Tiền điện gộp 2 tháng làm một, người dân có bị thiệt thòi?
(Dân trí) - Người dùng bức xúc khi tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, cho rằng cách tính gộp của EVN Hà Nội có lợi cho đơn vị điện lực. Tuy nhiên, EVN Hà Nội khẳng định quyền lợi của khách hàng không bị ảnh hưởng.
Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, người dân khó chịu, có nhiều thắc mắc
Sau bài viết " Hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, người dân bật ngửa " đăng trên Dân trí ngày 4/3, không ít độc giả tại Hà Nội cho biết mình cũng rơi vào trường hợp tương tự và đặt ra nhiều câu hỏi.
"Nhà tôi có 3 người ở khu Ngoại giao đoàn, Tết có về quê 1-2 ngày mà sao tháng 2 tiền điện vượt lên tới gần 5,5 triệu đồng. Liệu có gì nhầm lẫn không?", bạn đọc Quy Nguyễn Đức bình luận.
"Đồng ý là điều chỉnh thời gian ghi chỉ số công tơ, nhưng người dân đã về quê ăn Tết gần 10 ngày, trong khi lại là mùa đông mà tiền điện vẫn cao. Tôi thấy với biểu giá điện hiện tại người dân đang phải trả giá điện cao hơn trước kia", người dùng Lê Kha nêu ý kiến.
Trong khi đó, độc giả Vũ Trường Công và nhiều độc giả thắc mắc tại sao EVN Hà Nội không chia nhỏ các lần đóng hóa đơn tiền điện thay vì gộp 2 kỳ gồm tháng 1 và tháng 2 lại. Điều này được cho là sẽ giảm bớt số tiền phải đóng của người dân vì điện tính theo giá bậc thang.
"Người tiêu dùng phải trả thêm tiền điện do số kWh dùng bị tăng thêm trong kỳ tính tiền điện. Nếu tách riêng tháng 1 và những ngày đầu tháng 2 thì số tiền điện ít hơn", bạn đọc Nguyen An Viet bình luận và cho rằng nên áp dụng ngày thanh toán mới là cuối tháng sau khi đã thu hóa đơn tiền điện riêng lẻ của tháng 1 và đầu tháng 2.
Hiện tại, lịch ghi chỉ số công tơ điện trải dài từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng. Trong tháng thay đổi, thời gian sử dụng điện của người dân tạm tăng thêm 11-28 ngày.
Trước thắc mắc về việc tăng lượng điện tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, đại diện EVN Hà Nội cho biết cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi.
Cụ thể, từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh. Sở dĩ có con số này bởi kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền điện bậc 1 là 50kWh, giờ kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần), định mức tính tiền điện bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện. Các bậc lũy kế sau cũng tăng tương ứng.
Con số tối đa 92kWh và 184kWh trong ví dụ mà EVN Hà Nội đưa ra không cố định, tùy theo số ngày tiêu thụ điện tăng thêm của mỗi hộ gia đình. Nếu số ngày tiêu thụ điện tăng thêm ít đi, đồng nghĩa với sản lượng tính trên giá bậc thang sẽ giảm xuống tương ứng (nhỏ hơn 92kWh đối với bậc 1, bậc 2 và nhỏ hơn 184kWh đối với bậc 3, bậc 4).
Số ngày dùng điện tính cộng dồn, bậc thang điện cũng phải tăng theo
Lấy trường hợp cụ thể của nhà ông Nguyễn Văn Sơn (50 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) trong bài viết " Hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, người dân bật ngửa ", ông phải đóng 2,3 triệu đồng tiền điện kỳ vừa rồi.
Khoảng thời gian sử dụng điện của nhà ông từ ngày 16/1 đến ngày 29/2, tức tăng thêm 14 ngày sử dụng điện. Tỷ lệ tương ứng sẽ được cộng vào số kWh tiêu thụ của từng bậc.
Theo công cụ tính hóa đơn tiền điện của EVN Hà Nội, bậc 1 cho kWh 0-50 với đơn giá 1.806 đồng/kWh lúc này sẽ được điều chỉnh cho kWh 0-73; bậc 2 cho kWh 51-100 với đơn giá 1.866 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 74-146; bậc 3 cho kWh 101-200 với đơn giá 2.167 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 147-291.
Bậc 4 cho kWh 201-300 với đơn giá 2.729 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho kWh 292-436; bậc 5 cho kWh 301-400 với đơn giá 3.050 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho từ kWh 437-631; bậc 5 cho kWh 301-400 với đơn giá 3.050 đồng/kWh sẽ được điều chỉnh cho từ kWh 632.
Như vậy, với tổng điện năng tiêu thụ 803kWh, hóa đơn tiền điện của gia đình ông Sơn sẽ được áp dụng lên đến 6 bậc, với 171kWh thuộc bậc 6. Tổng cộng tiền phải thanh toán (bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%) là xấp xỉ 3 triệu đồng.
Đơn vị điện lực khẳng định mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi. Các tháng tiếp theo đó sẽ quay trở lại bình thường.
Thực tế, kế hoạch thay đổi lịch chốt số công tơ điện về ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện của EVN Hà Nội đã có từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, đơn vị này chia sẻ với phóng viên Dân trí chưa thực hiện được vào cuối tháng 11/2023 do biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tăng trong tháng, việc tăng thêm thời gian sử dụng điện trong tháng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Do vậy, sang năm nay, đơn vị này mới thực hiện thay đổi đồng bộ ở 30 công ty điện lực trên địa bàn. Theo cơ quan điện lực, việc thay đổi khoảng thời gian chốt số công tơ điện sẽ giúp cơ quan quản lý dễ theo dõi, thống nhất số liệu để báo cáo, hạn chế các sai sót liên quan.
Hiện nay, bậc 1 biểu giá điện sinh hoạt mới cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.728 đồng/kWh). Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.786 đồng/kWh). Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.074 đồng/kWh).
Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.612 đồng/kWh). Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.919 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 3.015 đồng/kWh).