1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu VIC quay đầu giảm

Mai Chi

(Dân trí) - Sau phiên bứt tốc tăng trần vào hôm qua thì đến sáng nay, cổ phiếu Vingroup đã quay đầu sụt giảm, đánh rơi 2,6% và khiến VN-Index gặp bất lợi.

Trong bối cảnh áp lực chốt lời trên diện rộng và không còn sự ủng hộ của "ông lớn" VIC, VN-Index sáng nay (17/8) điều chỉnh 1,38 điểm tương ứng 0,11% còn 1.241,88 điểm. Sàn HoSE có 263 mã giảm giá so với 175 mã tăng.

HNX-Index giảm 0,34 điểm tương ứng 0,13% còn 252,22 điểm và UPCoM-Index cũng đánh rơi 0,41 điểm tương ứng 0,43% còn 93,27 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng khá mạnh so với sáng hôm qua, cho thấy bên cạnh lực bán chốt lời thì một bộ phận nhà đầu tư vẫn mạnh dạn giải ngân vào những cổ phiếu đang hạ giá.

VIC sáng nay quay đầu giảm 2,6% còn 73.600 đồng, khối lượng khớp lệnh đạt 11,57 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, VHM cũng giảm 1,7% còn 61.800 đồng. Theo đó, VIC và VHM lần lượt kéo giảm VN-Index 1,93 điểm và 1,21 điểm. Trước đó trong phiên 16/8, chỉ riêng VIC đã đóng góp cho VN-Index tới 5 điểm.

Cổ phiếu VIC quay đầu giảm - 1

Cổ phiếu "họ Vin" điều chỉnh khiến VN-Index gặp bất lợi (Nguồn: VNDS).

Diễn biến đảo chiều của VIC và VHM sau khi hiệu ứng tích cực của cổ phiếu VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ lắng xuống. Bước sang phiên giao dịch thứ hai trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS đánh mất 18,8% so với phiên trước, lùi về mức 30,11 USD qua đó kéo giảm giá trị vốn hóa của VinFast xuống còn 68,5 tỷ USD từ mức 85 tỷ USD.

Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng theo định giá của Forbes giảm còn 37,5 tỷ USD, xếp hạng 33 trong danh sách những người giàu nhất thế giới..

Bên cạnh đó, một mã "họ Vin" khác là VRE cũng giảm 1,3% còn 31.100 đồng. Nhiều mã bất động sản giảm sâu do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư: VRC giảm 3,1%; BCM giảm 2,2%; SJS giảm 2,1%; NBB giảm 1,8%; QCG giảm 1,7%... Riêng LDG giảm sàn do liên quan đến vụ xử lý cổ phiếu "bán chui" của Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.

Những cổ phiếu cùng ngành vẫn tăng giá tốt có thể kể đến TEG tăng 4,9%; TDH tăng 3,4%; PDR tăng 2%, NLG tăng 1,2% và KBC tăng 1,1%.

Cổ phiếu ngành vật liệu và xây dựng tương tự phần lớn cũng giảm giá. Mức điều chỉnh ở mức vừa phải: HT1 giảm 2,8%; EVG giảm 2,4%; BMP giảm 2,1%; HHV giảm 0,6%...

Ngược lại, ngành tài nguyên cơ bản khởi sắc với TNT tăng trần, TLH tăng 1,7%; HSG tăng 1,2%; HPG tăng 2%; POM tăng 2,9%: TNA tăng 4,2%.

Rổ VN30 mặc dù có 17 mã giảm so với 12 mã tăng nhưng vẫn tăng nhẹ 0,02 điểm chủ yếu do SSI tăng mạnh 5% và khớp lệnh "khủng" 37,6 triệu đơn vị. FPT tăng 2,1%; HPG tăng 2% và VNM tăng 1,5%.

Trước đó, giới phân tích cũng đã khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trong quyết định giải ngân mua mới. Nhiều công ty chứng khoán đánh giá, thị trường có thể tiếp tục tích lũy trong giai đoạn tới với những phiên tăng giảm điểm xen kẽ và nhà đầu tư có thể hạ tỷ trọng với các cổ phiếu đã tăng đạt kỳ vọng, giữ tỷ trọng tiền mặt trong danh mục ở mức 40-60% để chờ cơ hội tại các nhịp điều chỉnh.