Chuyên gia Phạm Chi Lan: Không thể ưu đãi cho FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần phải rà soát ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu "cái gì quá ưu đãi thì nhất thiết phải giảm xuống, không ưu đãi thừa". Cùng với đó phải tăng cường nội lực cho doanh nghiệp trong nước.

 

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Không thể ưu đãi cho FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước - Ảnh 1.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng không nên "ưu đãi thừa" cho doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm: "Không thể chấp nhận được ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước".

Theo bà Lan, nếu như khi đàm phán các FTA, hay tham gia vào WTO luôn đặt ra yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài được đối xử tốt tương đối như doanh nghiệp trong nước thì Việt Nam đang đi ngược lại nguyên tắc này.

"Nên rà soát, cái gì quá ưu đãi thì nhất thiết phải giảm xuống, không ưu đãi thừa. Cần phải tăng cường nội lực cho doanh nghiệp trong nước. Tôi tin khi nội lực của chúng ta vững chắc thì sẽ có đủ sức mạnh chống chịu với những biến động bên ngoài", bà Lan nói.

Nói về sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết: "Nếu như trước đây, đi đâu cũng thấy tập đoàn Nhà nước thì giờ thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Nếu khai thác được những dự án của tư nhân thì vừa huy động được vốn phát triển kinh tế, vừa phát triển được kinh tế tư nhân. Một mũi tên trúng nhiều đích".

"Có những tập đoàn kinh tế tư nhân nổi lên, không chỉ trong bất động sản mà còn trong sản xuất, các ngành công nghệ, kinh tế tư nhân cũng tham gia phát triển hạ tầng, tham gia công trình lớn... Thực tế về mặt chính sách và chính trị đã có sự thay đổi tích cực về quan điểm và tư duy với kinh tế tư nhân", ông Cung cho biết.

Tại Hội thảo lần này, CIEM cũng công bố báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô cho biết, Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội và thách thức đan xen. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng sau những cam kết cải cách của Chính phủ cũng như khả năng ứng phó hiệu quả của Chính phủ trước cú sốc từ bên ngoài.

Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và CMCN 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.

Tuy nhiên, theo CIEM, Việt Nam cần tiếp tục xử lý thách thức mang tính căn bản về chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn, buộc Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn trong tham gia các sáng kiến cho hai nước này dẫn dắt. Bản thân hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư có thể gặp khá nhiều bất định, đặc biệt trong nửa đầu năm 2019, do rủi ro suy giảm kinh tế ở không ít nền kinh tế chủ chốt.

Về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2018, CIEM cho biết, GDP quý IV tăng 7,31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với quý II-III. Tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ 6 liên tiếp trong chu kỳ tăng trưởng.

Hoạt động của doanh nghiệp trong quý IV/2018 có sự cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực doanh nghiệp.

Xuất khẩu trong quý IV/2018 ước đạt gần 64,02 tỷ USD, tăng 6,5%. Tính chung cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2%, vượt mục tiêu đề ra. "Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác, trong đó một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ như dệt may, da giày, điện thoại có thể gặp phải các biện pháp có tính chất hạn chế thương mại hơn", CIEM cho biết.

Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%.

Phương Dung


Chuyên gia Phạm Chi Lan: Không thể ưu đãi cho FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước - Ảnh 2.