Chứng khoán lao dốc, tài sản ông Phạm Nhật Vượng sụt nhanh
(Dân trí) - VN-Index "bốc hơi" hơn 20 điểm ngay trong sáng nay với hơn 780 mã giảm, trong đó VIC thiệt hại nặng 5,6%.
Điều gì đến cũng phải đến, cú điều chỉnh mạnh đã diễn ra trong phiên sáng nay (18/8) sau chuỗi ngày giằng co của VN-Index. VN-Index tạm đóng cửa tại 1.213,27 điểm, sụt giảm tới 20,21 điểm, đánh rơi cả 2 ngưỡng quan trọng là 1.230 và 1.220 điểm. HNX-Index giảm 3 điểm tương ứng 1,2% và UPCoM-Index giảm 1,22 điểm tương ứng 1,32%.
Thanh khoản tăng vọt với 691 triệu cổ phiếu giao dịch trên HoSE tương ứng 14.746 tỷ đồng và 87 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 1.546 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 47 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 527 tỷ đồng.
Trên thực tế, giai đoạn vừa qua, nhiều mã đã có dấu hiệu điều chỉnh, tuy nhiên do sức kéo của "họ" Vingroup nên thị trường thường xuyên "xanh vỏ đỏ lòng", VN-Index được kéo tăng trong khi phần lớn thị trường giảm.
Đến hôm qua và sáng nay khi mất đi động lực từ VIC, áp lực bán càng lan rộng và khiến chỉ số biến động mạnh hơn. Có đến 26 mã trong rổ VN30 mất giá, trong đó, VIC thiệt hại nặng nhất, để rơi tới 5,6% (tương ứng 4.000 đồng) còn 67.900 đồng, khớp lệnh đạt 14,3 triệu đơn vị.
Tạm tính đến thời điểm này, trong 2 phiên vừa qua, VIC giảm tổng cộng 7.700 đồng. Ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. Theo đó, giá trị tài sản cá nhân của ông Vượng thông qua sở hữu trực tiếp VIC đã giảm 5.323 tỷ đồng chỉ trong chưa tới 2 ngày.
Đồng thời, nhóm cổ đông liên quan tới Chủ tịch Vingroup đang nắm giữ tổng cộng hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC, giá trị tài sản giảm kể từ hôm qua khoảng 18.500 tỷ đồng.
VIC giảm trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh mạnh, hơn nữa, cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq cũng quay đầu ngay sau phiên chào sàn. Chốt phiên giao dịch ngày thứ 3 trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS về 20 USD/cổ phiếu, giảm hơn 33% và ở dưới mức giá tham chiếu 22 USD/cổ phiếu thời điểm ra mắt.
Theo cập nhật của Forbes tại ngày 18/8, tài sản ông Phạm Nhật Vượng đã giảm 11,3 tỷ USD so với hôm qua, tương ứng giảm 30,19% còn 26,2 tỷ USD, xếp thứ 58 trong danh sách người giàu thế giới.
Trên thị trường chứng khoán sáng nay, VIC cũng là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, khiến VN-Index bị kéo giảm 2,8 điểm; trong khi VHM giảm 2% và ảnh hưởng tới VN-Index 1,43 điểm.
Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu lớn khác trong VN30 cũng giảm sâu như MWG giảm 3,5%; GVR giảm 2,8%; BCM giảm 2,5%; POW giảm 2,1%; HPG giảm 2,1%; VRE giảm 2%; VPB giảm 2%.
Sắc đỏ bao trùm thị trường với 786 mã giảm giá, 35 mã giảm sàn so với 164 mã tăng, 40 mã tăng trần. Theo đó, những cổ phiếu tăng nóng và tăng mạnh thời gian qua cũng là những mã bị điều chỉnh mạnh nhất.
Tại nhóm bất động sản, LDG vẫn bị bán sàn sau thông tin hủy giao dịch "bán chui" của Chủ tịch HĐQT. LGL giảm 6,6%; KHG giảm 5,7%; VRC giảm 5,3%; ITC giảm 5,3%; TDH giảm 5%; TCH giảm 5%; PTL, HQC, TLD, ITA, HAR, QCG, DIG, NVL đều giảm giá sâu. Thanh khoản tại NVL đã lên tới 37,3 triệu đơn vị và tại DIG là 23,4 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng chứng kiến đà bán ra mạnh tại DXV (giảm 5,4%); EVG (giảm 3,9%); FCM (giảm 3,8%); TCD (giảm 3,7%); TCD (giảm 3,7%); CII (giảm 3%); CTD (giảm 2,1%).
Nhiều mã cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản giảm sâu: SMC có lúc giảm sàn và hiện đánh mất 6,5%; DLG giảm 5,6%; TNI giảm 5,2%; TNT giảm 4,7%; SAV giảm 4,5%; VPG giảm 4,1%; HAP giảm 3,7%; NKG giảm 3,5%; TLH giảm 3,4%...
Phần lớn cổ phiếu ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính cũng giảm giá. Một số mã ngân hàng đang giữ được trạng thái tăng là LPB tăng 1,3% và VCB tăng 0,1%.
Nhóm công nghệ có vẻ khả quan nhất nhờ FPT tăng 0,9% và ELC tăng 2,1%; dù vậy, các mã khác như ST8, SAM, SGT, ICT, ITD, CMG điều chỉnh.