1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán vẫn tăng mạnh bất chấp thông tin ca Covid-19 ở Hà Nam

Mai Chi

(Dân trí) - Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, VN-Index tăng gần 10 điểm và điều đáng chú ý là thị trường vẫn trụ vững sau khi có thông tin về ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nam.

Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 diễn ra thuận lợi, vượt mong đợi của giới đầu tư. Trái ngược với dự đoán sẽ có áp lực xả hàng mạnh, bán cổ phiếu để thu tiền về, tại phiên 29/4, toàn thị trường vẫn có 479 mã "xanh", 45 mã tăng trần so với 390 mã giảm giá, 18 mã giảm sàn.

Theo đó, cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ "đầu tàu", kéo thị trường đi lên. Chỉ số VN30-Index kết phiên ghi nhận mức tăng cao 18,22 điểm tương ứng 1,41% lên 1.312,28 điểm, nhờ đó giúp VN-Index tăng 9,84 điểm tương ứng 0,8% lên 1.239,39 điểm.

HNX-Index giảm nhẹ 0,32 điểm tương ứng 0,11% còn 281,75 điểm nhưng UPCoM-Index lại tăng 0,56 điểm tương ứng 0,7% lên 80,68 điểm.

Chứng khoán vẫn tăng mạnh bất chấp thông tin ca Covid-19 ở Hà Nam - 1

Tiền vẫn tập trung vào cổ phiếu "trụ" (Ảnh chụp màn hình).

Thanh khoản toàn thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước đó, một phần diễn ra hoạt động cơ cấu quỹ danh mục của các quỹ đầu tư.

Tổng giá trị giao dịch trong phiên trên HSX đạt 19.300,55 tỷ đồng, khối lượng giao dịch là 647,16 triệu đơn vị. HNX-Index có 85,13 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.710,89 tỷ đồng; UPCoM có 40,37 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 541,32 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu có hoạt động giao dịch diễn ra sôi động là VPB với khối lượng chuyển nhượng đạt 41,54 triệu cổ phiếu; STB với 38,89 triệu cổ phiếu; FLC với 30,48 triệu cổ phiếu; HPG với 28,88 triệu cổ phiếu và LPB với 23,81 triệu cổ phiếu…

Có 2/3 số cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá, trong đó, VPB vẫn tăng mạnh nhất (6,4%) lên 58.500 đồng/cổ phiếu; REE tăng 5,1%; HPG tăng 3,8%; NVL tăng 2,7%; CTG tăng 2,6%; TCB tăng 2,6%; PNJ tăng 2,4%; GAS, SSI, VRE, HDB đều tăng giá tích cực.

Chiều ngược lại, BVH, VNM, VIC, VJC, MSN, STB, TCH, VNM, PDR và SBT giảm giá. Trong đó, VNM giảm 0,2%; VIC giảm 0,4%; MSN giảm 1%; VHM giảm 1,6%.

Dòng tiền vào cổ phiếu nhỏ hôm qua trở nên yếu ớt. VNMID-Index của nhóm vốn hóa trung bình chỉ tăng 4,11 điểm tương ứng 0,28%; VNSML-Index của nhóm cổ phiếu nhỏ thậm chí ghi nhận giảm 1,45 điểm tương ứng 0,11%.

ABS giảm sàn; TGG đầu phiên tăng trần nhưng cuối phiên là giảm về mức thấp nhất phiên 3.750 đồng, thiệt hại 6,2%; EVG giảm 5,6%; TRC giảm 5,1%; LBM giảm 4,4%; TCM giảm 4,2%; SJF giảm 2,7%.

"Họ" FLC vẫn chưa thể lấy lại được phong độ dù thị trường hồi phục. Mặc dù các mã này đều có lúc tăng giá, nhưng kết phiên lại đồng loạt giảm: KLF giảm 3,5%; AMD giảm 3,3%; ART giảm 1,2%; HAI giảm 0,6%; GAB giảm 0,1%. Riêng FLC đứng tham chiếu.

Chứng khoán vẫn tăng mạnh bất chấp thông tin ca Covid-19 ở Hà Nam - 2

Biến động của VN-Index phiên 29/4 (ảnh chụp màn hình).

Nhìn chung, diễn biến của thị trường đã rất tích cực trước kỳ nghỉ lễ dù từ phiên buổi sáng đã có thông tin về ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nam và đến đầu phiên chiều thì công bố thông tin chính thức.

Đây là ca bệnh đã được cách ly từ ngày 7/4-21/4, đủ 14 ngày và xét nghiệm đủ 3 lần, tuy nhiên, sau khi về nhà thì xuất hiện các biểu hiện bệnh và đã lây sang người thân. Theo đó, tình hình dịch bệnh trở nên rất phức tạp khi một lần nữa lan ra cộng đồng.

Cụ thể, tại thời điểm thị trường đang giao dịch phiên buổi sáng thì truyền thông trong nước đã đồng loạt dẫn thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết, bệnh nhân N.V.Đ. (SN 1993), trú tại huyện Lý Nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 lần 1 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam.

Trước đó, bệnh nhân N.V.Đ. nhập cảnh từ Nhật về, cách ly đủ 14 ngày tại Đà Nẵng và đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong đó lần xét nghiệm cuối cùng là ngày 21/4.

Tuy nhiên, sau khi thông tin này được công bố thì VN-Index vẫn tiếp tục tăng đến hết phiên sáng. Vào phiên chiều, chỉ số có nhịp điều chỉnh khá mạnh, thu hẹp biên độ tăng nhưng sau đó chỉ số vẫn hồi phục trở lại.

"Tôi nghĩ rằng nhà đầu tư đang thể hiện niềm tin của mình vào khả năng chống dịch của Nhà nước. Chúng ta đã vượt qua 3 đợt dịch Covid-19, thị trường bị ảnh hưởng, tuy nhiên dịch đã đều khống chế được. Do đó, tình hình lần này tuy phức tạp hơn nhưng tôi vẫn tin Việt Nam kiểm soát được" - anh Phan Thanh Hải, một nhà đầu tư lâu năm ở Hà Nội chia sẻ.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Quốc phòng rà soát các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý, có phương án sẵn sàng cho tình huống có 30.000 người mắc bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế rà soát các cơ sở điều trị, bảo đảm đủ vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch cho các tình huống dịch bệnh; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tình huống có 30.000 người mắc bệnh

Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tích cực trong công tác truy vết, khoanh vùng dịch, cố gắng dập sớm nhất có thể "ổ dịch" Hà Nam.