Dòng tiền kinh doanh Vinaconex âm cả nghìn tỷ đồng

(Dân trí) - Năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm 1.493 tỷ đồng, trong khi năm trước con số này là 50 tỷ đồng. Tình trạng âm dòng tiền tiếp tục kéo dài tới quý I/2020.

Dòng tiền kinh doanh Vinaconex âm cả nghìn tỷ đồng - 1

An Quý Hưng là cái tên "nổi lên" trên thị trường sau thương vụ thâu tóm Vinaconex.

Kết quả kinh doanh sau một năm về tay "chủ mới"

Theo kế hoạch, ngày 29/6 tới đây, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – MCK: VCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Năm 2019 là năm đầu tiên Vinaconex hoạt động với sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông (không còn cổ đông nhà nước). Hiện Công ty TNHH An Quý Hưng là cổ đông lớn nhất sau khi mua lại từ SCIC trong phiên đấu giá cuối năm 2018. Bộ máy cũng được kiện toàn lại, ông Đào Ngọc Thanh hiện là Chủ tịch Vinaconex.

Dòng tiền kinh doanh Vinaconex âm cả nghìn tỷ đồng - 2

Cơ cấu cổ đông của Vinaconex.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra lần này, các cổ đông sẽ có cái nhìn tổng thể, trao đổi, chất vấn tình hình “sức khoẻ” của Vinaconex sau hơn một năm chuyển đổi sở hữu từ doanh nghiệp có vốn góp nhà nước sang doanh nghiệp không còn vốn nhà nước.

Báo cáo cho thấy, kết thúc năm 2019, tổng doanh thu hợp nhất Vinaconex đạt 9.891 tỷ đồng, đạt 98% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch.

Mặc dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế có tăng trưởng khoảng hơn 20% so với năm trước, tuy nhiên một điểm đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex lại âm tới 1.493 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm hơn 50 tỷ đồng năm trước. Việc này đến chủ yếu từ tăng các khoản phải thu, lên tới 2.417 tỷ đồng, trong khi cả năm 2018 cũng mới chỉ khoảng hơn 50 tỷ đồng.

Đến quý 1/2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex vẫn âm tới 1.060 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh, lượng tiền của Vinaconex cũng sụt giảm. Tại thời điểm 1/1/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của Vinaconex là 1.342 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2020 còn lại 942 tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh Vinaconex âm cả nghìn tỷ đồng - 3
Các khoản trả trước cho người bán của Vinaconex, trong đó khoản trả trước cho Công ty CP Xây dựng số 12 là hơn 563 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Royal Hà Nội với số tiền 103 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Long Việt với số tiền 74 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt với số tiền 50 tỷ đồng…

Thời điểm năm ngoái, một trong những vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ Vinaconex đó là vấn đề quy chế quản lý tài chính của Tổng công ty đã được sửa đổi theo hướng trao quyền rất lớn cho những người đứng đầu.

Cụ thể, đó là việc trao cho Chủ tịch HĐQT quyền quyết định giao dịch lên đến 10% (gần 1.000 tỷ đồng) tổng giá trị tài sản của Vinaconex và tổng giám đốc được quyết định các giao dịch lên đến 5% (gần 500 tỷ đồng) tổng giá trị tài sản.

Còn nhớ tại thời điểm ĐHĐCĐ năm 2019, một cổ đông đã từng đứng lên chất vấn vấn HĐQT, Ban TGĐ trong thời gian điều hành chỉ trong có mấy tháng có hay không dấu hiệu tẩu tán tài sản của Vinaconex?

Tại thời điểm đó, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT đã trả lời: "Quy chế tài chính do HĐQT bỏ phiếu và được chấp thuận đa số quá bán. Tôi với trách nhiệm là một cổ đông, là đại diện cho Công ty An Quý Hưng, đã góp vào Vinaconex hàng nghìn tỷ đồng nên chúng tôi cũng phải có trách nhiệm với dòng tiền chúng tôi góp vào”.

Vị này cũng phủ nhận cáo buộc liên quan tới việc tẩu tán tài sản tại Vinaconex. Đồng thời khẳng định chưa sử dụng quy chế ký một quyết định nào.

Kế hoạch của Vinaconex trong tay “chủ mới”

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2020 sắp diễn ra, những nội dung “nóng” năm trước có tiếp tục được đưa ra bàn luận trong năm nay hay không vẫn là dấu hỏi.

Theo kế hoạch tại đại hội lần này, HĐQT Vinaconex đã trình kế hoạch tăng vốn điều lệ, tấn công mạnh hơn vào thị trường bất động sản.

Dự kiến, Vinaconex chào bán hơn 66 triệu cổ phiếu hiện hữu. Tổng giá trị chào bán là hơn 662 tỷ đồng. Mức giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành dự kiến theo giá chào bán là hơn 993 tỷ đồng.

Số tiền thu được sẽ được đầu dự án bất động sản lớn như dự án khu đô thị đại lộ Hoà Bình kéo dài tại Móng Cái, Quảng Ninh; Dự án khu khách sạn resort nghỉ dưỡng tại Tam Kỳ, Quảng Nam; Dự án khách sạn TMDV tại Tuy Hoà, Phú Yên.

Ngoài ra Vinaconex đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư giao thông với hình thức BOT với việc tham gia nộp hồ sơ dự tuyển tại nhiều dự án, trong đó có 5 dự án BOT thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyền Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với quy mô tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhu cầu vốn của chủ đầu tư phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, Vinaconex cũng trình phương án tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh.

Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) được thành lập từ năm 2006, là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) với diện tích hơn 264ha tại Hoài Đức, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ hơn 680,53 tỷ đồng, do Vinaconex và CTCP Địa ốc Phú Long góp, mỗi bên 50%.

Hiện dự án vẫn đang "đắp chiếu", tính đến nay mới thực hiện được 50,7ha trên tổng số hơn 264 ha.

Theo Vinaconex, với cơ cấu vốn hiện nay sẽ có bất lợi về thời gian trong việc triển khai các dự án do phải đạt được sự đồng thuận của cả 2 bên. Đó cũng chính là lý do gây ra sự đình trệ của dự án khu đô thị Bắc An Khánh.

Trong bối cảnh đó, với khoản nợ hiện nay của An Khánh JVC là 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí tài chính rất lớn, tăng áp lực tài chính và tăng lỗ lũy kế hàng năm.

Do vậy Vinaconex đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là Vinaconex chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn.

Phương án hai là Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác còn lại để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.

Năm 2020 Vinaconex đặt mục tiêu đạt 9.530 tỷ đồng tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 12%.

Nguyễn Mạnh