Chuyên gia khuyên tăng thuế ô tô để bảo vệ môi trường, doanh số xe hơi đột ngột giảm "sốc"
(Dân trí) - Thông tin thị trường xe hơi Việt trong tuần qua tập trung lớn vào diễn biến tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam. Do nằm trọn trong tháng Tết nguyên đán Kỷ hơi, doanh số của hàng loạt hãng xe giảm rất mạnh. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế lo ngại ô nhiễm môi trường gia tăng đề xuất Chính phủ cho tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhằm ngăn cản bùng phát ô tô.
Tăng thuế ô tô để bảo vệ môi trường
TS Nguyễn Mạnh Hải, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất Chính phủ, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục duy trì và tăng mức thu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này.
Theo vị chuyên gia của CIEM, cách áp đặt thuế của phần lớn quốc gia đều nhằm giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; áp dụng các công cụ kinh tế nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm (nội hoá các chi phí ngoại ứng); khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.
Ông này cho rằng, Việt Nam đã và đang khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng mức thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học... Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh.
TS Hải đề nghị, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng.
Hơn nữa, ông này yêu cầu cần tiếp tục duy trì và tăng mức thu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này.
Thủ tướng: Quan điểm không cần sản xuất ô tô, cứ nhập khẩu toàn bộ là sai lầm!
Tại buổi họp chiều qua với một số bộ ngành và địa phương liên quan bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Thủ tướng ủng hộ doanh nghiệp tự lực trong phát triển ô tô, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cần hướng mạnh ra xuất khẩu.
Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam. "Hiện có một số quan điểm cho rằng trong bối cảnh tự do hóa thương mại thì không cần sản xuất ô tô trong nước, nhập khẩu toàn bộ là sai lầm, nhất là khi chúng ta tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế", Thủ tướng nhận xét.
Thủ tướng nêu vấn đề: Chính phủ ủng hộ sự tự lực của các doanh nghiệp. Việc hợp tác và phân công sản xuất rất quan trọng với tinh thần cùng thắng. Ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp ngành sản xuất ô tô trong nước đã có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng.
"Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện, kể cả động cơ, các phụ tùng quan trọng nhất trong số các chi tiết tạo nên một chiếc xe ô tô, để có giá trị gia tăng cao hơn. Tập trung công tác đào tạo nhân lực, đây là một yếu tố quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách vững chắc. Sức mạnh là ở nguồn nhân lực", Thủ tướngnêu ý kiến chỉ đạo.
Dân lo nghỉ Tết, doanh số hàng loạt hãng xe tụt dốc thê thảm
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số tiêu thụ xe hơi tháng 2/2019 bất ngờ giảm rất mạnh so với tháng trước đó.
Cụ thể, tổng lượng xe bán ra tháng qua chỉ khoảng 13.140 chiếc, giảm hơn 20.300 chiếc so với tháng trước. Riêng xe con tiêu thụ chỉ đạt hơn 9.100 chiếc, giảm hơn 11.300 chiếc, lượng tiêu thụ chỉ bằng 30% so với tháng trước đó.
Điều đáng nói, xe lắp ráp trong nước tháng 2 đã giảm 12% so với tháng trước, trong khi xe nhập khẩu lại có xu hướng tăng 14%. Như vậy, diễn biến trái chiều này cho thấy, xu hướng xe nhập đang tăng mạnh từ 6 tháng cuối năm 2018 vẫn kéo sang những tháng đầu năm 2019 và điều này hoàn toàn khác so với diễn biến trên thị trường năm 2018.
Tháng 2, dòng xe chủ đạo của thị trường là sedan giảm rất mạnh, từ chỗ có hơn 10.400 chiếc bán ra tháng 1, nay chỉ còn hơn 3.500 chiếc, giảm khoảng 70%.
Xe SUV cũng ghi nhận sự giảm doanh số, tháng ày chỉ có hơn 2.400 chiếc được bán ra, trong khi đó tháng trước doanh số tiêu thụ được gần 7.200 chiếc.
Dòng bán tải pickup tháng này cũng có doanh số rất tệ, lượng bán ra chỉ hơn 1.000 chiếc, trong khi đó tháng 1/2019 tiêu thụ toàn thị trường đạt khoảng 2.500 chiếc.
Doanh số dòng hatchback giá rẻ cũng trong xu hướng giảm sút, tháng 2 chỉ có hơn 740 chiếc xe bán đến tay người tiêu dùng, trong khi đó tháng trước là hơn 2.100 chiếc.
Thực tế, tháng 2/2019 nằm trọn trong thời gian Tết nguyên đán Kỷ hợi năm 2019. Nửa đầu tháng 2 nằm trọn trong kỳ nghỉ lễ và du xuân của người dân. Theo tâm lý, người dân sẽ không xuống tiền mua xe thời điểm đầu năm mà phải qua rằm (15 âm lịch) hoặc cuối tháng Giêng. Như vậy, có thể tâm lý mua sắm và thị hiếu tiêu dùng đám đông cũng ảnh hưởng lớn đến doanh số bán xe trên thị trường Việt Nam.
Xe bán tải ế ẩm trước giờ G: "Vua doanh số" thành kẻ bị "ghẻ lạnh"
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, phí trước bạ đối với xe bán tải chính thức tăng từ 2% lên 6 - 7,2% song theo phản ánh của nhiều đại lý xe hơi, doanh số xe bán tải bán ra những ngày này không tăng bao nhiêu so với thời điểm trước đó.
Tại một đại lý cấp 1 lớn về xe bán tải ở Hải Dương, người mua cũng không quá quan tâm đến tăng phí trước bạ cho dù nó tác động làm tăng chi phí xe lên hàng chục triệu đồng.
"Anh em trong nhóm chơi xe biết rõ về việc tăng phí trước bạ, thậm chí còn mở topic để nói chuyện về vấn đề này, tư vấn anh em mua xe nào để "chạy" phí. Nhưng sau một hồi, mọi người đều phán: "Đúng xe sai thời điểm vẫn ăn". Điều này có nghĩa là, dân chơi xe pickup, đã máu mua xe, chơi xe và thậm chí nhiều người độ xe các kiểu thì mức phí tăng vài chục triệu không xá gì", một phượt thủ tại Hà Nội trong hội anh em pickup cho hay.
Thực tế, việc tăng phí trước bạ từ 2% lên 6% và 7,2% (riêng Hà Nội) chỉ có tác động đối với những người mua xe pickup cá nhân, chạy dịch vụ chuyên chở hàng nhẹ cho gia đình, còn phần lớn các dân đi xe pickup chuyên nghiệp họ sợ hãi về tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hơn.
Nhiều người có kinh nghiệm mua xe khuyên không nên mua xe thời điểm này và theo xu hướng đám đông vì dễ "dính" xe tồn, chiêu đẩy giá của hãng. Hơn nữa, họ dự đoán sau ngày 10/4, để cạnh tranh kéo khách, các đại lý có thể sẽ hỗ trợ phí trước bạ cho khách mua xe, nên hãy bình tĩnh.
"Việt Nam nên bỏ thuế nhập linh kiện cho ô tô lắp ráp trong nước"
Tại buổi ra mắt Sách Trắng 2019, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề nghị thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe lắp ráp nhập khẩu nguyên chiếc (CKD) nên được loại bỏ vô điều kiện, bất kể nhập khẩu từ đâu.
Về Thuế Tiêu thụ đặc biệt, EuroCham cho rằng đối với các thương hiệu nhập khẩu ô tô con, mức trần để khấu trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 7% lên 15% để cho dù số lượng xe bán ra ít, các đại lý vẫn có đủ lợi nhuận để tuân thủ tiêu chuẩn của nhãn hiệu và đảm bảo hoạt động có lãi để tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh đó, EuroCham cũng cho rằng thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe lắp ráp nhập khẩu nguyên chiếc (CKD) nên được loại bỏ vô điều kiện, bất kể nhập khẩu từ đâu.
"Để phát triển ngành ô tô chung tại Việt Nam, việc thúc đẩy sản lượng là rất cần thiết. Việc đa dạng hóa các nhà cung cấp trên thị trường sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao", EuroCham đề xuất.
EuroCham cũng kiến nghị nhiều vấn đề như Chính phủ nên cho phép nhập khẩu các phụ tùng tân trang với chính sách giống như chính sách cho hàng hóa mới. Đồng thời, cần có hệ thống ghi nhãn riêng đối với hàng hóa tân trang để ngăn chặn việc lừa đảm khách hàng.
Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì thuế nhập khẩu linh kiện từ các nước với mức thuế 55% đến 75% cho các linh kiện nhập trọn bộ và tách rời khung xe.
Tiêu thụ nhiều mẫu xe vượt mặt "ông kẹ" ngành ô tô, doanh số Thaco vươn lên đầu bảng
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhiều mẫu xe của Trường Hải - Thaco sản xuất lắp ráp đang dẫn đầu về doanh số tiêu thụ trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm. Đáng nói, doanh số nhiều mẫu xe Thaco vượt Toyota, khiến cuộc đua của hai ông lớn trên thị trường xe gay gắt, quyết liệt từ đầu năm.
Cụ thể, lượng xe con nguyên chiếc của Trường Hải tháng 2 đạt trên 4.267 chiếc theo thống kê của VAMA, với ba hãng xe Kia, Mazda và Peugeot.
Đứng thứ 2 về doanh số là ông lớn Toyota với hơn 2.300 chiếc, thứ 3 là Honda với 1.600 chiếc và Ford xếp vị trí thứ với gần 1.600 chiếc.
Tuy nhiên, cả ba thương hiệu xe Toyota, Honda và ford đều dựa chính vào các dòng xe nhập khẩu để tăng doanh số.
Cụ thể, tháng 2, doanh số của Honda phụ thuộc lớn vào mẫu xe nhập CRV khi doanh số dòng xe này chiếm khoảng 60% của Honda. Ford cũng tương tự khi mẫu bán tải Ranger nhập từ Thái chiếm gần 40% lượng bán xe của doanh nghiệp này.
Theo số liệu của VAMA, tổng tiêu thụ xe hơi trong tháng 2 là 11.453 xe (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018), riêng Thaco chiếm thị phần 37,3%. Tính cả 2 tháng đầu năm, tổng doanh số c của hãng này chiếm 33,6% thị phần cả nước.
Trong top 10 xe du lịch bán chạy nhất tháng 2/2019, Thaco có 4 mẫu xe là Mazda3, Mazda CX-5, Kia Morning và Kia Cerato.
Trong đó, Mazda3 đứng ở vị trí thứ 4 với 701 xe; Mazda CX-5 vị trí thứ 7 với 610 xe; Kia Morning thứ 9 (559 xe) và kế tiếp là Kia Cerato thứ 10 (536 xe).
Hai mẫu xe phân khúc C của Trường Hải đang có doanh số bán rất cao, cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe hot trên thị trường. Cụ thể, Mazda3 tiếp tục nắm giữ ngôi vị là mẫu sedan hạng C bán chạy nhất với gần 700 chiếc. Đứng sau là Kia Cerato với gần 540 chiếc.
Năm 2019 xe Việt có giảm giá cho người dùng Việt?
Thị trường xe hơi năm 2019 có rất nhiều tín hiệu khả quan như lượng xe nhập khẩu về dồi dào hơn, quy mô tăng hơn và cơ cấu xe cũng đa dạng hơn. Ở phía các doanh nghiệp trong nước, hai tháng đầu năm, lượng xe tiêu thụ tăng hơn so với năm ngoái, cùng với sự gia nhập của VinFast vào quý II và quý III, chắc sẽ có nhiều tác động đến thị trường.
Bằng chứng là 6 tháng đầu năm 2018 phần lớn xe nhập từ ASEAN vào Việt Nam là của Thái Lan với Honda là nhà nhập khẩu chính, các dòng xe của Mitsubishi, Ford, Nissan... đều giảm lượng nhập vì nhiều nguyên nhân. Riêng các mẫu xe, dòng xe của Indonesia, lượng xe nhập 6 tháng đầu năm là số 0, xe Toyota từ Indonesia chỉ khởi động vào Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2018.
Giảm cung trong khi cầu vẫn duy trì ở mức tăng vừa phải, khiến giá xe tại thị trường Việt năm 2018 không có quá nhiều biến động, các dòng xe nhập, xe trong nước không chứng kiến những cuộc giảm giá, đại hạ giá, cuộc chiến giá... như năm 2017.
6 tháng cuối năm 2018, khi thị trường xe bão hòa, các hãng có doanh số dòng xe, mẫu xe thấp giảm nhẹ giá xe để câu khách và thị trường xe đã thực sự sôi động trở lại khi cả năm 2018 ước đạt con số tiêu thụ hơn 300.000 xe/năm, mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2018 là vậy, năm 2019 thì sao? Có thể nói, nhiều tín hiệu khả quan đối với thị trường xe khi 2 tháng đầu năm doanh số bán xe khá tốt. Nhiều tín hiệu chính sách như việc hạn chế lưu thông xe máy ở một số tuyến phố Hà Nội; tăng phí trước bạ đối với xe bán tải đã và đang tạo cơ hội cho xe du lịch trong nước có thị trường và có thêm khách hàng mới.
Hơn nữa, theo nhiều nhà nhập khẩu, đại lý phân phối xe hơi, năm 2019 khi đã làm quen chính sách, các hãng sẽ chủ động đẩy lượng xe nhập về Việt Nam nhiều hơn. Khi xe nhập tràn về nhiều, xe trong nước sẽ phải tìm cách cạnh tranh bằng biện pháp tương tự, dư cung, ắt giá các loại xe có thể sẽ hạ đi, đặc biệt là các dòng xe ế ẩm, thưa khách.
Nhân tố có thể tác động đến thị trường xe và giá xe năm 2019 chính là VinFast. Năm 2019, hai động thái đáng chú ý của họ là thâu tóm thương hiệu Chevrolet và ra mắt dòng xe riêng.
Với việc M&A Chevrolet, VinFast tận dụng tốt mặt bằng cũng như phân phối các mẫu xe của Mỹ theo cách của mình. Mục tiêu chính vẫn là để bán ba dòng xe mới của hãng này được đưa ra bắt đầu từ quý II và quý III.
An Linh
(Tổng hợp)