Luật Đầu tư mới là một bước thụt lùi!

“Tôi có cảm giác rằng việc thực hiện Luật Đầu tư mới là một bước thụt lùi so với Luật Đầu tư nước ngoài cũ theo nhiều khía cạnh khác nhau” - Luật sư Fred Burke, giám đốc điều hành Chi nhánh Việt Nam của Hãng luật Baker McKenzie nhận định xung quanh Luật Đầu tư vừa có hiệu lực từ ngày 1/7.

Ông đã thuyết trình tại Amcham Vietnam về Luật Đầu tư mới. Xin ông cho biết phản ứng của các nhà đầu tư Mỹ về nội dung của nó?

 

Có rất nhiều điều các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành để giải đáp cho họ.

 

Chẳng hạn như những doanh nghiệp muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh hoặc tăng vốn sẽ đăng ký lại theo luật mới như thế nào?

 

Hay việc bỏ phiếu đối với các quyết định của ban lãnh đạo, cũng như tỷ lệ thành viên trong hội đồng quản trị liên doanh-theo luật cũng có nhiều thay đổi, nhưng không ai biết sẽ thay đổi cụ thể thế nào.

 

Ví dụ rõ ràng nhất là luật mới quy định rằng việc thực hiện các dự án phát triển địa ốc đều phải thông qua hình thức liên doanh, và điều này hầu như khó thực hiện với những công ty thuê đất của Nhà nước. Trong khi đó Luật Đầu tư nước ngoài cũ lại cho phép người nước ngoài tự thực hiện những dự án này.

 

Theo ông, tại sao lại có bước lùi như vậy?

 

Theo tôi hiểu việc Chính phủ đã cho phép người nước ngoài làm điều này xuất phát từ khó khăn trong việc huy động vốn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, và trên thực tế, chính sách này đã phát huy tác dụng rất tốt trong những năm qua. V

 

iệc cho phép nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức đầu tư có vai trò lớn trong việc thu hút FDI cho những dự án địa ốc cao cấp như khách sạn hay khu nghỉ dưỡng.

 

Sự “bỏ cuộc” này chứng tỏ chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam có tính tình thế hơn là mang tính chiến lược lâu dài.

 

Một khi gia nhập WTO, Việt Nam phải dần xoá bỏ các ưu đãi (bị cấm) theo quy định của tổ chức này. Vậy Chính phủ Việt Nam cần làm gì để bù lại những hình thức ưu đãi bị bãi bỏ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư Việt Nam vẫn hấp dẫn?

 

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống ưu đãi khác nhằm thay thế cho chính ưu đãi thuế. Chúng tôi (Amcham) đã đấu tranh rất mạnh với Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) rằng Việt Nam cần phải có một lộ trình tương đối dài cho việc xoá bỏ các trợ cấp bị cấm để đảm bảo những cam kết của Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và cuối cùng họ cũng đã phải chấp nhận thời hạn 5 năm (chỉ trừ trợ cấp cho ngành dệt may là phải xoá bỏ ngay vào thời điểm gia nhập).

 

Điều mà Việt Nam cần làm hiện nay để tăng cường thu hút FDI là phải nhanh chóng phát triển hạ tầng, và cách nhanh nhất là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình này.

 

Cả các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều ca cẩm về tình trạng yếu kém của hệ thống giao thông, nhất là bến cảng cho container. Hiện nay có rất ít nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia, và con số này cần được mở rộng.

 

Riêng về lĩnh vực này, Luật Đầu tư mới đã có bước tiến nhất định, như việc cho áp dụng các luật lệ ngoại thương quốc tế trong các hợp đồng phát triển hạ tầng. Thế nhưng dự thảo nghị định về BOT mà tôi được đọc có vẻ như muốn khép lại “cánh cửa đang mở” này.

 

Ông đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư từ Mỹ?

 

Có rất nhiều các nhà đầu tư Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau vào đây, kể từ khi Intel khởi động dự án vào hồi đầu năm. Kể từ đó, văn phòng của chúng tôi đã tiếp một số lượng các nhà đầu tư lớn hơn bất cứ lúc nào từ trước đến nay.

 

Tình hình có vẻ thuận lợi: Việt Nam đang “sải những bước cuối cùng” trước khi cán cái đích là trở thành thành viên của WTO, và các nhà đầu tư đang chuẩn bị đón nhận những cơ hội mới khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam tuân theo những chuẩn mực của WTO!

 

Nhưng tất cả họ đều chờ đợi xem Việt Nam sẽ thực hiện những cam kết tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài như thế nào thông qua nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư mới. Hay nói cách khác, việc trở thành thành viên WTO mở ra những cơ hội, còn Luật Đầu tư sẽ tạo điều kiện nắm bắt những cơ hội đó.

 

Theo Sài Gòn tiếp thị