1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ trường đua 900 con chó, 100 con ngựa "bất động" vì thiếu chữ "cá cược"

(Dân trí) - Chủ doanh nghiệp đã xin giấy phép xây dựng trường đua chó và được cấp phép. Hiện doanh nghiệp này đã nuôi 900 con chó, 100 con ngựa nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì thiếu chữ "cá cược" trên giấy phép do tại thời điểm xin phép chưa có quy định.

Tại Hội thảo "Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)" được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (15/10), một số doanh nhân đã nêu lên những vướng mắc, chồng chéo giữa các luật. Trong đó, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS cho biết chính sách và quy định pháp luật thay đổi, chồng chéo khiến doanh nghiệp ông gặp khó.

Chủ trường đua 900 con chó, 100 con ngựa bất động vì thiếu chữ cá cược - 1

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS

Ông Mỹ chia sẻ, cơ chế vận hành của pháp luật kinh doanh Việt Nam "có vấn đề". Ông này cho rằng: Ở Australia, hệ thống pháp luật chia làm 2 vế, quốc hội chỉ lo về luật, tổng thể chiến lược, còn các bộ, ngành vận hành quy trình quy phạm trên cơ sở luật pháp.

Chủ tịch Tập đoàn VABIS dẫn ví dụ về vướng mắc của công ty mình cho rằng: "Tôi có trường đua chó ở Vũng Tàu, xây trường đua chó ở Hà Tĩnh, có 2 năm là xong. Sau 3 năm, Nghị định 06 ra đời khiến tôi tắc, dù tôi có cả giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, tuy nhiên trong nghị định có chữ cá cược thì tôi không có. Mà từ thời điểm trước xin giấy phép đầu tư thì không có chữ cá cược”.

“Giờ xét theo Nghị định mới thì chúng tôi không có trong quy hoạch, phải xin lại quy hoạch của Thủ tướng. Tôi có 900 con chó và 100 con ngựa, sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn. Tốn kém rất nhiều mà bây giờ bỏ đi thì không nỡ. Nếu năm sau mà không được xử lý, chắc tôi phải đưa cả chó và ngựa ra Hà Nội để thả!”, ông Mỹ chua chát!

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị VCCI rà soát, đánh giá thực trạng chồng chéo giữ các luật và nghị định ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, hiện tình trạng này vẫn còn nhiều.

Ông này lấy 20 ví dụ điển hình về xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33: quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

“Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo đại diện của VCCI, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Ông Tuấn cho hay, giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề, phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: như Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ Môi trường, luật PPP... hay dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà, soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm