1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia kiến nghị gì về thuế tiêu thụ đặc biệt?

Quỳnh Ngọc

(Dân trí) - Chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp trong ngành đồ uống đều cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Sáng 15/3, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. 

Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, lãnh đạo TP Đà Nẵng, các chuyên gia trong ngành, các hiệp hội ngành nghề liên quan và đại diện của gần 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát - những đối tượng trực tiếp chịu tác động của dự án luật tham dự hội thảo. 

Chuyên gia kiến nghị gì về thuế tiêu thụ đặc biệt? - 1

Các doanh nghiệp ngành đồ uống đề xuất giãn thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm ít nhất 2 năm (Ảnh: VBA).

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi. Trong đó, có nội dung đề xuất đáng chú ý là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế VCCI - cho rằng thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, một sắc thuế TTĐB tốt thì ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh, bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng thuế TTĐB đáp ứng được yêu cầu cao hơn, đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Dưới góc nhìn của VCCI, ông Tuấn đặt câu hỏi các đề xuất trong chính sách thuế này có đảm bảo nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 hay không.

Bởi theo ông Tuấn, sau khi chịu tác động của dịch Covid-19, nhìn chung mọi doanh nghiệp đều đang rất khó khăn. Đặc biệt từ cuối năm 2022 đến nay, không thấy có những tín hiệu lạc quan về kinh tế, về đầu tư và thu ngân sách. Cộng với những bất trắc của tình hình kinh tế thế giới, theo ông Tuấn, bất kỳ chính sách nào tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất kinh doanh, cần phải cân nhắc kỹ.

Về lộ trình tăng thuế, ông Tuấn cho rằng cần làm sao để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án kinh doanh, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, trong khi doanh nghiệp vẫn cần phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn.

Vì vậy, đại diện VCCI đặt vấn đề, trong bối cảnh như vậy, nếu chưa giảm được thuế thì có nên bàn đến việc tăng thuế hay không?

Thông tin thêm về tình hình kinh tế vĩ mô, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết kinh tế vĩ mô năm 2023 là khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống. "Tổn thương của ngành đồ uống lớn hơn nhiều so với ngành thực phẩm, kể cả ngành thuốc lá", ông Việt nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Việt khuyến nghị, trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước.

Theo ông Việt, việc thay đổi chính sách nếu có, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Có cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh kiến nghị, cần có nghiên cứu đầy đủ hơn, trước mắt chưa nên có xáo trộn về thuế và giai đoạn chuyển tiếp cũng cần phải có sự tính toán cẩn trọng, uyển chuyển, nếu không có các yếu tố bất ngờ thì nên lùi đến năm 2026.

Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát, Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi luật sửa đổi chưa đảm bảo sự hài hòa giữa các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu đã vượt quá khả năng gánh chịu.

Phía VBA kiến nghị, tạm hoãn việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2 năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm