Chứng khoán tăng dựng đứng: Đến lúc tất tay hay là nên chốt lời?

Mai Chi

(Dân trí) - Thị trường đã phục hồi mạnh tuy nhiên nhà đầu tư ngắn hạn vẫn không nên mua đuổi fomo mà chuyển trạng thái sẵn sàng chốt lời một phần, chỉ mua khi có nhịp điều chỉnh.

Ngừng mua đuổi, chuyển trạng thái sẵn sàng chốt lời một phần

Công ty Chứng khoán VNDirect

Thị trường đã có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index liên tiếp vượt qua các kháng cự 1.000 điểm, đường MA50 (1.025 điểm) và vùng kháng cự mạnh 1.050-1.070 điểm. Điều này cho thấy động lực tăng ngắn hạn của thị trường đang mạnh. Dòng tiền cũng thể hiện xu hướng tích cực khi giá trị giao dịch toàn thị trường có những phiên đã quay trở lại mức trên 20.000 tỷ đồng, được dẫn dắt bởi đà mua ròng mạnh của khối nhà đầu tư nước ngoài.

Chứng khoán tăng dựng đứng: Đến lúc tất tay hay là nên chốt lời? - 1

Đồ thị kỹ thuật VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Xu hướng dòng vốn ngoại sẽ vẫn duy trì tích cực trong tuần tới khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt và quỹ Fubon ETF tiến hành giải ngân sau khi gọi vốn lần thứ tư. Do đó, kỳ vọng chỉ số VN-Index duy trì xu hướng tăng điểm trong tuần tới và hướng tới vùng kháng cự 1.125-1.140 điểm (tương đương đường MA100). Thị trường có thể rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời gia tăng ở vùng kháng cự đó.

Nhà đầu tư dài hạn vừa trải qua cơ hội tuyệt vời để xây dựng danh mục đầu tư khi chỉ số VN-Index có 3 tuần giao dịch dưới ngưỡng 1.000 điểm. Sau tuần tăng điểm mạnh vừa rồi, định giá của nhiều cổ phiếu đã không còn quá hấp dẫn, do đó cơ hội giải ngân sẽ chọn lọc hơn so với giai đoạn chỉ số VN-Index ở dưới ngưỡng 1.000 điểm.

Dòng tiền có thể hướng tới những cổ phiếu cơ bản tốt trong những ngành ngân hàng, chứng khoán, điện, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công mà đà phục hồi chưa theo kịp đà tăng vừa qua của thị trường (đang giao dịch dưới đường MA50). Dòng tiền thông minh trên thị trường có thể luân chuyển và hướng tới nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn tới.

Thị trường đã ghi nhận đà phục hồi mạnh 20% kể từ mức đáy, do vậy, nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi "fomo" mà chuyển trạng thái sẵn sàng chốt lời một phần, hiện thực hóa lợi nhuận khi chỉ số VN-Index hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.125-1.140 điểm. Nhà đầu tư cũng nên duy trì tỷ trọng margin ở mức vừa phải để hạn chế rủi ro danh mục tổng thể.

Không nên quá hưng phấn giải ngân trong các phiên tăng

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Sau phiên điều chỉnh ngày 1/12 thị trường tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong phiên cuối tuần với lực cầu tiếp tục mạnh mẽ về cuối phiên, VN-Index tăng 43,73 điểm (4,22%) trong phiên cuối tuần và chốt tuần tăng 109 điểm (11,22%) với khối lượng giao dịch cả tuần trên 5,2 tỷ cổ phiếu (tuần có khối lượng giao dịch lớn thứ 2 trong lịch sử không tính giao dịch thỏa thuận).

Với tuần bùng nổ vừa qua, VN-Index chính thức phá vỡ kênh downtrend trung hạn kéo dài từ tháng 8 đến nay một cách thuyết phục, đà hồi phục mạnh mẽ kèm khối lượng giao dịch tăng đột biến. Thị trường vận động tích cực đúng như dự báo trong thời gian qua, điều quan trọng là thị trường gần như xác nhận qua đáy trung hạn và trạng thái vận động trong thời gian tới sẽ trở nên tích cực hơn.

Xét trên tổng thể, thị trường hồi phục mạnh trong tuần qua rất thuyết phục nhưng vẫn chưa thể xác nhận thị trường sẽ tạo ra xu thế uptrend mới, trạng thái hồi phục có tính kỹ thuật nhiều hơn do giai đoạn giảm mạnh quá đà thời gian qua.

Ngưỡng VN-Index 1.000 điểm vừa là ngưỡng hỗ trợ tâm lý nhưng cũng là vùng thị trường đã tích lũy rất tin cậy trước thời điểm đại dịch Covid. Do đó, việc VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ này trong trạng thái tâm lý hoảng loạn trước đây là trạng thái giảm quá đà nên thị trường hồi phục mạnh khi tâm lý ổn định lại là quá trình thường có và có thể dự báo được.

Với đà hồi phục như hiện tại VN-Index có thể sẽ tiếp tục vận động tích cực trong thời gian tới nhưng theo phân tích kỹ thuật ngưỡng 1.150 điểm sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh cần phải chú ý. Thị trường dù vận động tích cực nhưng sẽ dần đi vào giai đoạn tích lũy lại trước khi có thể hình thành sóng uptrend mới. Dự báo VN-Index sẽ vận động trong kênh 1.000 -1.150 và tạo ra khu vực tích lũy rộng, có thể kéo dài với biên độ hẹp dần trước khi thị trường có thể bùng nổ tạo uptrend tiếp theo.

Những tín hiệu kỹ thuật tích cực của VN-Index còn được củng cố thêm bởi những vận động tích cực từ dòng tiền khối ngoại (liên tục mua ròng trong thời gian qua) và các cổ phiếu dẫn dắt các ngành nhưng VCB, BID, HPG, FPT, GAS... đã vận động tốt trước cả thời điểm thị trường chung hồi phục đã tạo ra hưng phấn lan tỏa toàn thị trường.

Theo luồng nội dung phân tích và nhận định, thị trường đã bước vào giai đoạn vận động tích cực nhưng trước mắt sẽ cần tích lũy lại và tìm khu vực cân bằng và chưa thể xác nhận uptrend sớm, mặc dù cơ hội đầu tư đã mở ra nhưng thị trường cần có những giai đoạn điều chỉnh và tích lũy thêm. Do đó, nhà đầu tư không nên quá hưng phấn giải ngân trong các phiên tăng để tránh rủi ro bị vướng vào các vùng điều chỉnh.

Chiến thuật giải ngân nên kiên nhẫn chờ đợi các đợt điều chỉnh, mục tiêu giải ngân nên hướng tới nắm giữ trung hạn và lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn downtrend vừa qua.

Các nhịp điều chỉnh trong phiên sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục hoặc gia tăng tỷ trọng

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Nhịp điều chỉnh nhanh chóng qua đi nhờ dòng tiền quá khỏe tiếp tục đổ vào thị trường, các nhà đầu tư đã chốt lời nhanh chóng mua lại cổ phiếu khiến thị trường tăng "dựng đứng" trong phiên chiều cuối tuần dù phiên sáng chỉ giằng co quanh mốc tham chiếu.

Tuần vừa qua, chỉ số VN-Index tăng 108,55 điểm, tương đương tăng 11,17%, mức tăng tốt nhất của chỉ số này kể từ năm 2009 (theo tuần). Với tuần tăng thứ 3 liên tiếp, thị trường đã tăng 23,6% kể từ mức đáy gần nhất (873,78 điểm), đưa chỉ số VN-Index bước vào thị trường tăng giá (bull market).

Hỗ trợ đà tăng của thị trường trong những tuần gần đây là dòng tiền lớn đã quay trở lại qua các cuộc "giải cứu" ở các cổ phiếu như NVL, PDR, HPX, …. Trong đó phải kể đến dòng tiền từ khối ngoại.

Theo thống kê, thanh khoản khớp lệnh bình quân tuần này đã tăng lên mức trên 16.000 tỷ đồng trên sàn HOSE so với mức bình quân 9.000 tỷ đồng trong 2 tháng vừa qua. Khối ngoại sau khi mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 11 vẫn tiếp tục mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Tuần này sẽ có hơn 1,2 tỷ cổ phiếu về tài khoản chiều thứ 2, thị trường vẫn có khả năng rung lắc ở vùng 1.084-1.100 điểm. Nhưng các nhịp điều chỉnh trong phiên sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Các nhóm cổ phiếu đáng chú ý gồm: Dầu khí, chứng khoán, ngân hàng, thép, bất động sản vừa và nhỏ, v..v…

Xác suất cao VN-Index vẫn sẽ tiếp tục hướng lên

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index xuất hiện áp lực chốt lời T+, điều chỉnh ngay khi chạm kháng cự khiến chỉ số chung có phần hụt hơi quay về giao dịch quanh vùng 1.050 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index gặp cản khi vừa có diễn biến tiến vào vùng mây ichimoku, tuy nhiên tại khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo RSI và MACD chỉ mới tạo một đỉnh và chưa có dấu hiệu hình thành phân kỳ âm, nên việc VN-Index rung lắc tích lũy là điều bình thường trong nhịp phục hồi.

Theo lý thuyết sóng, VN-Index đang bước vào nhịp phục hồi sóng 4 và đã vượt qua mốc 1.030 tương đương với ngưỡng 0.618 của thang đo Fibonacci thoái lui. Xác suất cao VN-Index vẫn sẽ tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1.080 điểm và xa hơn là 1.130 điểm trước khi xuất hiện áp lực bán mạnh hơn.

Các nhà đầu tư tiếp tục giữ tỷ trọng hợp lý, có thể giải ngân thêm khoảng 10-20% sức mua hiện đang có cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.

Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm