DMagazine

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp

(Dân trí) - TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đã có những chia sẻ đáng lưu ý về dự báo kinh tế Việt Nam cùng những khuyến nghị chính sách…

TS. Lê Thái Hà - Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam đã có những chia sẻ đáng lưu ý với Dân trí về dự báo kinh tế Việt Nam sau đại dịch cùng những khuyến nghị chính sách…

CẦN THIẾT CÓ GÓI QUY MÔ LỚN HƠN, PHẠM VI RỘNG HƠN, THỜI GIAN DÀI HƠN

Bà đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP 2022 là khoảng 6 - 6,5%. Mục tiêu này liệu có khả thi?

- Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát và tác động mạnh mẽ như hiện nay, GDP của Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 2,91%. Năm 2021, chúng ta đối mặt với những khó khăn rất lớn từ đại dịch.

Tuy nhiên, theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2021 vẫn đạt ở mức 2,58%. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đây là một con số tăng trưởng đáng khích lệ.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 với biến thể Delta đã khiến GDP giảm 6,02% trong quý III/2021. Khi các chính sách hạn chế, giãn cách giảm bớt và việc tiêm chủng được đẩy mạnh, Việt Nam cần khôi phục lại danh tiếng của mình là một nhà cung cấp hàng hóa uy tín, giá thành hợp lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp  - 1

Song ngay cả khi đợt dịch bệnh này tạm thời được kiểm soát, chúng ta vẫn cần thời gian để các hoạt động kinh tế được phục hồi trọn vẹn. Thêm nữa, sang năm 2022, với bối cảnh dịch bệnh trên toàn cầu còn nhiều phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron thì thật khó để có thể nghĩ đến con số tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm tới.

Việt Nam đang gặp một số thách thức trong quá trình phục hồi, trong đó có vấn đề lao động. Hàng nghìn công nhân đã trở về quê nhà từ giai đoạn giãn cách xã hội mà hiện chưa thể quay trở lại ngay thành phố hay các khu công nghiệp, khiến các nhà máy sản xuất hàng điện tử và may mặc thiếu hụt lao động khi tái sản xuất.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là đường biển và đường hàng không, đều tăng mạnh. UNCTAD mới đây cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục vào năm 2022. Chi phí logistics tăng cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Chi phí và giá cước vận chuyển tăng cũng sẽ khiến cho giá cả của hàng hóa tăng theo, dẫn đến gia tăng lạm phát và nếu tình hình này kéo dài, sẽ là một trở ngại không nhỏ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp  - 3

Một thách thức khác đến từ xu hướng tiếp tục "đảo ngược toàn cầu hóa" (deglobalization) và lạm phát nhanh hơn dự kiến. WTO dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ sụt giảm đáng kể sau đại dịch. Chính phủ ở nhiều nước thể hiện mong muốn các công ty đưa dây chuyền sản xuất về lại trong nước để tạo thêm việc làm cho người dân bản địa.

Việt Nam lại chủ yếu thu hút FDI ở khâu gia công, lắp ráp thành phẩm nhờ vào chi phí lao động rẻ - đây là khâu đơn giản nhất trong chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao. Thêm nữa, nguồn cung ứng lao động này sẽ trở nên khan hiếm hơn trong bối cảnh bất ổn của dịch bệnh Covid-19.

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp  - 5

Về lâu dài, chúng ta cũng nên tập trung vào việc đào tạo lao động chất lượng, kỹ thuật cao để thu hút và "giữ chân" doanh nghiệp FDI ở các ngành sản xuất cung ứng có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhằm duy trì đà phát triển và nâng cao vị thế của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc tận dụng các Hiệp định Thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA cũng rất quan trọng để giúp chúng ta thu hút các FDI "xanh", hướng đến sự phát triển bền vững. Ví dụ gần đây là việc tập đoàn Lego đã đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của mình ở Bình Dương, ước tính sẽ tạo ra 4.000 việc làm.

Việt Nam đang nỗ lực cho một chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế. Chiều nay (11/1) Quốc hội sẽ thông qua gói chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Việc ban hành gói kích thích theo bà, có cần thiết lúc này? 

- Năm qua, mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực, nhưng thực tế là quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và phòng chống Covid-19 của Việt Nam (tính theo tỷ lệ với quy mô của nền kinh tế - đo bằng GDP) ở mức thấp so với các nước trên thế giới.

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp  - 7

Với tình hình hiện nay, việc có gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn (gấp 3,5 lần năm 2021), phạm vi rộng hơn, thời gian dài hơn (kéo dài trong 2 năm 2022-2023) là hợp lý và cần thiết.

Theo IMF, đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, khi không gian tài chính bị hạn chế, các khoản chi thường xuyên và trợ cấp không nhắm tới đối tượng mục tiêu một cách phù hợp cần được giảm bớt để tạo dư địa tăng chi cho việc chăm sóc sức khỏe cần thiết và chi tiêu xã hội cũng như chi phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

NHỮNG PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU ĐỂ HUY ĐỘNG VỐN 

Đề cập đến gói hỗ trợ này, không chỉ vấn đề đầu ra, bà có lo ngại về việc huy động vốn? Theo đề xuất dự kiến thì có nhiều nguồn huy động, trong đó có việc huy động vốn trong dân và vay các tổ chức quốc tế? Bà thấy phương án huy động vốn nào tối ưu?

- Việc huy động vốn có thể đến từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; phát hành trái phiếu Chính phủ; các quỹ ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…

Hiện nay, lãi suất cho vay quốc tế đang ở mức thấp, theo tôi đây là một lợi thế quan trọng. Mới đây, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam một khoản vay tín dụng trị giá 221,5 triệu USD (khoảng 4.900 tỷ đồng) với các điều khoản ưu đãi trong 30 năm, để tiến hành các hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, theo tôi, một nguồn lực nữa có thể đến từ việc đẩy mạnh tiến độ cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước. Hiện tại, tiến độ này vẫn còn chậm và có phần chững lại so với giai đoạn 2011-2020. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngân sách đã thu về 177.397 tỷ đồng từ việc thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách.

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp  - 9

Về việc huy động nguồn vốn từ người dân, đối với một nền kinh tế thị trường, thì đây là một hoạt động kinh tế bình thường, dựa theo các quy luật cung cầu cũng như sự cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.

Vai trò của Chính phủ là đưa ra các tính toán về nhu cầu và số lượng trái phiếu phát hành cũng như chính sách thu hút hợp lý trong bối cảnh và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trái phiếu Chính phủ thường được coi là một kênh đầu tư thanh khoản cao, ít rủi ro nhất - có nghĩa là mục đích đầu tư theo hướng bảo toàn nguồn vốn.

Tuy nhiên, đại dịch kéo dài trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến thu nhập và tích góp của người dân nên họ thường có xu hướng chọn những kênh đầu tư có mức sinh lợi nhuận tốt hơn. Mặt khác, trái phiếu Chính phủ tuy có tính an toàn cao nhưng lãi suất thường thấp hơn các tổ chức tín dụng nên tại thời điểm này, theo tôi, việc Chính phủ có thể huy động được nguồn vốn lớn từ người dân là khó khả thi. Nhược điểm nữa là thời gian huy động vốn từ trái phiếu thường kéo dài nên sẽ phù hợp là một kênh huy động vốn cho ngân sách trong trung hạn và dài hạn hơn.

Đúng là hiện nay, chúng ta vẫn chưa rõ về tính khả thi của khả năng huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ này. Về cơ bản, tôi nghĩ là khó có thể chỉ ra phương án nào là tối ưu mà cần có sự phân bổ để sử dụng các nguồn lực hợp lý.

Điều bà băn khoăn, trăn trở nhất khi bàn về kinh tế phục hồi sau đại dịch?

- Điều tôi trăn trở là sự phục hồi của nền kinh tế dường như có xu hướng phân hóa theo mô hình chữ K. Có nghĩa là, sau một cuộc suy thoái kinh tế (cụ thể ở đây là do đại dịch), một số ngành phát triển mạnh mẽ, trong khi những ngành khác lại trì trệ, thụt lùi.

Ví dụ, như tôi có chia sẻ, cả nước đã ghi nhận 90.300 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2021. Cùng lúc, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành lại có báo cáo lợi nhuận tăng trưởng bứt phá, tăng 40-80% so với cùng kỳ năm trước. Khi kịch bản phục hồi theo mô hình chữ K xảy ra và duy trì, vấn đề bất bình đẳng thu nhập và cách biệt mức sống trong xã hội có thể trở nên trầm trọng hơn.

Chuyên gia Fulbright phân tích cơ hội để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp  - 10

Thứ hai, việc lãnh bảo hiểm xã hội một lần gia tăng. Điều này dẫn đến những lo ngại về vấn đề an sinh, xã hội cho người lao động, đặc biệt là người có thu nhập thấp, hay việc đảm bảo cuộc sống và sức khỏe của họ khi về hưu, ở tuổi già, đặc biệt trong bối cảnh nhiều rủi ro về bệnh dịch nguy hiểm như hiện nay.

Thứ ba, việc thực thi các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần hiệu quả, kịp thời. Nếu không thì sẽ vừa không mang lại tác dụng hỗ trợ cho nền kinh tế vực dậy mà còn làm gánh nặng thêm cho nợ công - có nghĩa là thêm gánh nặng cho người dân và áp lực trả nợ cho tương lai.

Và cuối cùng, sự xuất hiện của biến thể Omicron làm gia tăng những rủi ro với hoạt động kinh tế cũng như mở cửa biên giới mà mới chỉ vừa có những dấu hiệu tích cực trở lại. Một số quốc gia như Iran, Phần Lan hay Đức mới đây đã thực hiện trở lại lệnh cấm đi lại và siết chặt các hạn chế nhập cảnh khác đối với du khách quốc tế vì lo ngại biến thể này có thể kháng lại các loại vaccine hiện có. Điều này sẽ làm chậm tiến độ phục hồi của thị trường lao động và làm tăng cường gián đoạn chuỗi cung ứng. Tiêu dùng cá nhân và đầu tư của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Mới đây, ông Stéphane Bancel - Giám đốc điều hành của Moderna - đã cho rằng các loại vaccine hiện có sẽ kém hiệu quả hơn đáng kể trong việc đối phó với Omicron so với các chủng coronavirus trước đó, và cảnh báo sẽ mất nhiều tháng trước khi các công ty dược phẩm có thể sản xuất các loại vaccine hiệu quả với biến thể mới trên quy mô lớn.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng, mức độ hiệu quả của 2 mũi vaccine giảm đi nhiều với biến thể Omicron, nghĩa là việc được tiêm 2 mũi vaccine có thể sẽ không còn là "sự bảo vệ đầy đủ" nữa. Đồng thời, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày gần đây đã gia tăng nhanh chóng trở lại, thậm chí ở mức kỷ lục, ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ và các nước châu Âu. Điều này sẽ làm tăng rủi ro cho những kịch bản phục hồi kinh tế của các quốc gia, bao gồm của cả Việt Nam, trong năm tới.

Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

Nội dung: Nguyễn Mạnh
Ảnh: Tiến Tuấn - Hữu Khoa
Thiết kế: Thủy Tiên