1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chưa vào mùa hè, điện đã "nóng"

Ghi Du

(Dân trí) - Tiêu thụ điện thời gian qua tăng cao, cộng với lưu lượng nước về các hồ kém dấy lên lo ngại về tình hình cung ứng điện. Đại diện Cục Điều tiết điện lực nói đang lên phương án để đảm bảo an toàn điện.

Báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện 3 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 69,2 tỷ kWh, cao hơn 1,2 tỷ kWh so với kế hoạch năm (68 tỷ kWh) và tăng 11,6% so với năm 2023. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về 3 tháng trên hệ thống điện quốc gia đạt 8,4 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch 0,5 tỷ kWh.

Lưu lượng nước về giai đoạn tháng 1-2 tương đương so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, ước tính đến hết tháng 3, lưu lượng nước về tháng 3 suy giảm mạnh trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc (chỉ đạt 61% kế hoạch).

Lưu lượng nước về kém, một số hồ thủy điện vẫn phải đáp ứng nhu cầu cấp nước hạ du tăng cường (Hàm Thuận - Đại Ninh) dẫn đến mức nước các hồ thủy điện vẫn bị tụt giảm. Tổng sản lượng còn lại trong các hồ trên toàn hệ thống cuối tháng 3 ước đạt 11,1 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch 1,3 tỷ kWh.

Trong tháng 3, A0 cho biết đã huy động tiết kiệm thủy điện, đề nghị UBND các tỉnh phối hợp hỗ trợ giảm lưu lượng cấp nước hạ du phù hợp với nhu cầu phát điện của hệ thống điện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có yêu cầu cấp nước cao hơn so với quy trình điều tiết liên hồ chứa (hồ Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Sông Bung 4, Đại Ninh, Buôn Tua Srah, Hàm Thuận).

Chưa vào mùa hè, điện đã nóng - 1

Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cao hiện hơn kế hoạch (Ảnh: EVN).

Theo ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, phụ tải thực tế 3 tháng đầu năm ở mức cao, dự báo cả năm nay có thể tăng trưởng trên 10%. Tình hình thủy văn dù tương đương so với kế hoạch năm trong tháng 1-2 nhưng có xu hướng kém đi từ tháng 3 do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là nắng nóng gay gắt bởi hiện tượng El Nino.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), A0, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) liên tục giám sát, đốc thúc các nhà máy điện sẵn sàng vận hành chế độ điều tần sơ cấp, giúp nâng cao khả năng chống chọi với sự cố của toàn hệ thống điện.

EVN chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực đưa các công trình mới vào vận hành, nâng cao khả năng giải tỏa công suất cho hệ thống. A0 và các Điều độ miền tính toán kịch bản cân bằng công suất, kiến nghị với EVN cũng như Bộ Công Thương để bổ sung các thiết bị phù hợp.

Các đơn vị cần việc lập kế hoạch cung cấp điện tháng/tuần/ngày để bám sát dự báo nhu cầu phụ tải, cập nhật liên tục tình hình các sự cố, tình hình cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện trên toàn hệ thống.

Trong khi đó, từ ngày 8/3, A0 khai thác tối đa nhiệt điện và tuabin khí trên toàn hệ thống để tiết kiệm thủy điện, đảm bảo tối đa mức công suất khả dụng của hệ thống điện trong mùa khô năm 2024. Đối với hệ thống điện miền Bắc, A0 cho biết sẽ không bố trí lịch sửa chữa nguồn điện trong giai đoạn tháng 5-7.

A1 thì đề xuất trong giai đoạn mùa khô, tháng 5-6 dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các thủy điện nhỏ tại miền Bắc từ khung giờ 9h30-11h30, 17h-20h sang khung giờ 12h30-15h30, 21h-23h để tăng công suất khả dụng cho hệ thống điện (khoảng 1.700-2.200MW).

Việc này cũng nhằm hạn chế tình trạng quá giới hạn truyền tải đường dây 500kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan, giảm nguy cơ thiếu nguồn vào giờ cao điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm