Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XII:

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: “Không có kịch bản thần kỳ cho kinh tế Việt Nam!”

(Dân trí) - “Chúng ta đừng mơ đến câu chuyện thần kỳ nữa. Khi chúng ta hội nhập tức là chúng ta bám vào thế giới, mà thế giới không còn chuyện thần kỳ nữa thì Việt Nam cũng như thế”, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt không chỉ được biết đến là một doanh nhân thành đạt mà còn được nhiều người biết đến với những cuốn sách giàu tính triết lý về văn hóa, con người, về kinh doanh... Trong dịp Dự thảo văn kiện Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh chủ đề này.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.

Cố gắng mấy cũng chỉ đạt đến thế!

Thưa ông, tại Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII có đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới đạt mức 6,5-7%. Con số này cao hơn so với mức trung bình 5,82% trong 5 năm qua. Ông đánh giá gì về mục tiêu này?

Những mục tiêu như vậy có thể được hiểu như một dự báo về nức tăng trưởng nhưng cũng có thể hiểu là ý chí của Đảng về mục tiêu tăng trưởng. Đây trước hết là một ý chí.

Theo tôi, 6,5-7% là một ý chí khiêm tốn, gần với thực tế, nhưng nó cũng vẫn còn tính chất lý tưởng mà để đạt được đòi hỏi phải phấn đấu rất vất vả.

Ông có thể phân tích rõ hơn?

Cơ sở khách quan không phải là các điều kiện cụ thể. Cơ sở khách quan là nền kinh tế thế giới. Tôi nghĩ kinh tế Hoa Kỳ, kinh tế Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản và kinh tế châu Âu làm cho ý muốn của các nền kinh tế như của chúng ta trở nên gần với thực tế hơn. Chúng ta đang hội nhập, mà hội nhập thì kinh tế của ta lệ thuộc vào kinh tế thế giới. Hiện nay kinh tế thế giới chỉ cho chúng ta thấy có cố gắng mấy cũng chỉ đạt được đến thế. Đấy là căn bản thứ nhất.

Căn bản thứ hai là Đảng và Chính phủ nhận ra được cần phải cấu trúc hóa nền kinh tế, buộc chúng ta phải tương tác trên những yếu tố thực, bớt dựa vào các yếu tố bong bóng như tài chính, chứng khoán. Thực chất quá trình tái cấu trúc ở ta là dần dần tạo ra một cấu trúc rõ rệt của nền kinh tế bằng cách làm cho các yếu tố thực của kinh tế trở thành yếu tố căn bản để từ đó mới có thể kích thích bằng các yếu tố khác.

Theo ông, ngoài vấn đề cấu trúc thì nền kinh tế Việt Nam có những điểm hạn chế nào?

Chúng ta không có cân đối tổng thể. Cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp không có, cân đối giữa công nghiệp và dịch vụ cũng không có. Có nhiều lo ngại về việc 70 triệu nông dân dần chuyển sang giai đoạn công nghiệp mà không có định hướng. Người nông dân không biết đi đâu, chỉ có mỗi con đường ra phố trong khi họ không có năng lực gì khác ngoài làm thợ xây.

Hiện nay đã xuất hiện một số hiện tượng tích cực. Ví dụ công ty Samsung thuê lao động có nguồn gốc nông dân ở tỉnh Thái Nguyên tạo ra một thị trường lao động công nghiệp. Tôi nghĩ đây là một bước tiến ở mức hạn hẹp trong một tỉnh, nhưng dần dần có thêm những yếu tố như vậy xuất hiện sẽ tạo ra yếu tố thực của nền kinh tế Việt Nam. Yếu tố thực của nền kinh tế có xuất hiện thì Chính phủ mới có cơ sở xã hội để tái cấu trúc, còn như từ trước đến nay thì không tái cấu trúc được.

Ông có nói nền kinh tế của chúng ta không có sự cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, theo ông nguyên nhân cốt lõi của vấn đề đó là gì?

Tôi từng phát biểu rằng, nợ công là món nợ đương đại và nợ giáo dục là món nợ lịch sử. Chúng ta không có nền giáo dục đầy đủ để tạo ra lực lượng lao động phù hợp với tình trạng phát triển hay đòi hỏi phát triển của xã hội.

Cho đến bây giờ chúng ta vẫn thích thầy hơn thợ, vẫn thích nói hơn làm, vẫn thích thành tích trên giấy tờ thống kê hơn thực tế. Theo tôi, để Đại hội XII thu được sự thành công trên thực tế trong 5 năm tới thì chúng ta phải tiếp tục cải cách giáo dục. Rèn luyện, đào tạo để người dân có lý tưởng lao động, lý tưởng phát triển, năng lực phát triển là nhiệm vụ trực tiếp của giáo dục.

“Chúng ta đừng mơ đến câu chuyện thần kỳ”

Sẽ không thể có một kịch bản thần kỳ cho nền kinh tế Việt Nam!
Sẽ không thể có một kịch bản thần kỳ cho nền kinh tế Việt Nam!

Mục tiêu trong 5 năm tới đưa tỷ trọng công nghiệp trên GDP lên khoảng 85%, còn nông nghiệp giảm xuống 15%, mà nông nghiệp thì có một lực lượng lao động rất lớn. Theo ông, đây có phải cơ cấu hợp lý và để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải làm gì?

Không phải bây giờ, từ lâu chúng ta đã phấn đấu trở thành một nước công nghiệp. Cũng phải nói thêm rằng, thế giới đã chấm dứt giai đoạn những câu chuyện thần kỳ. 5 năm để biến Việt Nam thành một nước có tỷ trọng công nghiệp tới 85% đòi hỏi Việt Nam cần phải nâng cấp năng suất lao động và năng lực lao động của người dân qua con đường giáo dục thì mới có nền tảng xã hội cho sự phát triển công nghiệp.

Không cẩn thận chúng ta lại sử dụng công cụ thống kê để biến xã hội Việt Nam thành xã hội có tỷ trọng công nghiệp 85% GDP. Nếu không có kế sách cẩn thận, chúng ta sẽ lặp lại chuyện ấy.

Không thể có một kịch bản thần kỳ. Tất cả những gì được gọi là thần kỳ bây giờ bằng con mắt của khoa học nó đã trở thành bình thường. Chúng ta đừng mơ đến câu chuyện thần kỳ nữa. Khi chúng ta hội nhập tức là chúng ta bám vào thế giới, mà thế giới không còn chuyện thần kỳ nữa thì Việt Nam cũng như thế.

Nếu giáo dục không thay đổi thì rất gay. Chúng ta rèn luyện các lực lượng phê phán trước khi có những lực lượng thực hiện, đấy là nhược điểm của cấu trúc lao động trí tuệ trong xã hội chúng ta. Rất nhiều người băn khoăn về cải cách giáo dục. Theo tôi đấy chính là cải cách cấu trúc tinh thần của giáo dục với mục tiêu rèn luyện, bổ trợ cho xã hội lực lượng có khả năng thực hiện nhiều hơn lực lượng có khả năng phản biện.

Để cho xã hội phát triển thì trước hết phải làm cho xã hội có năng lực thực hiện, từ đó mới có cơ sở cho những năng lực phản biện làm mọi thứ hợp lý dần lên.  Chúng ta phải có cấu trúc lao động hợp lý, cấu trúc kinh tế hợp lý và cấu trúc trí tuệ hợp lý.

Vậy để tiến tới một nền kinh tế công nghiệp hoá, Việt Nam phải làm những gì, thưa ông?

Vì chúng ta không có văn hóa công nghiệp cho nên chúng ta không có kỷ luật công nghiệp. Mà không có kỷ luật công nghiệp thì sẽ không có kỷ luật kinh tế của xã hội hiện đại. Bản chất của lý tưởng phấn đấu của xã hội chúng ta là tiến đến một xã hội công nghiệp trong đó công nghiệp có ý nghĩa như là một vẻ đẹp thẩm mỹ, một tiêu chuẩn đạo đức và như một kỷ luật. Đấy là tôi nêu ra một vài khía cạnh làm ví dụ, còn nội hàm của khái niệm công nghiệp là khá phong phú, cần có những nghiên cứu thấu đáo.

Bắt đầu từ giáo dục để xây dựng “văn hoá công nghiệp”

Chúng ta là một nước lạc hậu và do đó tất yếu chúng ta là một nước tụt hậu. Tụt hậu là hệ quả của sự lạc hậu giáo dục, lạc hậu đủ mọi thứ, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nói.
"Chúng ta là một nước lạc hậu và do đó tất yếu chúng ta là một nước tụt hậu. Tụt hậu là hệ quả của sự lạc hậu giáo dục, lạc hậu đủ mọi thứ", chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nói.

Để xây dựng được một nền văn hóa mới như thế rất khó và mất rất nhiều thời gian?

Văn hóa luôn luôn khó, giống như việc cấu tạo ra Đồng bằng Sông Hồng, vì thế phải kiên nhẫn. Làm một cách chân thật, từng bước một, từng giai đoạn một, cùng với thời gian nó sẽ hình thành một nền văn hóa.

Hiện nay, chúng ta chưa có nền tảng để xây dựng văn hoá đó. Do đó, cần phải bắt đầu từ giáo dục. Theo đó, xã hội phải thừa nhận một số giá trị chuẩn, đi vay đi mượn cũng được rồi phấn đấu dần dần.

Nói đến câu chuyện văn hóa và kinh tế, nhiều chuyên gia nhắc tới câu chuyện Hàn Quốc thời kì đổi mới, người dân được ý thức phải làm ngày làm đêm không kể vất vả và thực tế, chỉ có những dịp đặc biệt nào đó thì họ mới ngồi vui chơi với nhau. Còn Việt Nam hiện tại chưa phát triển lắm nhưng người dân nhậu nhẹt vui chơi rất nhiều. Theo ông những văn hóa nhậu nhẹt hay văn hóa đánh golf có phải là văn hóa phi công nghiệp không?

Cũng có mặt phi công nghiệp. Rất nhiều người đổ cho đó là bệnh nông dân, bệnh tiểu nông, tôi thì không nghĩ thế. Tôi hiểu là người nông dân vất vả và khổ sở đến mức họ sẵn sàng góp ruộng làm công nghiệp để ra khỏi nông thôn.

Người Việt là thế, mọi thói hư tật xấu đều xuất hiện trong sự vất vả cả. Cho nên phân tích thói hư tật xấu của người Việt rất khó, đôi khi không nỡ. Chúng ta là một nước lạc hậu và do đó tất yếu chúng ta là một nước tụt hậu. Tụt hậu là hệ quả của sự lạc hậu, không chỉ trong ngành giáo dục.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.

Phương Dung (thực hiện)

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: “Không có kịch bản thần kỳ cho kinh tế Việt Nam!” - 4