Chủ tịch VNG chi 255 tỷ đồng mua cổ phiếu công ty
(Dân trí) - Với việc mua gần 1,7 triệu cổ phiếu VNG với mức giá "khủng" trên 150 nghìn đồng/cp, ông Lê Hồng Minh dự kiến sẽ phải chi "hầu bao" tới 255 tỷ đồng - số tiền gần bằng vốn điều lệ của công ty này là 260 tỷ.
Hơn 80% doanh thu của công ty ông Lê Hồng Minh chủ yếu đến từ game online.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa cho biết, cơ quan này đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần VNG.
Theo đó, công ty cung cấp dịch vụ game online lớn nhất Việt Nam đã được chấp thuận chào bán riêng lẻ 1.697.015 cổ phiếu cho ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty, với giá chào bán dự kiến 150.260 đồng/cp.
Như vậy, với giao dịch này, ông Lê Hồng Minh sẽ phải chi tới 255 tỷ đồng để tăng thêm sở hữu tại công ty của chính mình. Theo hồ sơ VNG công bố tại website của UBCKNN, vốn điều lệ VNG hiện là 260 tỷ đồng thì số tiền ông Minh phải bỏ ra theo thị giá cổ phiếu đã gần tương đương với vốn điều lệ.
Thông tin phát hành cổ phiếu riêng lẻ lần này được đưa ra không lâu khi trước đó, ông Minh vừa đăng ký bán 520 nghìn cổ phiếu VNG theo phương thức thỏa thuận. Thời gian đăng ký giao dịch từ 8/2/2013 đến 28/2/2013 song tới nay chưa có báo cáo về kết quả giao dịch trên.
Nếu giao dịch đăng ký hồi tháng 2 được thực hiện thành công thì số cổ phần ông Minh nắm giữ tại VNG đã giảm từ 5,16 triệu đơn vị xuống còn 4,64 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 17,8% vốn điều lệ.
Mặc dù là công ty đại chúng song các thông tin tài chính của VNG chưa được cập nhật trên website của UBCKNN cũng như trên website của công ty. Báo cáo tài chính năm 2011 của công ty cho thấy, tính đến 31/12/2011, công ty đã chi 855,46 tỷ đồng mua lại 5,8 triệu cổ phiếu quỹ.
Năm 2011, VNG có doanh thu thuần 2.132,77 tỷ đồng gấp 1,19 lần kết quả đạt được năm trước đó. Trong đó, 80,5% đến từ trò chơi trực tuyến. Mảng này đem lại cho VNG 1.717,43 tỷ đồng doanh thu trong năm 2011.
Ngoài ra, doanh thu từ bán thẻ điện thoại và các thẻ trò chơi trả trước của các nhà cung cấp dịch vụ khác 512,77 tỷ đồng; từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến gần 57 tỷ đồng; từ cung cấp dịch vụ hơn 12 tỷ đồng và có khoảng 3,7 tỷ đồng đến từ dịch vụ nhạc chờ.
Sau khi trừ các khoản chi phí và nghĩa vụ thuế, lợi nhuận thuần sau thuế của VNG cùng năm đạt 605,64 tỷ đồng, gấp 1,4 năm trước.
Hiện tại, VNG đang sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Công nghệ và Phần mềm Vi Na, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phần mềm Trò chơi Vi Na; góp 99,67% vốn tại CTCP Dịch vụ - Dữ liệu Công nghệ Thông tin Vi Na, góp 99% vốn tại Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm giải trí Zion và góp 62% vào CTCP dịch vụ mạng Vi Na.
Mai Chi