Giới đầu tư chứng khoán thấp thỏm lo nhà, xe "bốc hơi" vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Một cuộc đấu trí căng thẳng giữa bên mua và bên bán trong sáng nay 27/4, sau khi chứng khoán trong nước đã trải qua cú "sập" gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết nhà đầu tư trên thị trường.
Ngay đầu phiên sáng, VN-Index chỉnh mạnh, lao một mạch xuống sát ngưỡng 1.200 điểm. Tại đây, một lượng nhà đầu tư vội vàng thoát hàng. Tuy nhiên, sau đó VN-Index đã phục hồi nhanh chóng đạt được trạng thái tăng trước khi giằng co quanh ngưỡng tham chiếu đến hết phiên sáng.
Tạm đóng cửa, chỉ số chính giảm nhẹ 0,05 điểm còn 1.215,72 điểm. Trong khi đó, VN30-Index tăng nhẹ 1,69 điểm tương ứng 0,13% lên 1.276,73 điểm. HNX-Index giảm 1,48 điểm tương ứng 0,53% còn 279,21 điểm và UPCoM-Index dừng lại vùng tham chiếu 79,42 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng rõ rệt về phía các mã giảm. Có 507 mã giảm giá, 26 mã giảm sàn so với 284 mã tăng, 30 mã tăng trần. Như vậy, nhiều cổ phiếu vẫn đang bị bán ra đáng kể, nhất là cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trung bình. Nhiều mã trong nhóm này đã về vùng tương ứng khi VN-Index ở 1.100 điểm.
VNMID-Index giảm 4,85 điểm tương ứng 0,33%; VNSML-Index giảm 10,39 điểm tương ứng 0,81%.
Những cổ phiếu đã mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư trong giai đoạn trước như HQC, HAI hôm nay vẫn đang giảm sàn. Riêng HQC còn dư bán sàn 11,41 triệu cổ phiếu trong khi đã khớp lệnh tới 25,58 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu "họ" FLC, một số mã đã thoát sàn và giảm đáng kể biên độ thiệt hại như ART, AMD, nhưng KLF, ROS và HAI vẫn đang giảm sàn. FLC có lúc giảm về 11.100 đồng nhưng hiện chỉ còn giảm 1,7%, tạm đóng cửa tại 11.500 đồng, có lúc đạt được trạng thái tăng.
Một điểm đáng lưu ý là động thái của nhà đầu tư đang rất thận trọng trong quyết định mua vào, bán ra. Có vẻ như sau nhiều bài học "đu đỉnh", "bán đáy", không ít người đang lựa chọn nắm giữ tiền mặt để quan sát xu hướng thị trường.
Yếu tố tích cực là áp lực của phía cung đã giảm mạnh sau khi VN-Index thử thách trên ngưỡng 1.200 điểm. Dù vậy, tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn đang bất an và giằng co: Nếu bán thì phải chấp nhận "lỗ thật", có thể "mất hàng", còn nếu "ôm" cổ phiếu lại thấp thỏm lo thị trường giảm trở lại.
Thống kê cuối phiên sáng cho thấy, tiền chảy vào HSX mới chỉ đạt 8.088,26 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 357,71 triệu đơn vị; con số này trên HNX là 59,68 triệu cổ phiếu tương ứng 965,96 tỷ đồng và trên UPCoM là 20,9 triệu cổ phiếu tương ứng 272,23 tỷ đồng.
Tuy giảm sàn nhưng ROS và HQC lại đang là những mã "vô địch" về thanh khoản trên thị trường thời điểm hiện tại. Mới phiên buổi sáng mà ROS đã giao dịch hơn 45 triệu đơn vị, HQC khớp 25,58 triệu đơn vị.
STB vẫn rất "khỏe", khớp lệnh 16,14 triệu cổ phiếu, tăng giá lên 22.700 đồng. Cổ phiếu VN30 có một số mã tăng tốt, "chống chịu" được với áp lực thị trường như NVL tăng 5,2%; MSN tăng 1,1%; KDH, POW, TCB, HPG, VIC, VHM, SSI, VCB, BID đạt trạng thái "xanh".
Thị trường đang phản ánh rõ nét sự bất an, lo ngại của nhà đầu tư với diễn biến dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở Ấn Độ, Campuchia. Đặc biệt là, tới đây trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, việc người dân đổ xô đi du lịch cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, tiếp tục gia tăng về lượng người mắc bệnh, số người vào bệnh viện, số người chết và bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước láng giềng, có chung đường biên giới phía Tây Nam.
Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Chiều 26/4, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Tại sự kiện này, ông Long nhấn mạnh: "Diễn biến Covid-19 ở Campuchia đang hết sức phức tạp. Thực sự chúng tôi rất quan ngại vấn đề lây nhiễm Covid-19 có thể xảy ra ở biên giới Tây Nam. Cho nên Bộ Y tế đã cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Thông thường kinh nghiệm thế giới cho thấy là những lần sau số mắc bao giờ cũng nhiều hơn lần trước, tàn khốc hơn lần trước".