Chuyện chưa kể về hậu trường xử lý nợ xấu: Đứng cho vay, quỳ thu nợ

(Dân trí) - Để tỷ lệ nợ xấu giảm từ hai con số xuống 2,93% - một tỷ lệ an toàn theo thông lệ quốc tế - vào cuối tháng 9/2015, những người làm công tác xử lý nợ xấu đã thấm thía cảnh “đứng cho vay, quỳ thu nợ”.

Chủ nợ chưa được trao đủ quyền năng với con nợ, chưa có cơ chế phá sản cá nhân, ý thức xã hội trong trả nợ chưa cao, chưa có thị trường mua bán nợ xấu, xã hội mặc nhiên công nhận nợ xấu là của riêng ngành ngân hàng nên ngân hàng phải tự giải quyết … là những nghịch lý mà những người làm ngân hàng đang gặp phải.

Con nợ “lì”, chính quyền cũng bó tay!

Sau hàng chục năm kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico đã chứng kiến nhiều chuyện oái oăm: Nếu như nợ xấu đã xảy ra mà con nợ và người có tài sản thế chấp không muốn hợp tác thì ngân hàng cũng gần như bất lực bởi vướng nhiều điều khoản trong Luật Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và điều khoản về bảo mật thông tin trong Luật các tổ chức tín dụng. Luật sư Đức vẫn còn giữ nguyên mẩu báo được coi là “bất hủ” trong ngành ngân hàng, bởi đó là mẩu quảng cáo của một ngân hàng cổ phần, một minh chứng tiêu biểu cho sự “bó tay” của ngân hàng: 2 chiếc xe ô tô thế chấp đã bị chủ sở hữu mang đi cất giấu, ai cung cấp được thông tin về tài sản này sẽ được ngân hàng này thưởng nóng 50 triệu đồng.

Chia sẻ với những khó khăn của người làm nghề ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện nay đã có nhiều bước tiến triển và không thể phủ nhận thành công của Chính phủ, Quốc hội, ngành ngân hàng. Tuy nhiên, ông khẳng định, vấn đề then chốt trong xử lý nợ xấu là xử lý tài sản bảo đảm. Ông thấy xử lý nợ phụ thuộc quá nhiều vào nhà nước: xiết nhà, công an, tòa án xử, khâu thi hành án… vậy mà có lúc cũng bó tay. Nếu người đi vay không hợp tác, cứ chây ì, ngân hàng không làm được gì. Ở Mỹ không như vậy: Ngân hàng sẽ theo quy trình lần lượt gửi thư thông báo các thời hạn trả nợ ngân hàng. Quá các hạn trên, ngân hàng yêu cầu “con nợ” phải ra khỏi nhà, nếu không, công an, tòa án sẽ “bê” ra.

 


Đau đầu nhất của quá trình xử lý nợ, mỗi lần phát mại tài sản bảo đảm là nhà đất, bởi ngân hàng buộc phải có sự đồng lòng của “ba bề - bốn bên” (ảnh minh hoạ)

Đau đầu nhất của quá trình xử lý nợ, mỗi lần phát mại tài sản bảo đảm là nhà đất, bởi ngân hàng buộc phải có sự đồng lòng của “ba bề - bốn bên” (ảnh minh hoạ)

 

Nghịch lý nữa, theo luật sư Trương Thanh Đức: Nếu cơ quan pháp luật tiến hành phong toả, thu giữ tài sản bảo đảm, thì những người liên quan buộc phải chấp hành; ngân hàng cũng có quyền đó, nhưng nếu con nợ và chủ tài sản vi phạm thì lại trở thành “hoà cả làng”. Nhà ở là loại tài sản thế chấp có giá trị và phổ biến nhất, nhưng việc thu giữ cũng khó khăn nhất, nếu như khách hàng không đồng ý và hợp tác. Luật bất thành văn là ngân hàng phải lo thay chỗ ở cho chủ nhà, phải di chuyển, bảo quản an toàn mọi thứ tài sản, chứ không thể đẩy ra đường, mặc dù pháp luật không quy định đó là trách nhiệm của ngân hàng.

Bởi vậy, đau đầu nhất là mỗi lần phát mại tài sản bảo đảm là nhà đất, bởi ngân hàng buộc phải có sự đồng lòng của “ba bề - bốn bên”, gồm: Chủ tài sản, cơ quan đấu giá, công chứng và quản lý nhà đất, không thiếu một ai.

Ông Đức lấy dẫn chứng về hành trình gian nan trong xử lý một mảnh đất ở Thanh Trì (Hà Nội) để thu về 5,5 tỷ đồng nợ xấu. Mảnh đất này đã được thế chấp 4 lần tại 3 ngân hàng. Dù ngân hàng đã làm mọi thủ tục với đầy đủ quy trình và có sự chứng kiến của đại diện các cơ quan chức năng có liên quan, kể cả sổ đỏ cũng đã sang tên cho người mua đấu giá hợp pháp, nhưng đến nay vẫn không thể bàn giao được nhà cho chủ mới, bởi chủ cũ quay lại cố thủ chiếm giữ nhà.

“Vướng” về cơ chế pháp lý

Thêm một rào cản nữa đối với những người làm công tác xử lý nợ xấu, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, đó là ở Việt Nam chưa có cơ chế phá sản cá nhân. Do vậy, có trường hợp người đi vay bỏ trốn hoặc đã chết, nhưng nợ vẫn còn nằm trong sổ sách của ngân hàng.

Từ  kinh nghiệm thực tế hoạt động tại các ngân hàng nước ngoài, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Cho vay là quyền của Hội đồng Quản trị và Hội đồng tín dụng, nên khung pháp lý cần làm thế nào để ngân hàng và người đi vay có cơ hội tự giải quyết vấn đề với nhau, chứ không nhất thiết phải dùng quyền lực nhà nước hoặc “chạy” ra tòa án để giải quyết”.

Ngay cả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC, được coi là trụ cột trong xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng đang loay hoay vì những vướng mắc về cơ chế pháp lý “trói buộc”, mua nợ về nhưng không có đủ quyền năng của chủ nợ. Đó là VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ". Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết: Quá trình phát mại tài sản thông qua đấu giá mất nhiều thời gian trong khi đó khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản; bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá… dẫn đến VAMC, TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, quá trình thu hồi nợ cũng có nhiều rắc rối khi VAMC không có quyền chủ động xử lý, định đoạt những khoản nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo.

Một số ý kiến cho rằng: Nhiều ngân hàng muốn bán nợ, nhưng khó vô vàn vì lý do căn bản nhất là chưa có thị trường mua bán nợ ở Việt Nam và bản thân VAMC được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ cũng bởi lý do đó.

Nhiều người hiểu nhầm về nợ xấu

Trong khi các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế khẳng định, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, xử lý nợ xấu là “cấp cứu, điều trị và dưỡng bệnh” cho doanh nghiệp, cũng như cho cả nền kinh tế thì theo TS Vũ Đình Ánh, đa số vẫn chưa hiểu hết điều đó: “Người ta đang hiểu nợ xấu theo một cách khá cảm tính: Nợ xấu là của ngân hàng, nợ xấu là do lỗi của ngân hàng và vì vậy thì ngân hàng đi mà chịu trách nhiệm”.

“VAMC được lập ra để xử lý nợ xấu mà VAMC lại thuộc Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, suy ra rằng nợ xấu là của khối ngân hàng. Thế thì ngân hàng đi mà xử lý, còn doanh nghiệp, họ cười khẩy”, ông Ánh nói: “Thực tế là hệ thống pháp luật đang bảo vệ cho những người yếu thế, tức là bên đi vay. Doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh, tất nhiên là phải hơn bên làm dịch vụ, nhất lại là “buôn tiền” như ngân hàng. Vậy thì “chết” ông ngân hàng rồi!”.

Cũng vì vậy mà Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh mới đây đã phát biểu trước công luận: Nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi tổ chức tín dụng, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng nợ xấu do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có những nguyên nhân như thiên tai, môi trường kinh doanh biến động xấu, thị trường hàng hóa suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực quản trị của đoanh nghiệp yếu… là những nguyên nhân căn bản gây nên tình trạng nợ xấu này.

“Bởi vậy, với mọi quốc gia, vấn đề nợ xấu của các TCTD cũng là vấn đề của chính ngành kinh tế đó. Do đó, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Kim Anh đề xuất.

Lê Thoa

 

Chuyện chưa kể về hậu trường xử lý nợ xấu: Đứng cho vay, quỳ thu nợ - 2