Chủ tịch VCCI: "Không thành lập siêu Uỷ ban, nên lập ra 2-3 tập đoàn đầu tư vốn"

(Dân trí) - Trả lời Dân trí và một số phóng viên báo chí chiều nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỏ ý không ủng hộ việc thành lập một Ủy ban quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Ông Lộc còn đề nghị thành lập 2-3 Tập đoàn đầu tư vốn nhà nước.


Ông Vũ Tiến Lộc: Nên thành lập 2-3 tập đoàn đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước

Ông Vũ Tiến Lộc: "Nên thành lập 2-3 tập đoàn đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước"

Ông có quan điểm thế nào về việc thành lập Uỷ ban quản lý vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp (DN) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất?

-Trước đây, khi thảo luận thông qua Luật quản lý vốn đầu tư nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu thành lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước như vậy. Việc thành lập một cơ quan để thay thế cách quản lý vốn theo kiểu Bộ chủ quản vừa qua là đúng đắn, cần triển khai sớm trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên tôi lại rất băn khoăn và không ủng hộ phương án lập ra một Ủy ban hay một bộ để quản lý DNNN. Tôi không ủng hộ vì đó vẫn là cơ quan hành chính của Chính phủ và cũng không nên tập trung quyền lực hành chính, quyền lực quản lý vốn vào trong một cơ quan. Bây giờ ta bỏ bộ chủ quản mà lại thành lập một Uỷ ban vừa có quyền lực về hành chính, vừa có quyền lực về quản lý vốn là không thích hợp.

Vậy theo ông, một mô hình như thế nào thì phù hợp hơn?

-Tôi cho là thành lập 2 hay 3 tập đoàn tài chính nhà nước, tập hợp hết vốn của nhà nước lại và thực hiện quản lý vốn nhà nước tại DN, thực hiện vai trò như nhà đầu tư vốn nhà nước vào các DN, kể cả các DN 100% vốn nhà nước và các DN có vốn của Nhà nước hơn là một cơ quan kiểu Uỷ ban của Chính phủ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất.

Thành lập các Tập đoàn như vậy, theo ông sẽ giải quyết vấn đề gì, cách thức hoạt động của nó như thế nào ?

-Làm như vậy nó vẫn đảm bảo tự chủ của các DN. Các tập đoàn này này hoạt động với tư cách là nhà đầu tư chứ không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành, sẽ đảm bảo cho các DN hoạt động hiệu quả hơn. Tập đoàn này chỉ chịu trách nhiệm về đầu tư về vốn thôi chứ không phải cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý hoạt động hàng ngày của các DNNN.

Mô hình này cũng không phải là mới. Nó mới với nước ta thôi. Chứ ở một số nước như Singapore họ đã có những Tập đoàn quản lý vốn như vậy. Ví dụ như Tập đoàn Temasek của Singapore, nó hoạt động rất hiệu quả. Tôi nghĩ ở Việt Nam, với 2-3 tổ chức như vậy nó vừa sức và phù hợp với khả năng quản lý ở Việt Nam.

Vì sao, thưa ông ?

-Bởi vì là vốn nhà nước ở các DN hiện nay là rất lớn. Tôi lo rằng khả năng quản lý hiện nay mà tập trung hết nguồn vốn lớn như vậy vào một chỗ thì không khả thi. Tôi nghĩ với 2-3 tập đoàn đầu tư vốn, nó cũng sẽ tạo ra cơ chế để có sự cạnh tranh, thi đua, các tập đoàn này sẽ học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cũng sẽ có điều kiện so sánh về mô hình xem như thế nào thì hiệu quả, để chọn ra một mô hình tốt nhất để duy trì sau này.

Tuy nhiên, dù có chia ra làm 2-3 Tập đoàn, Tổng công ty đầu tư vốn như ông nói thì cơ chế nào để giám sát các tập đoàn này hoạt động hiệu quả, không để thất thoát vốn ?

-Tôi nghĩ là phải tăng cường vai trò của Quốc hội ở đây. Hàng năm, các tập đoàn này sẽ phải báo cáo hoạt động của mình trước Quốc hội vì nắm giữ tài sản, nguồn lực tài chính rất lớn của quốc gia.

Như thế thì các Tập đoàn này không khác gì với mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay mà chúng ta đã biết nó hiệu quả không được như mong muốn cho lắm ? Thêm 2 SCIC nữa thì cũng đến thế thôi ?

-Hiện nay thì SCIC thuộc Bộ Tài chính. Nó vẫn bị hạn chế về vị thế của nó trong quản lý vốn của nhiêù tập đoàn, DN các ngành khác. Các tập đoàn mới này có thể không trực thuộc Bộ Tài chính nữa nhưng Bộ Tài chính sẽ giúp Chính phủ theo dõi, giám sát việc sử dụng nguồn vốn. Vấn đề là hiệu quả, kết quả hoạt động của các tập đoàn này phải báo cáo với Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội.

Đặt vấn đề lập ra "siêu" Uỷ ban, hay các Tập đoàn, tổng công ty tài chính, có vẻ như về tư tưởng, nó mâu thuẫn với chủ trương cổ phần hoá, khi Chính phủ muốn giảm vớt vốn nhà nước, qui mô hoạt động để chỉ tập trung vào một số lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ ?

-Không có mâu thuẫn gì cả. Bởi vì khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay đẩy mạnh cổ phần hoá, nó vẫn cẩn phải có một tổ chức chịu trách nhiệm về việc rút vốn hay đầu tư tiếp. Ví dụ khi một DN chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty đầu tư tài chính này sẽ quyết định Nhà nước còn giữ bao nhiêu cổ phần ở đó, đại diện cho vốn nhà nước tại DN được cổ phần hoá mà có tư nhân tham gia.

Sau này, hầu hết các DN của Nhà nước cổ phần hoá thì các tập đoàn tài chính này sẽ giống như tập đoàn đầu tư tài chính của tư nhân, đầu tư vào các DN A hay B, C...và nó hoạt động với tư cách một cổ đông chứ nó không can thiệp vào hoạt động của DN đó vì DN đó hoạt động theo mô hình của công ty cổ phần. Nhà nước tuỳ theo tỷ lệ cổ phần mình có ở một DN là bao nhiêu thì cử đại diện của mình ở đó và có tiếng nói trong hội đồng quản trị. Cho nên, cái đó nó không mâu thuẫn mà góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hoá DNNN.

Nhưng đến 3 Tập đoàn, có hơi nhiều không, thưa ông?

-Qui mô nguồn vốn nhà nước hiện nay rất lớn. Nên nếu một tôi e rằng không quản lý nổi mà nên có 2-3 Tập đoàn. sau này, khi chúng ta đã rút bớt được vốn nhà nước khỏi DN và khả năng quản lý đã tốt hơn thì có thể nhập vào làm một. Nhưng trước mắt, nên có 2-3 Tập đoàn như vậy. 3 Tập đoàn này hoạt động độc lập, cạnh tranh với nhau để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Nhà nước sẽ lựa chọn mô hình tốt nhất. Chứ để một thôi thì một mình một chợ, khó biết hiệu quả thế nào, rất khó đánh giá. Hơn nữa tập trung quá lớn vào một nơi, sẽ tạo ra một quyền lực quá lớn trong nền kinh tế là không nên. Khả năng quản lý của nhà nước sẽ khó khăn hơn.

Thủ tướng cũng mới phát biểu ở Bộ Công Thương là chúng ta không thể đảo ngược quá trình cổ phần hoá, phải rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực kinh doanh thuần tuý, chỉ giữ vốn nhà nước ở một số lĩnh vực then chốt thôi, để cho người dân được mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng có những Tập đoàn tài chính nhà nước, đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hoá, có các cổ đông tư nhân thì cổ đông tư nhân sẽ tạo ra những áp lực để kiểm soát, nâng cao hiệu quả quản lý vốn. Nó cũng tạo ra cơ hội đầu tư cho người dân và DN vào những lĩnh vực nhà nước còn nắm giữ.

Làm sao để tránh mô hình là vỏ là Tập đoàn đầu tư tài chính mà ruột vẫn là cơ quan quản lý hành chính? Người ta cũng lo ngại phát sinh bộ máy, thêm người, làm tăng gánh nặng cho ngân sách,thưa ông ?

-Nó phải khác chứ, theo điều lệ, mô hình mới. Các Tổng công ty, DNNN hiện nay vẫn hoạt động bình thường. Các Tập đoàn tài chính mà tôi đề xuất sẽ theo dõi, quản lý vốn còn ở DN, người đại diện vốn, hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm.

Còn nguồn nhân lực, nếu có các Tập đoàn như vậy tôi cho là phát sinh không nhiều. Chúng ta có thể điều chuyển từ các tập đoàn, tổng công ty, những người có năng lực, khả năng điều hành, quản lý tốt sang. Các Tập đoàn này sẽ phải cơ chế hoạt động công khai, minh bạch, được kiểm toán hàng năm và như tôi nói, luôn được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội do sử dụng nguồn lực tài chính lớn của nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Mạnh Quân