Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Chuyến thăm mở ra nhiều cơ hội

Phương Liên

(Dân trí) - PGS.TS Vũ Minh Khương đánh giá rằng sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thương mại đầu tư trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong ngày 12/12-13/12.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá rằng sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

TS Vũ Minh Khương cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần này với kỳ vọng nâng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao đặc biệt. "Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho quan hệ hai nước trong thời gian tới. Quan hệ này đã thành công sẽ còn thành công hơn nữa", ông chia sẻ.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Chuyến thăm mở ra nhiều cơ hội - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2017 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ thương mại đầu tư của Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển rất nhanh, đạt nhiều thành quả ấn tượng và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 176 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 118,6 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10 năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD. 

Kể từ đầu năm nay, khi Trung Quốc mở cửa sau đại dịch, các giao lưu khác về thương mại, đầu tư, du lịch đã sôi động hơn.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 8, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Singapore.

Không những vậy, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 6 trên tổng số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường vô cùng lớn với quy mô khổng lồ. Tuy vậy, TS Vũ Minh Khương cho rằng Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có nhiều yêu cầu và đòi hỏi khắt khe hơn, đặc biệt là với đường xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đó cũng là tin vui bởi nếu Việt Nam chinh phục được thị trường tỷ dân thì sẽ có nhiều cơ hội gia nhập sâu hơn vào sân chơi quốc tế. "Khi thâm nhập vào thị trường có quy mô khổng lồ như vậy, Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để tiến sâu hơn vào các thị trường khác", ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Chuyến thăm mở ra nhiều cơ hội - 2

Thương mại song phương của Việt Nam và Trung Quốc qua các năm (Ảnh: Tuấn Huy).

Trung Quốc là thị trường quan trọng của Việt Nam nên nếu chỉ cố gắng mở rộng thì sẽ không đi được xa. TS Vũ Minh Khương đánh giá rằng hiện nay Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn nhưng giá trị gia tăng vẫn còn quá nhỏ.

Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng Việt Nam phải nâng tầm hàng xuất khẩu không chỉ về chất lượng mà còn cả về hàm lượng giá trị gia tăng.

Trong nhiều năm qua, thương mại Việt Nam - Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ. TS Khương bày tỏ niềm vui khi thấy chênh lệch cán cân thương mại đang dần được rút ngắn.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn có khoảng cách khá lớn.

"Nước ta có thế mạnh về nông nghiệp và sản phẩm của Việt Nam cũng được Trung Quốc ưa chuộng nên Việt Nam có thể sử dụng nông sản để lấp đầy mức chênh lệch này", ông chia sẻ quan điểm.

Chênh lệch cán cân thương mại là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, 2 bên phải cùng nhau vào cuộc, tìm nhiều giải pháp giải quyết vấn đề để làm cho sự chênh lệch đó ngày càng giảm bớt.

Theo TS Vũ Minh Khương, Việt Nam cần có những tổ đặc nhiệm để nghiên cứu và giải quyết những bài toán trước mắt, gỡ bỏ những rào cản qua đó tăng xuất khẩu không chỉ về lượng mà còn cả về chất. Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần nâng cao hạ tầng cơ sở về mặt công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng.

Không những vậy, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, đánh giá kỹ, khảo sát doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc để hiểu sâu và chinh phục thị trường này.

"Việt Nam phải đặc biệt quan tâm và coi Trung Quốc là địa bàn chiến lược. Việt Nam cũng buộc phải đáp ứng chặt chẽ và thậm chí là đi trước yêu cầu của họ", chuyên gia nhấn mạnh.