Đề xuất TPHCM có đặc khu kinh tế, được thuê đất 99 năm

(Dân trí) - Sau Kiên Giang và Quảng Ninh, đến lượt TPHCM cũng muốn có đặc khu kinh tế với mục đích thử nghiệm các chính sách mới, đột phá thể chế và tạo động lực phát triển cho thành phố.

Đột phá thể chế

Đó là đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) vừa trình UBND thành phố sau khi được giao chủ trì, nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến mô hình đặc khu kinh tế. Không chỉ đề xuất thời gian hoạt động của dự án đầu tư cùng với thời hạn thuê đất của các nhà đầu tư tại đặc khu kinh tế là 99 năm, trong đề án chi tiết do HIDS trình UBND TPHCM thì đặc khu kinh tế trải rộng trên địa bàn quận 7 và 3 huyện: Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Theo đề xuất, đặc khu kinh tế TPHCM có tổng diện tích hơn 888 km2, tổng dân số hơn 685.000 người, trong đó phần diện tích quận 7 là hơn 35 km2, huyện Bình Chánh hơn 48 km2, thuộc 3 xã Bình Hưng, Phong Phú, Đa Phước; huyện Nhà Bè hơn 100 km2; huyện Cần Giờ hơn 704 km2 (trong đó có 50% là rừng phòng hộ).


Du lịch biển Cần Giờ sẽ cất cánh khi địa phương này nằm trong đặc khu kinh tế TPHCM

Du lịch biển Cần Giờ sẽ "cất cánh" khi địa phương này nằm trong đặc khu kinh tế TPHCM

Mục đích của việc thành lập đặc khu kinh tế TPHCM là đột phá thể chế, trong đó chủ yếu là thử nghiệm các chính sách mới, ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, gỡ bỏ dần các rào cản từ tình trạng cát cứ trong quản lý ngành, đồng thời vẫn đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Theo HIDS, phương án tổ chức không gian đặc khu kinh tế TPHCM sẽ có các khu đô thị, khu dân cư, thương mại, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu hành chính, khu phi thuế quan, sản xuất nông nghiệp. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong đặc khu kinh tế bao gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, du lịch sinh thái. Đặc khu kinh tế chú trọng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển, logistics với tầm nhìn dài hạn 30 năm.

Theo đề xuất của HIDS, TPHCM cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng trong đó khuyến nghị Chính phủ đầu tư các tuyến giao thông để kết nối đặc khu kinh tế với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang... Đồng thời, đặc khu kinh tế cũng cần tăng hạn mức, thời gian và mở rộng đối tượng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa tạo tài sản cố định.

Trước đó, UBND TPHCM đã giao tổ công tác hoàn chỉnh Đề án thành lập đặc khu kinh tế trước khi trình Bộ Chính trị và Trung ương xem xét. Tổ công tác chia thành 2 nhóm nghiên cứu. Nhóm 1 do Viện Nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì, nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến mô hình đặc khu kinh tế. Đặc biệt, khảo cứu kinh nghiệm trong nước và quốc tế đối với việc phát triển các đặc khu kinh tế như: thể chế, cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, thuế, nhân lực...); nền hành chính (tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính...) qua đó lựa chọn mô hình phù hợp, khả thi nhất.

Nhóm 2 do Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, rà soát, thống kê lại tất cả quy hoạch hiện hữu của khu vực dự kiến hình thành đặc khu kinh tế; nghiên cứu thế mạnh phát triển của đặc khu kinh tế gắn với quy hoạch khu Đô thị Cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng… nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế phát triển.

Cú hích” cho bất động sản khu Nam?

Theo các chuyên gia bất động sản, việc thành lập đặc khu kinh tế TPHCM sẽ là “cú hích” cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Hiện nay, dù đề án còn “nằm trên giấy” nhưng thị trường bất động sản khu Nam đã có những chuyển động đáng kể.


Hạ tầng khu Nam TPHCM hoàn chỉnh giúp cho thị trường bất động sản nhanh chóng hưởng lợi khi TPHCM thành lập đặc khu kinh tế

Hạ tầng khu Nam TPHCM hoàn chỉnh giúp cho thị trường bất động sản nhanh chóng hưởng lợi khi TPHCM thành lập đặc khu kinh tế

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, đừng nghĩ đơn giản đặc khu kinh tế là nơi được bao quanh bởi bốn bức “tường rào” và trong đó được hưởng những chính sách ưu đãi. Điều quyết định sự thành công của đặc khu kinh tế đúng nghĩa chính là môi trường thể chế.

“Môi trường thể chế mới là yếu tố quan trọng nhất. Dù có trong “hàng rào” hay không “hàng rào”, nhưng nếu chính quyền địa phương quyết định hết thì nó chẳng có tác dụng gì cả. Ban quản lý khu kinh tế hay ban quản lý khu công nghiệp cũng chỉ có nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chứ không có quyền quyết”, TS Huỳnh Thế Du nói.

Nếu đề xuất của TPHCM được Trung ương chấp thuận, Việt Nam có thể sẽ có tới 4 đặc khu kinh tế trong tương lai, gồm: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cho đến nay, chỉ mới có Phú Quốc đang hưởng không khí khá sôi động với một loạt các dự án hạ tầng, thương mại du lịch… và đang hướng đến một “Singapore Việt Nam”. Những đặc khu kinh tế còn lại nếu không đang “nằm trên giấy” thì vẫn chưa có những tiến triển nào đáng kể.

Công Quang