Hội nhập: Đừng nghĩ yếu mà không cạnh tranh được, quan trọng là phải làm khác đi

(Dân trí) - Trước những mối lo về khả năng cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, TS Trần Đình Thiên cho rằng, sẽ không thể thành công nếu doanh nghiệp không sẵn sàng trả giá, còn về phía các doanh nghiệp, rủi ro cao luôn song hành với lợi nhuận lớn.

Hội nhập: Đừng nghĩ yếu mà không cạnh tranh được, quan trọng là phải làm khác đi
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Không thể chờ đến khi kinh tế thế giới khởi sắc mới hội nhập còn khi kinh tế thế giới trì trệ thì tạm dừng hội nhập (Ảnh: Bích Diệp)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến: “Tham gia các FTA - Doanh nghiệp được lợi gì?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/3, tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hiện đang đàm phán thêm 7 FTA khác.

Câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả tại tọa đàm đó là, vì sao Việt Nam lại tham gia nhiều FTA như vậy giữa lúc kinh tế thế giới chưa khởi sắc? Và mối lo ngại dấy lên là nguy cơ Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ và công xưởng của các quốc gia tham gia FTA. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, hội nhập sâu rộng là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, được thực hiện trong nhiều năm và không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế thế giới. Ông Khánh cho biết, kinh tế có lúc thăng hoa và cũng có lúc trồi sụt khác nhau, nhưng không thể chờ đến khi kinh tế thế giới tốt lên thì mới hội nhập còn khi kinh tế thế giới trì trệ thì tạm dừng hội nhập. 

Chưa kể, còn có quan điểm cho rằng: Việt Nam đàm phán các FTA vào đúng lúc kinh tế thế giới trì trệ và nếu các hiệp định đó có hiệu lực đúng lúc kinh tế thế giới phục hồi trở lại thì sẽ có “tác động kép” đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội do những hiệp định này mang lại tốt hơn.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, đây là mối lo chung và chính đáng bởi lúc này kinh tế Việt Nam hãy còn khó khăn và trình độ kinh tế còn thấp. Do đó, có cơ sở để lo lắng khi hội nhập ở những Hiệp định có trình độ cao với những đối tác lớn hơn rất nhiều, Việt Nam có nguy cơ trở thành công xưởng “làm thuê” hay “thị trường tiêu thụ hộ”. 

“Không thể ăn không của thiên hạ”

Tuy nhiên, TS Thiên cũng đưa ra quan điểm, cho rằng, trong kinh tế học luôn có hai mặt: muốn được lợi thì cũng phải sẵn sàng chấp nhận trả giá chứ không thể “ăn không của thiên hạ” được! “Nếu anh khôn thì ăn được nhiều hơn, trả giá ít hơn, và khéo léo hơn nữa thì sẽ là cuộc chơi cùng thắng”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện đã qua giai đoạn WTO và cho thấy những vấn đề đặt ra cần xử lý. Việc hội nhập sẽ giúp Việt Nam giải quyết được triệt để câu chuyện cải cách, tái cơ cấu. Theo đó, chính áp lực hội nhập sẽ như một thời cơ, tạo động lực để cải cách, còn nếu không hội nhập thì câu chuyện đó sẽ bị bỏ lửng và kinh tế Việt Nam sẽ tụt lại đằng sau chứ không tiến lên được.

Toàn cảnh phiên tọa đàm (ảnh: BD)
Toàn cảnh phiên tọa đàm (ảnh: BD)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, người làm kinh doanh tôi luôn có quan niệm “no risk no return” – nếu như không chấp nhận rủi ro thì sẽ không thể thu về lợi nhuận. 

Theo ông Trường, bản thân quá trình kinh doanh là quá trình xông vào rủi ro và ở đó, những người phán đoán đúng, hành động đúng, quản trị đúng thì sẽ thành công và có lợi nhuận. Cho nên, điều mà các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tiên là liệu các FTA có mang lại cơ hội mở cửa thị trường hay không. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam chủ yếu dựa vào “cánh xuất khẩu” thì rõ ràng việc mở cửa thị trường là yếu tố hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, sau một thời gian tham gia WTO thì theo ông Trường, động lực tăng trưởng mới (tạo việc làm mới, giải quyết công nghiệp hóa) cho Việt Nam đã không còn nhiều. Tham gia các FTA sẽ tạo ra động lực phát triển thị trường, tạo ra tăng trưởng - là cơ hội để có được sự dịch chuyển tiếp tục trong quá trình công nghiệp hóa. Đây giống như một động lực cho quá trình phát triển mới của đất nước và với doanh nghiệp, nó sẽ tạo ra những cơ hội mới để doanh nghiệp lao vào cạnh tranh, lao vào kinh doanh. Còn nếu không thì Việt Nam đã bước vào ngưỡng khó khăn trong tăng trưởng, kể các các ngành xuất khẩu trọng điểm đang tăng trưởng tốt như dệt may, da giày. 

Riêng ngành dệt may với 6.000-7.000 doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp tư nhân, DNNN đã cổ phần) không phải ai cũng thành công. Cuộc chiến này đương nhiên sẽ có người thất bại, nhưng đó là quy luật của thị trường để giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao về chất lượng và sức sống hơn, so với việc đóng cửa để cùng tồn tại nhưng ở một thể trạng èo uột.

Yếu hơn không có nghĩa là sẽ thua

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, “không nên ngại mình là người đi sau, mọi thứ đã tồn tại thì sẽ không chen vào được”. Theo thứ trưởng, xu hướng hiện tại là đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam và dây chuyền cung ứng đã có sự thay đổi, chắc chắn sẽ còn thay đổi mạnh hơn trong tương lai khi các rào cản đối với hàng hóa của Việt Nam được xóa bỏ.

Trước đây, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu gạo, nhưng bây giờ Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản hàng đầu thế giới. Năm năm trước không ai nghĩ Việt Nam có thể sản xuất được điện thoại nhưng nay Samsung liên tục mở nhà máy, Microsoft mang toàn bộ nhà máy sản xuất Nokia sang Việt Nam và gần đây nhất là LG đã quyết định mang toàn bộ khâu sản xuất màn hình sang. Như vậy, rõ ràng là mặc dù đi sau nhưng đang có sự dịch chuyển sản xuất về Việt Nam và Việt Nam đã chen chân vào được chuỗi giá trị toàn cầu. 

“Đừng nghĩ chúng ta yếu mà không cạnh tranh được, quan trọng là phải làm khác đi, hoặc tạo ra lợi thế khi đàm phán ký kết các FTA. Khi những rào cản giảm xuống, Việt Nam sẽ có lợi thế. Nguồn lực sẽ đi theo tiếng gọi của lợi thế giống như nước chảy chỗ trũng. Chúng ta tạo ra chỗ trũng thì nước sẽ chảy về và cơ hội sẽ đến với các doanh nghiệp đi sau” – Thứ trưởng Khánh lạc quan.

Về vấn đề này, ông Trường cũng cho biết thêm, chuỗi cung ứng toàn cầu của dệt may đang có sự dịch chuyển khi dệt may Việt Nam được đánh giá đang có năng lực cạnh tranh tốt hơn Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Chỉ sau khoảng thời gian 5 năm, thì thị phần dệt may của Việt Nam ở Mỹ đã tăng từ 5% lên 10% đứng thứ 2 sau Trung Quốc và tất cả thị phần mà Việt Nam lấy được ở Mỹ chủ yếu là từ Trung Quốc (nước này giảm từ trên 50% còn trên 37% năm 2014).

Như vậy, điều kiện thuận lợi sẽ là tác nhân để giúp cho chuỗi cung ứng tiến vào Việt Nam. Và theo ông Lê Tiến Trường, tính cam kết của chuỗi cung ứng toàn cầu cao đến đâu cũng phục vụ một mục tiêu lớn nhất là lợi nhuận và khả năng tăng trưởng bền vững của các chuỗi. Thị trường nào tạo ra được lợi nhuận hấp dẫn hơn thì đó sẽ là nơi mà chuỗi sẽ tiến đến để xác lập.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”