1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Chuyên gia: Doanh nghiệp đang gánh chịu cùng lúc nhiều thuế, chi phí

Phương Liên

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp đang gánh chịu cùng lúc nhiều loại thuế, chi phí. Các loại này sẽ gia tăng gánh nặng tài chính, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn để phục hồi sau dịch.

Sáng nay (11/7), tại hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (11/7), ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, bày tỏ rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì...

Ông Phụng nêu, doanh nghiệp đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải...

Chuyên gia: Doanh nghiệp đang gánh chịu cùng lúc nhiều thuế, chi phí - 1

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (Ảnh: VCCI).

Các loại chi phí này sẽ gia tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang vật lộn với quá trình phục hồi sau đại dịch và sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế", chuyên gia nhấn mạnh.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường nhiều khả năng không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm thừa cân béo phì do có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này như nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất...

Chuyên gia: Doanh nghiệp đang gánh chịu cùng lúc nhiều thuế, chi phí - 2

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (Ảnh: VCCI).

"Việc chỉ áp dụng thuế TTĐB đối với một loại sản phẩm chứa đường như nước giải khát trong khi loại trừ các sản phẩm cũng có yếu tố nguy cơ khác sẽ tạo nên chính sách phân biệt đối xử, không đảm bảo nguyên tắc công bằng của Nhà nước", bà Vân Anh nhận định.

Phó chủ tịch VBA cho rằng việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường còn có thể tác động đáng kể tới các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Trong đó, cơ quan này đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030 đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia. Với rượu dưới 20 độ, Bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026 sau đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2023.

Hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định sắc thuế này đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65% áp dụng từ năm 2018 đến nay. Lý giải đề xuất trên, cơ quan soạn thảo cho rằng mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018.

Tuy nhiên, sức mua rượu, bia của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Bộ Tài chính đánh giá rằng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia từ năm 2016-2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia.

Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ. Theo đó, cơ quan quản lý cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế này theo phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm