1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chuẩn bị tăng giá xăng dầu?

Hôm qua (27/6), giá dầu thô thế giới đã vọt lên xấp xỉ 61 USD/thùng. Tình trạng này đã đẩy các công ty kinh doanh xăng dầu trong nước vào tình thế cực kỳ khó khăn và phương án điều chỉnh giá xăng dầu phải được tính tới.

Giá dầu thô đã lập kỷ lục mới

Giá dầu thế giới đã trở lại vòng quay tăng giá kỷ lục khi đạt xấp xỉ 61 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng nay, ngay sau khi phe bảo thủ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran.

Tại thị trường New York, giá dầu nhẹ, ngọt, sẽ giao trong tháng Tám đã tăng thêm 70 cent so với hôm qua lên 60,54 USD/thùng, một đỉnh cao mới.

Tại London, giá dầu thô Biển Bắc giao trong tháng Tám cũng tăng 94 cent lên mức giá kỷ lục 59,30 USD/thùng.

Nguyên nhân của đợt sốt giá dầu "không thể kìm hãm" lần này là vì các nhà đầu tư tỏ ra e ngại trước kết quả bầu cử Tổng thống mới tại Iran, thành viên quan trọng thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau Arập Xê-út.

Chiến thắng của ứng cử viên Bảo thủ Mahmood Ahmadinejad, một người không chủ trương "thân phương Tây", trước ứng viên ôn hoà Akbar Hashemi Rafsanjani, đã khiến cả thế giới bị "sốc".Nhiều chuyên gia thị trường lo sợ rằng các công ty dầu nước ngoài đang hoạt động tại Iran sẽ bị đóng cửa.

Sẽ tăng giá xăng dầu

Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho rằng, giải pháp căn cơ và lâu dài là phải tăng giá xăng dầu lên mức “nếu không bằng cũng phải xấp xỉ giá thế giới”.

Một công ty xăng dầu đầu mối cho biết, hiện kinh doanh xăng đã lỗ khoảng 200 đồng/lít. Trong khi dầu hỏa lỗ đến 3.200 đồng/lít, dầu diesel lỗ 2.500 đồng lít.

Ông Bùi Ngọc Bảo, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết giá xăng dầu tăng đã đặt các công ty kinh doanh xăng dầu vào tình trạng cực kỳ khó khăn về tài chính.

Ông Ruệ cho biết khoản chênh lệch khá lớn giữa giá xăng dầu trong nước với mức giá của những nước trong khu vực đang gây áp lực rất lớn đối với công tác chống buôn lậu mặt hàng xăng dầu.

Đây không phải là chuyện mới mẻ mà ngay từ năm 2004, khi xăng dầu thế giới tăng lên quá cao trong khi giá xăng dầu trong nước vẫn được bảo hộ, hoạt động buôn lậu xăng dầu qua biên giới bắt đầu xuất hiện.

Ông Ruệ cho rằng giải pháp căn cơ và lâu dài là phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên mức tương ứng với giá thế giới, “nếu không bằng cũng phải xấp xỉ giá thế giới”. Vào tháng 3/2005, Chính phủ đã điều chỉnh giá xăng dầu khi giá dầu thế giới ở mức 54 USD/thùng, còn hiện nay giá dầu đã vượt qua mức 60 USD/thùng.

“Với mức giá thế giới hiện nay, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh nhưng mức điều chỉnh bao nhiêu và thời điểm nào thực hiện sẽ phải được tính toán cho hợp lý” - ông Ruệ nói.

Theo ông Ruệ, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là giảm bảo hộ cho phù hợp với quá trình hội nhập, buộc các doanh nghiệp chủ động hơn. Thứ hai là giúp người tiêu dùng làm quen dần với những biến động giá trong nền kinh tế thị trường. “Tuy nhiên cũng không thể đùng một cái nâng giá xăng dầu vì sẽ gây khó khăn đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, mà phải uyển chuyển theo một lộ trình phù hợp” - ông Ruệ nói.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá dầu thế giới chỉ mới vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong những ngày gần đây và “cần thêm thời gian theo dõi”. “Ở mức giá 59 USD/thùng, các DN báo giá vốn của xăng lỗ 110 đồng/lít nhưng theo cách tính của chúng tôi thì mức lỗ chỉ xoay quanh 50 đồng/lít. Thành ra tình hình chưa có gì ghê gớm cả” - ông Thỏa nói.

Tuy nhiên, theo ông, nếu giá tiếp tục tăng và các doanh nghiệp lỗ nhiều quá thì sẽ phải tính đến giải pháp mở biên độ. “Theo qui định hiện hành có thể mở tối đa 10% so với giá định hướng, nhưng mở tới mức nào còn phải cân nhắc kỹ” - ông Thỏa cho biết.

Theo VnMedia