Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà: Trong kinh doanh, dòng tiền như dòng máu
(Dân trí) - Chủ tịch Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn nói với cổ đông về "dòng máu" mà doanh nghiệp buộc phải giữ trong kinh doanh, hé lộ chuyện tập đoàn đã hết nợ trái phiếu, việc chuẩn bị "đón đại bàng"...
Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 sáng nay (30/5).
Cổ đông đặt một số câu hỏi với HĐQT liên quan tới chiến lược phát triển của tập đoàn 3-5 năm tới, tiến độ dự án khu công nghiệp Tam Dương (Vĩnh Phúc), định vị trung và dài hạn của ban lãnh đạo doanh nghiệp về từng ngành nghề kinh doanh của tập đoàn...
Dòng tiền với doanh nghiệp như dòng máu với cơ thể
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà, cho biết đến giờ phút này, ngành sản xuất vẫn sẽ là ngành chiến lược mà tập đoàn sẽ tuân thủ để phát triển.
Nêu bối cảnh năm 2023 và những năm qua, ông Sơn cho biết doanh nghiệp đang chứng kiến một giai đoạn phát triển kinh tế biến động, thách thức, không riêng với Việt Nam hay Sơn Hà mà còn là các nước, các doanh nghiệp khác. Chiến sự, biến động kinh tế tương đối khó lường, ảnh hưởng tới từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Chiến sự, xung đột nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, cũng tương đối khó lường, kinh tế bị ảnh hưởng. Doanh nhân hay những nhà đầu tư đều phải chuẩn bị. Trước đây có thể chúng ta chưa bao giờ phải nghĩ tới việc đó thì bây giờ phải nghĩ", ông Sơn nói.
Ông cũng dẫn ra câu nói của một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam, đại ý là một con tàu bị nguy cơ nước tràn vào và chìm xuống thì hành động cấp bách nhất là quăng được tất cả những gì trên tàu ra để mà cứu tàu mẹ, sau đó mới tính cứu các tàu nhỏ hơn. Do đó, việc cắt giảm chi phí, tái cấu trúc là việc chung không chỉ của doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp các nước trên thế giới.
Chủ tịch Sơn Hà cho hay, từ tháng 6/2022, các dấu hiệu của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu xuất hiện. Đến nay, dù đã có những tín hiệu cải thiện nhất định nhưng cảm nhận chung là phía trước vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Dù thế, theo ông, vẫn có may mắn là cổ đông tập đoàn nơi ông làm chủ tịch HĐQT vẫn hàng năm còn ngồi họp cổ đông tại đây, gặp gỡ nhau, bàn các đối sách phát triển.
"Nghe thì thấy doanh số tập đoàn tăng trưởng xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thì vẫn suy giảm. Chắc hẳn các vị sẽ thắc mắc tại sao lợi nhuận suy giảm hơn ngày xưa dù doanh thu tăng, nhưng các vị cũng nhìn xem vừa qua nhiều doanh nghiệp còn lỗ cơ, lỗ to lắm dù doanh thu tăng. Khoản lỗ này do chi phí. Khi khó khăn thì chi phí khủng khiếp lắm", ông nêu.
Chủ tịch Sơn Hà bổ sung thêm, trong kinh doanh, doanh nghiệp cần cố gắng giữ dòng tiền.
"Dòng tiền với doanh nghiệp như dòng máu với cơ thể. Ta phải cố gắng mà giữ được dòng máu để ưu tiên phát triển, mong giữ được ổn định, doanh thu và sản lượng sẽ chiếm lĩnh ưu tiên số một. Còn về lợi nhuận thì ta cố gắng cắt giảm chi phí, căn cơ để mà hiệu quả. Đó cũng là lý do vì sao doanh thu cao mà lợi nhuận chưa cao", ông nói.
Năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu thuần 9.605 tỷ đồng. Đóng góp chính là ngành hàng gia dụng với việc tăng trưởng 61% so với năm 2022. Mảng công nghiệp cũng có khởi sắc với tổng khối lượng ống công nghiệp và cuộn inox xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng tới 185% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt 74% mục tiêu đề ra.
Năm 2024, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu thuần 9.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng. Theo cập nhật mới nhất, hết quý I, doanh thu thuần đã đạt 1.862 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 17 tỷ đồng. Tổng tài sản đến hết ngày 31/3 năm nay đạt 7.775 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Tổng tỷ trọng các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở mức 74% tổng tài sản.
Nợ phải trả đạt 5.764 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 2,86 lần. Kết thúc quý I năm nay, dòng tiền kinh doanh dương 43 tỷ đồng, nhờ giảm được 365 tỷ đồng các khoản phải thu, giảm 81 tỷ đồng hàng tồn kho.
Về mục tiêu năm 2024, ông Sơn cho biết con số đặt ra như vậy thì tập đoàn có thể đạt được.
"Tôi nhớ chúng ta từng đặt cao, sau đó không đạt được thì cũng mệt mỏi. Tôi có thảo luận với HĐQT là cứ đặt thực tế chút, đạt được thì phấn khởi, còn nếu đặt cao quá mà không đạt được thì dù con số đặt ra lớn, thực hiện lớn nhưng không đạt thì cũng có thể không vui", Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà thẳng thắn chia sẻ.
"Hoàn thành trả nợ trái phiếu, không vướng trái phiếu nữa"
Ông nêu, đến giờ phút này, tập đoàn tự hào về việc sản xuất là ngành giúp cho Sơn Hà ổn định trong giai đoạn vừa qua. Nếu nặng về đầu tư, doanh nghiệp có thể đã rơi vào khó khăn. "Tập đoàn đã hoàn thành trả hết trái phiếu, không vướng trái phiếu nữa. Giờ nhiều bên vướng mắc khoản này, thậm chí phải đáo hạn, gia hạn nhưng chúng tôi xong hết rồi, đang ở tư thế ổn định", ông nêu.
Với mảng đầu tư, Chủ tịch Sơn Hà nói khu công nghiệp Tam Dương (Vĩnh Phúc) có quy mô 162ha thì tới nay đã giải phóng được 120ha. Địa phương đã giao, cấp phép 81ha. Tập đoàn được phép xem xét triển khai cho thuê trong phạm vi 81ha này. Bước đầu có một số khách ký hợp đồng và dự kiến số đơn đặt hàng thuê "nhiều hơn khả năng cung cấp rất nhiều".
Chiến lược của tập đoàn trong 5 năm sắp tới với công nghiệp, gia dụng, dân dụng vẫn là những mảng cốt lõi. Mảng môi trường, xử lý rác thải đang được tập đoàn kiên định, kiên nhẫn đầu tư và phát triển "trên tinh thần cẩn trọng, nhìn thời cuộc". Ưu tiên hiện nay là tập trung vào mũi nhọn, làm sao để giữ được ổn định cân bằng.
"Dù hiện nay đã có một số tín hiệu khởi sắc nhưng chúng tôi đặt giả định vẫn còn đó những khó khăn. Lãi suất có xu hướng tăng, tỷ giá tăng. Chúng tôi làm xuất khẩu mà tỷ giá như thế này thì làm sao có tiền được. Vừa qua, vàng tăng giá cũng là biểu hiện của sự trú ngụ của người dân vào tài sản này. Thách thức trong tương lai có thể vẫn sẽ có, chúng tôi làm trên cơ sở phòng thủ, an toàn là trên hết", lãnh đạo tập đoàn bày tỏ.
Chuẩn bị "đón đại bàng"
Ông Phạm Thế Hùng - Phó tổng giám đốc Thường trực, Thành viên HĐQT tập đoàn - bổ sung, gia dụng và công nghiệp là 2 mảng cốt lõi. Thời gian qua, tập đoàn có những đơn hàng với ngành gia dụng xuất khẩu. Trong năm 2023, tập đoàn mở rộng xuất khẩu tới 10 quốc gia, vào được những nước khó tính ở châu Âu như Đức. Những tín hiệu trên được ban lãnh đạo tập đoàn đánh giá là rất tốt.
Với mảng gia dụng và công nghiệp, tập đoàn đi đúng định hướng của Chính phủ là "đón đại bàng". Khi có tiêu chuẩn về môi trường - xã hội - quản trị (ESG), doanh nghiệp các nước châu Âu, châu Mỹ sang Việt Nam nhiều, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu đó để tận dụng.
Ông Hùng nói thêm, môi trường, nước sạch là các ngành cho tương lai. Doanh nghiệp phấn đấu trung và dài hạn sẽ lọt top 10 nhà cung cấp giải pháp cho năng lượng tái tạo, cung cấp nước do xác định "làm đâu chắc đó".
Tại phiên họp thường niên, HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cũng trình cổ đông thông qua một số tờ trình về bổ sung ngành nghề kinh doanh liên quan bán buôn, bán lẻ ô tô; thù lao HĐQT; miễn nhiệm và bầu bổ sung Ban kiểm soát; chọn đơn vị kiểm toán độc lập; thù lao HĐQT và Ban kiểm soát; phân phối lợi nhuận; kế hoạch kinh doanh 2024… Các tờ trình đều được cổ đông thông qua.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 30/5, cổ phiếu SHI đang được giao dịch ở mức 15.000 đồng/đơn vị, tăng hơn 10% so với đầu năm.