1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giám sát vốn và tài sản tại DNNN:

Bộ Tài chính lo “siêu ủy ban” cồng kềnh, tốn kém tiền ngân sách

(Dân trí) - Cho rằng nên cân nhắc, xem xét kỹ có cần thiết cho ra đời ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp hay không, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc ra đơn "siêu ủy ban" sẽ khiến bộ máy cồng kềnh hơn, tốn kém chi phí ngân sách Nhà nước, chưa kể là sẽ làm chậm tiến trình cổ phần hóa DNNN.

Như đã đưa tin, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Một trong những nội dung gây chú ý của dự thảo Nghị định này đó là việc thành lập cơ quan chuyên trách - Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Theo đó, sẽ có 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc các lĩnh vực: điện, xăng dầu, dầu khí, viễn thông, dệt may, cà phê… phải chuyển về ủy ban này quản lý thay vì trực thuộc các bộ, ngành như hiện nay.

Chiều qua (21/7), ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã có cuộc gặp gỡ và chia sẻ quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Băn khoăn ủy ban vẫn là mô hình quản lý hành chính

Nói về ý tưởng thành lập “siêu ủy ban” quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Tiến cho rằng, mô hình này là bước đi để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đó là tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu, hay nói cách khác là chức năng quản trị của DN.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính tỏ ra băn khoăn, cho rằng ủy ban vẫn là mô hình cơ quan hành chính Nhà nước không khác các bộ chủ quản của các DN hiện hành.

Ngoài ra, ông Tiến cũng đánh giá, việc lập một “siêu ủy ban” quản lý tới 30 DNNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, mỗi DN có hoạt động kinh doanh khác nhau đòi hỏi cơ quan này phải có lượng lớn cán bộ chuyên môn sâu am hiểu tham mưu phê duyệt các kế hoạch sản xuất kinh doanh từng lĩnh vực. Trong khi bản thân từng lĩnh vực lại có từng mảng khác nhau nữa.

Ông Tiến lo ngại, nếu đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn như đã đề cập ở trên thì ủy ban cần hình thành bộ máy mới cồng kềnh.

“Mặt khác, một cơ quan thay mặt cho nhiều bộ ngành quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty đồng nghĩa ủy ban phải phê duyệt kế hoạch của 30 lĩnh vực khác nhau. Như vậy ủy ban có thể rơi vào tình trạng như SCIC cách đây 10 năm khi không thể ôm tất cả ngành nghề để quản lý vốn đầu tư”, ông Tiến phân tích.

Vì vậy, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc lập ủy ban này sẽ thêm một bộ máy hành chính siêu bộ, tốn kém chi phí nuôi bộ máy trong lúc ngân sách Nhà nước đang khó khăn.

Do đó, ông Tiến đề nghị nên cân nhắc, xem xét kĩ có cần thiết cho ra đời ủy ban này hay không.

Lo ngại “siêu ủy ban” làm chậm tiến độ cổ phần hóa

Ngoài ra, nói về đề xuất này, ông Đặng Quyết Tiến bày tỏ lo ngại, việc lập ủy ban có thể làm chậm tiến độ cổ phần hóa DN bởi công đoạn bàn giao giữa các DN về ủy ban tốn rất nhiều thời gian, có thể khoảng 1-2 năm.

“Đến thời điểm khi các DN đã cổ phần hóa xong, hoạt động theo cơ chế thị trường, Nhà nước không bao cấp, ưu đãi, hỗ trợ như trước đây thì lúc này ủy ban bắt đầu đi vào hoạt động có cần thiết nữa không? Thậm chí nhiều lãnh đạo DNNN có thể không mặn mà chuyển giao vì sắp đến thời hạn cổ phần hóa vào năm 2018”, ông Tiến phân tích.

Vị đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý, nếu ủy ban này ra đời sẽ tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, hoạt động với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

“Ủy ban sẽ quản lý SCIC, trong khi hiện SCIC đang quản lý vốn tại các DN. Tại sao không bàn giao các tập đoàn về SCIC luôn thay vì cho ra đời thêm mô hình ủy ban?”, ông Tiến băn khoăn.

Đại diện Bộ Tài chính cũng dẫn lại bài học lịch sử: Trước đây, khi các tập đoàn, công ty trực thuộc Chính phủ quản lý, Chủ tịch tập đoàn, tổng công ty ngang hàng với Bộ trưởng. Mọi vấn đề đều trực tiếp xin ý kiến Chính phủ thay vì thông qua Bộ chủ quản.

Điều này dẫn đến tình trạng không ai nghe ai và thiếu cơ quan giám sát, quản lý, không có ai chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh đó, “việc giao các DNNN về cho các bộ quản lý là hợp lý và có công cụ giám sát, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu DNNN cũng như bộ chủ quản”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Đồng thời, ông Tiến cho rằng, bây giờ khi vai trò sứ mệnh của các bộ ngành đã hoàn thành, nên để các DN thực hiện theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo sân chơi bình đẳng cho DN thông qua cơ chế chính sách. “Vấn đề cốt lõi cần làm là hãy đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DN”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo dự thảo Nghị định - đánh giá, siêu ủy ban có thể thành hoặc bại đều do việc xây dựng cơ chế hoạt động, quản lý, giám sát nhưng chúng ta phải dũng cảm làm.

"Nếu cứ để như hiện nay, DNNN sẽ thất bại. Nếu chúng ta cứ bán cổ phần, tài sản của DNNN để bỏ vào ngân sách dùng để chi thường xuyên thì chỉ 5 năm nữa sẽ mất khu vực DNNN", ông Cung nhấn mạnh.

Viện trưởng CIEM phân tích: Lâu nay, việc một bộ vừa quản lý ngành lại vừa ban hành chính sách vừa chủ sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành đó khiến xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách điều tiết thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành của mình. Khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh. Nguy hại hơn là khiến phân bố nguồn lực cũng méo mó, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, nền kinh tế phát triển dưới tiềm năng.

Điều quan trọng nhất là thực hiện quyền sở hữu, quản lý tài sản Nhà nước trong DNNN, ở các bộ đang phân tán, rời rạc. Điều này khiến vừa mất hiệu quả, hiệu lực của vốn Nhà nước, nguồn lực. Đồng thời, quan trọng nhất, khi có thất thoát tài sản Nhà nước, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng.

Bích Diệp