"Chưa nước nào dám mở cửa hội nhập mạnh như Việt Nam"

(Dân trí) - "Quan điểm mở cửa của Việt Nam là đã không chơi thì thôi, đã “chơi” phải chơi với nước lớn nhất, tiến bộ nhất để học hỏi… Qua 25 năm đổi mới và mở cửa, hội nhập chỉ tạo cơ hội cho các DN, chưa có “ông nào” kêu lỗ và phá sản do hội nhập cả…"

Đó là phát biểu của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trước gần 100 lãnh đạo DN, tập đoàn thuộc khối các DN Trung ương chiều qua 13/5.

TS V
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
TS Thành phân tích, xét về quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân/người,Việt Nam chưa là gì so với các nước trong và ngoài khu vực, nhưng về việc hội nhập chúng ta đang là hiện tượng của Châu Á và thế giới. Chưa nước nào dám mở cửa hội nhập mạnh như Việt Nam. Chúng ta mở cả chiều rộng về đối tác lẫn chiều sâu cam kết hợp tác. Sắp tới, sẽ có hàng nghìn mặt hàng, sản phẩm từ các nước đã và đang và sắp được vào Việt Nam với mức thuế 0% đồng nghĩa với hàng hóa của Việt Nam đang có cơ hội đi khắp thế giới.

TS Thành nhận định, Việt Nam hiện đã và đang tham gia ký khoảng 8 hiệp định thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam – Nga, Belarus – Kazactan, các cơ chế hợp tác ASEAN + 3, ASEAN + 6 với các đối tác lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Úc... và sắp tới là sân chơi với 11 nền kinh tế hàng đầu thế giới giữa hai bờ Đông – Tây Thái Bình Dương trong hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP... Hơn lúc nào hết, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp (DN) Nhà nước đang bị đặt trước thách thức phải cải cách chính mình để tham dự sân chơi pháp lý và quản lý của thế giới mà Việt Nam đã cam kết.

Độ mở và cam kết mở cửa ở các sân chơi tự do hóa thương mại của Việt Nam, theo ông Thành, đến ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc cũng “sợ hãi”.
 
Tuy nhiên, ông Thành và nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với hiện trạng là: Mở cửa thì nhanh mà phòng vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng thì rất chậm. Dù cam kết mở cửa, bãi bỏ thuế quan và tuân thủ các quy định và luật lệ của các nước nhưng các cơ quan Nhà nước của Việt Nam vẫn chậm trễ trong xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ thị trường, DN, người dân nước mình. Đây là điểm khác biệt với tiến trình hội nhập của các nước lớn.

“Các nước khi tham gia WTO đều lách cách bảo hộ bằng xây dựng các hàng rào phi thuế quan như: hàng rào kỹ thuật, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ… để ngăn chặn hàng nước ngoài áp đảo thị trường. Còn Việt Nam, dường như vấn đề đưa ra quy định đối với quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng chất bảo quản thực phẩm… vẫn để ngỏ cho thị trường. Đây là nguyên nhân khiến hàng chất lượng thấp, hàng giả đang tràn ngập thị trường, khiến các DN làm ăn chân chính thiệt hại”, TS Thành nói.

Trước đó, TS Trịnh Minh Anh, Văn phòng Ban chỉ đạo Hội nhập Quốc tế cho biết: Hiện độ mở cửa của Việt Nam được đánh giá rất mạnh so với các nước trên thế giới là khoảng 162%.  
 
Còn theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển, hiện chỉ còn Châu Phi và Trung Đông là Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do song và đa phương thôi, các đối tác kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đã đàm phán và chủ động mở cửa thị trường, khai thác thị trường.

“Các hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết hiện nay đều là những hiệp định thế hệ mới, trong đó có Hiệp định thế kỷ 21 là TPP. Hiệp định này đưa ra quy chuẩn về minh bạch thị trường và cải cách khu vực công, thể chế và DNNN ngày càng lớn. Các trở lực đối với DN, thị trường từ thể chế, khu vực công  như giấy phép "con", "cháu", nhũng nhiễu, chi phí không chính thức và một cửa nhiều lối đi, một cửa nhiều cánh… sẽ chịu sự trừng phạt rất nghiêm khắc của các nước và các thị trường bằng cơ chế đào thải hàng hóa. Chính vì vậy, thời gian tới, DN sẽ ngày càng cần có tiếng nói phản biện để thay đổi thói quen quản lý cũ của cơ quan Nhà nước”, ông Tuyển cho biết.

Dẫn lời một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới (WB), TS Võ Trí Thành cho biết, hội nhập đang là lựa chọn quyết định của Việt Nam để tránh phụ thuộc, lệ thuộc vào một thị trường nào. Từ năm 90 khi mới mở cửa, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD, nhưng đế năm 2014 giá trị xuất khẩu đã đạt con số lên đến 130 tỷ USD, đây là thành quả đáng ghi nhận.Khi mới bắt tay ký kết BTA với Mỹ, từ cơ quan Nhà nước đến DN đều sợ phải đối đầu với nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng đến nay Mỹ đã là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.

“Hội nhập có hai mặt, cơ hội đan xen thách thức. Nhưng theo tôi, hơn 25 năm hội nhập đã qua, không có doanh nghiệp nào “chết” – (rời khỏi thị trường, phá sản) vì hội nhập mà hội nhập đã và đang tạo ra cơ hội cho đất nước, cho các doanh nghiệp và các ngành sản xuất. Nếu chúng ta không nắm bắt được cơ hội, thì sẽ chỉ nhận được những thách thức”, ông Thành nói.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm