Chứng khoán Mỹ giảm mạnh hơn 1.100 điểm

Nhật Linh

(Dân trí) - Chứng khoán Mỹ hôm qua (18/5) đã trải qua phiên giảm điểm lớn nhất kể từ năm 2020 khi các nhà bán lẻ lớn cảnh báo áp lực chi phí gia tăng, làm dấy nên nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư về lạm phát.

Đà bán tháo tiếp tục thực hiện khiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.164,52 điểm, tương đương 3,57%, xuống 31.490,07 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2021 và cũng là lần thứ 5 trong năm nay, Dow Jones giảm trên 800 điểm. Điều đáng nói tất cả mức giảm này đều xảy ra khi đà bán tháo cổ phiếu diễn ra trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh hơn 1.100 điểm - 1

Đây là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2021 và cũng là lần thứ 5 trong năm nay, Dow Jones giảm trên 800 điểm (Ảnh: CNBC).

Chỉ số S&P 500 cũng giảm hơn 4,04% xuống 3.923,68 điểm. Đây cũng là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,73% xuống 11.418,15 điểm, mức giảm lớn nhất của chỉ số công nghệ kể từ ngày 5/5.

Việc bán tháo rộng rãi và dữ dội trên phố Wall khiến cho toàn thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ có 8 mã của chỉ số S&P 500 trong sắc xanh.

Thị trường quay trở lại tình trạng bán tháo sau khi 2 báo cáo hàng quý từ gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Target và Walmart khiến các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng lạm phát gia tăng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng.

Cổ phiếu của Target đã giảm 24,9% trong phiên hôm qua sau khi nhà bán lẻ này báo cáo thu nhập quý đầu tiên thấp hơn nhiều so với ước tính của Phố Wall do chi phí nhiên liệu và lao động cao hơn. Cổ phiếu của Walmart tiếp tục giảm 6,8% sau khi mất 11% trong phiên trước đó.

Cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác đã chịu áp lực bởi lạm phát và nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này đã dẫn đến lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 2,9% sau khi chạm mức 3% trong thời gian ngắn khi giới đầu tư trở lại với trái phiếu như một nơi trú ẩn an toàn.

Chỉ số Dow Jones đã giảm trong 7 tuần liên tiếp nhưng đã ổn định trong 3 phiên gần đây. Tuần trước, chỉ số S&P 500 đã rơi vào bờ vực của thị trường gấu (thị trường giá xuống) và thấp hơn so với mức kỷ lục của nó 20%. Tuy nhiên, sau cú sụt giảm phiên hôm qua, chỉ số này hiện thấp hơn 18,6% so với kỷ lục và giảm 17,7% so với thời điểm năm 2020.

Theo CNBC