Trên 100 DN phía Nam góp ý dự thảo Luật Hải quan sửa đổi
Điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan sửa đổi là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lí hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiếp theo Hội nghị tại Hà Nội, ngày 18/4, tại TP.HCM, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) phía Nam về dự thảo Luật Hải quan sửa đổi.
Tham dự hội nghị có đại diện VCCI tại TP.HCM, một số đơn vị Hải quan phía Nam, đại diện Tổng lãnh sự quán Hoa kỳ tại TP.HCM… và trên 100 DN, hiệp hội, các luật sư. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh và Phó Giám đốc VCCI TP.HCM Trần Ngọc Liêm chủ trị Hội nghị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hải quan cho phù hợp với thực tế, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan sửa đổi là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lí hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo an ninh chính trị, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhấn mạnh vai trò của các DN trong việc góp ý cho dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM cho biết, Luật Hải quan sửa đổi quy định trực tiếp những nội dung liên quan đến trách nhiệm của DN. Để đảm bảo quản lý nhà nước về Hải quan, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, việc sửa đổi Luật Hải quan cho phù hợp với tình hình thực tế là rất cấp thiết, góp ý của các DN đối với dự thảo luật là thể hiện trách nhiệm của DN trong việc xây dựng luật, cũng như đảm bảo quyền lợi của chính DN.
Sau khi Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh nêu những vấn đề cần tập trung thảo luận, tại hội nghị các DN đã phát biểu ý kiến góp ý đối với từng nội dung cụ thể, trong đó phần nhiều tập trung vào các điều, khoản quy định về quan hệ trực tiếp giữa DN và cơ quan Hải quan, như: hồ sơ hải quan, chế độ ưu tiên đối với DN, giám sát Hải quan, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan với một số loại hình hàng hóa…
Tiếp thu các ý kiến góp ý của các DN, luật sư…, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết Ban soạn thảo rất trân trọng và tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội nghị. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu các vấn đề kỹ hơn để xem xét, điều chỉnh trong dự thảo luật cho phù hợp, đảm bảo Luật Hải quan sửa đổi lần này sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính: đạt được những tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế; Đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK; Đảm bảo cơ quan Hải quan thực hiện được nguyên tắc quản lý rủi ro một cách xuyên suốt và nhất quán./.
Theo Lê Thu
Báo Hải Quan