1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nói về chuyện tiến sang Canada, Mỹ, Úc...

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Tập đoàn Hòa Bình hợp tác với nhà thầu nước ngoài để làm dự án gần 2 tỷ USD. Bước đi này tiếp tục hiện thực chiến lược xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài, dù còn nhiều khó khăn.

Hợp tác làm tổng thầu dự án gần 2 tỷ USD

Sáng nay (23/8), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với PrimeTech Constructions và ký hợp đồng làm tổng thầu dự án gần 2 tỷ USD ở Quốc đảo Vanuatu (Tây Nam Thái Bình Dương).

Hòa Bình và đối tác chiến lược PrimeTech Constructions cùng triển khai dự án này, là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây dựng trị giá khoảng 900 triệu USD (khoảng 22.500 tỷ đồng).

Dự án này là khu phức hợp có quy mô gần 60ha, gồm một trung tâm thương mại, khối khách sạn và khu resort do Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư. Việc xây dựng dự kiến được thực hiện trong 8 năm.

Ông Trang Lê Châu, Tổng giám đốc của PrimeTech Constructions, nói sẽ cùng Tập đoàn Hòa Bình khởi công dự án này vào tháng 11 năm nay và thực hiện muộn nhất vào quý II/2024. Công ty cũng đã chuẩn bị 4 dự án tiếp theo tại Queensland (Australia) để cùng tập đoàn hoàn thiện trong khoảng 5 năm tới.

PrimeTech Constructions hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư địa ốc tại Australia, đồng thời là nhà đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại "xứ sở chuột túi" và Quốc đảo Vanuatu.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nói về chuyện tiến sang Canada, Mỹ, Úc...   - 1

Xây dựng Hòa Bình tiếp tục mở rộng dự án ở nước ngoài (Ảnh: HBC).

Quốc đảo Vanuatu nằm ở phía Tây nam Thái Bình Dương thuộc châu Đại Dương, là một quần đảo san hô và núi lửa gồm 83 đảo lớn nhỏ. Khoảng 75% chiều dài và rộng đất đai bao phủ bởi các khu rừng nhiệt đới.

Theo hợp đồng hợp tác chiến lược, Hòa Bình và PrimeTech Constructions thỏa thuận hợp tác trở thành đối tác chiến lược trong hoạt động xây dựng bao gồm thiết kế, thi công và xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị thi công. Hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ lâu dài để cùng phát triển thị trường Australia, Vanuatu và khu vực Thái Bình Dương.

Rào cản chiến lược xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài

Việc hợp tác để thực hiện các dự án ở nước ngoài là chiến lược của Hòa Bình trong vài năm trở lại đây, được ông Lê Viết Hải - Chủ tịch tập đoàn - khởi xướng.

Công ty đã thành lập tiểu ban thị trường nước ngoài và bổ nhiệm ông David Martin Ruiz vào vị trí Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài vào tháng 8/2022. 4 thị trường chiến lược được xác định là Canada, Mỹ, Australia và châu Âu.

Trao đổi bên lề với phóng viên Dân trí, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch công ty - thừa nhận chiến lược xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài của Hòa Bình chậm hơn dự kiến nhưng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện. Ông đánh giá thị trường xây dựng trong nước có nhiều hạn chế, nhất là khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, chủ đầu tư không có nguồn tiền để phát triển dự án, chậm thanh toán công nợ...

Với việc ra nước ngoài, ông Hải cho rằng Tập đoàn Hòa Bình cũng gặp khó ở vấn đề nguồn vốn, khi nợ phải thu hơn khoảng 10.000 tỷ đồng trong khi nợ quá hạn khoảng 2.300 tỷ đồng. Công ty đang quyết liệt thu hồi công nợ, đồng thời đưa ra các giải pháp tài chính để tạo dòng vốn.

Ông tiết lộ công ty lên kế hoạch phát hành 120 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cổ phiếu để thu về khoảng 1.440 tỷ đồng. Đối tác chiến lược tham gia chính là Primetech Contructions. Hai bên đã ký hợp đồng phát hành cổ phiếu. Việc phát hành  dự kiến thực hiện trong năm 2023-2024.

Kế hoạch phát hành này là một trong các phương án sẽ được Hội đồng quản trị (HĐQT) Hòa Bình xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 26/8 tới đây. Theo đó, HĐQT đề xuất phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu tăng vốn. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ tập đoàn đạt 5.481 tỷ đồng.

Trong kế hoạch, ngoài phát hành cho cổ đông chiến lược, Tập đoàn Hòa Bình sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ; phát hành tối đa 47 triệu cổ phiếu riêng lẻ đợt 2 để bổ sung vốn, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu.