khẩu cần có cách tiếp cận giống với Samsung, đó là quy mô càng lớn, càng ưu đãi nhằm biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tạo sức lan tỏa cao cho nền kinh tế.

Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu cần được xem là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa dài hạn bởi xét cho cùng, để có tăng trưởng cao và bền vững thì chỉ có duy nhất một hướng đi, đó là xuất khẩu ra toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này cần sự góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và doanh nghiệp để xây dựng những chiến lược đúng cho từng ngành, từng sản phẩm.

“Tăng trưởng chậm của năm 2019 là không bất ngờ. Tăng trưởng chậm là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế và nhìn lại những chính sách đã thực hiện thay vì vội vã kích thích với những hệ lụy khó lường” – chuyên gia SSI nhìn nhận. Theo đó, năm 2019 vẫn cần được coi là một năm tích lũy, rà soát, củng cố nội lực, tạo bàn đạp để tăng tốc trong các năm tiếp theo.

Mai Chi

Thị trường Trung Quốc thu hẹp, kinh tế của Việt Nam bị tác động mạnh - 2