Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: "Phải cẩn thận với bệnh đột phá"

(Dân trí) - Nhận xét về ý tưởng hướng TPHCM thành một đặc khu kinh tế, Luật sư Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Công ty Invest Consult nói: "Đó là ý tưởng táo bạo". Tuy nhiên, ông cũng nói: "Chúng ta luôn phải cẩn thận với bệnh: Đột phá".


Luật sư Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Invest Consult:Mở là phải đầu tư, nhưng đầu tư rất nhiều mà sai lầm, nợ công lại tăng cao.

Luật sư Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Invest Consult:"Mở là phải đầu tư, nhưng đầu tư rất nhiều mà sai lầm, nợ công lại tăng cao".

Thưa ông, ông có nhận xét gì về ý tưởng của Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng muốn Thành phố này thành một ĐKKT ?

Đây là vấn đề rất khó. Về mặt ý tưởng, tôi không có lý do gì để không ủng hộ việc TPHCM đưa ra các đề xuất cải tiến mô hình để tạo ra một vùng kinh tế tốt hơn, trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực phía Nam. Tuy nhiên, áp dụng kinh nghiệm của các đô thị phát triển trên thế giới cho các thành phố của Việt Nam, ví dụ trường hợp thành phố Thượng Hải, thì không đơn giản và cũng không dễ. Xét các điều kiện địa kinh tế thì thành phố Thượng Hải thuận lợi hơn TPHCM nhiều, vì Thượng Hải ở gần các trung tâm phát triển nhất của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Sở dĩ người ta đưa ra mô hình các khu kinh tế mở, các thành phố mở là để thể nghiệm sự mở từ từ của một quốc gia. Khi chưa thực hiện được các điều kiện mở trọn vẹn ở qui mô quốc gia thì người ta thực hiện trong các vùng địa lý hẹp hơn và qua các giai đoạn mở ở cấp độ khác nhau, từ khu kinh tế mở đến thành phố mở như Thượng Hải. Đấy là những thể nghiệm từng bước của Trung Quốc trong việc tiếp cận dần dần với các tiêu chuẩn mở của một thành phố hiện đại. Chúng ta có điều kiện ấy hay không? TPHCM có những hàng xóm sung túc để có thể mở và có hiệu quả không?.

Chúng ta đã mở một loạt khu kinh tế ở miền Trung Việt Nam như Vân Phong, Chu Lai, Dung Quất, nhưng cho đến phút này chưa thành công ở khu nào. Tôi có dịp tham gia vào giai đoạn đầu của các khu kinh tế ấy và đã phát biểu rằng chưa đến lúc làm được chuyện ấy. Phải nói thẳng là các điều kiện tự nhiên, điều kiện tiềm năng của chúng ta hẹp, có mở nữa cũng vẫn không hấp dẫn.

Đề xuất của ông Đinh La Thăng phải chăng hướng tới một cải cách về thể chế để tạo cơ chế cho TPHCM có bước đột phá, phát triển ?

Tôi cho rằng, không nên xem việc cải cách thể chế, kể cả cải cách mô hình chính quyền như là một biện pháp dẫn đến việc cung ứng năng lượng phát triển một cách vô tận. Chúng ta vẫn quan niệm cải tiến chế độ chính trị hoặc chế độ hành chính thì sẽ hấp dẫn hơn. Nhưng đấy là kinh nghiệm của những nước chưa mở. Nếu đủ mạnh dạn để mở về mặt chính trị thì liệu sự mở ấy có tất yếu dẫn đến sự phát triển không? Cũng không.

Nghiên cứu để mở thì tốt, nhưng hy vọng mở sẽ tạo ra sự phát triển ồ ạt thì phải coi chừng, nhất là khi chúng ta mở mà có đầu tư. Nếu chỉ mở về chính sách không thôi thì có thể thay đổi được, nhưng khi đã bỏ tiền đầu tư thì phải cẩn thận, bởi vì những đầu tư ấy chủ yếu là đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn. Có thể chúng ta sẽ phạm phải sai lầm là đầu tư rất nhiều dẫn đến tình trạng nợ công cao mà lại không hiệu quả.

Nếu nhìn vào các khu kinh tế như Chu Lai, Dung Quất, Vân Phong... vừa qua, hầu hết đều mở các chính sách về thuế, đất đai, tài chính, miễn giảm rất nhiều thứ, nhưng hầu hết thất bại, nó chứng tỏ điều gì, thưa ông?

Nó chứng tỏ tất cả các sửa đổi có chất lượng chính sách không đủ để thay thế sự trống rỗng của các nguồn lực. Bởi vì phát triển về bản chất vẫn là phát triển các nguồn lực. Ví dụ, nguồn lực quan trọng nhất là thị trường lao động. Với tình trạng giáo dục, đào tạo như hiện nay chúng ta có thể cung ứng những người quản lý và những người lao động đủ chất lượng chưa? Khi không có các nguồn lực dù chính sách hay mấy cũng vẫn thế.

Ai cũng hỏi tại sao Singapore thành lập năm 1965 mà họ phát triển thế. Chúng ta nên nhớ rằng Singapore là một lỗ thủng được tạo ra từ sự kín bưng của cả khu vực Đông Nam Á. Tất cả những gì có giá trị tích cực cho sự phát triển đều chảy về Singapore. Trong lịch sử dân tộc của chúng ta khoảng hơn 200 năm trở lại đây chưa có ai được đào tạo kĩ như ông Lý Quang Diệu. Hình như chúng ta quên mất những chuyện như vậy.

Nhưng cứ e ngại mà không cố gắng thử nghiệm cho một hướng đi mới ở ta, dù thực tế đã thành công ở nơi khác thì làm sao có phát triển, đột phá, thưa ông ?

Chúng ta luôn luôn phải cẩn thận với bệnh sốt ruột, bệnh đột phá. Phát triển là quá trình chuyển hóa các năng lực của con người, năng lực chưa có là do lịch sử, năng lực có rồi mà chưa chuyển hóa được là do thể chế. Chúng ta chưa có cả năng lực lẫn các điều kiện thể chế để cho các năng lực chuyển hóa nhưng lại đòi hỏi phải bằng Singapore. Có một thời gian khá dài tôi làm việc với các tập đoàn lớn của họ và tiếp xúc với một số quan chức cấp bộ trưởng, nói đến cái gì họ cũng hiểu, hỏi câu khó mấy họ cũng trả lời được và trả lời có cơ sở khoa học chứ không phải chỉ là có lý về mặt chính trị đâu. Họ toàn học ở Cambridge và Oxford về cả. Chúng ta không có những người như thế.

Đặt ra vấn đề này có cần cho TPHCM không? Những dấu hiệu ban đầu nói rằng có thể cần, nhưng liệu có đúng lúc không và có tiềm năng thực hiện không, kể cả ở mức thấp là xây dựng mô hình mới của chính quyền đô thị? Tôi ủng hộ về mặt ý tưởng và kêu gọi sự thận trọng nghiên cứu để lựa chọn một cách đúng đắn.

- Xin cảm ơn ông!

Mạnh Quân (thực hiện)

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: "Phải cẩn thận với bệnh đột phá" - 2