Chủ tịch PVN: “Giá dầu giảm, cơ hội để nắm những mỏ dầu khí triển vọng”
(Dân trí) - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay, do giá dầu vừa qua đã giảm mạnh, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn, phải bán mỏ, bán công ty. PVN xác định đây là cơ hội để đầu tư, nắm quyền sở hữu những mỏ dầu khí có triển vọng ở nước ngoài.
Tuy vậy, tính chung cả năm 2014, PVN đã gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48,11 triệu tấn quy đổi, bằng 137,5% kế hoạch năm. Tập đoàn đã ký 6 hợp đồng dầu khí mới, 4 thỏa thuận, có 9 phát hiện dầu khí mới và đưa 8 mỏ/công trình vào khai thác.
Năm 2014, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 745,5 nghìn tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch năm. Trong đó, tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn đạt 370 nghìn tỷ đồng, bằng 104,8% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 46 nghìn tỷ đồng (nếu tính cả phần lãi từ hoạt động của Vietsovpetro thì đạt 54,4 nghìn tỷ đồng), bằng 115% kế hoạch năm.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của PVN đạt 12,5%. Nếu tính cả phần lãi từ hoạt động của Vietsovpetro đạt 14,8%.
Năm 2014, nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 178,1 nghìn tỷ đồng, vượt 37,6 nghìn tỷ đồng (tương đương vượt 1,77 tỷ USD) so với kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, do giá dầu vừa qua đã giảm mạnh, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn, phải bán mỏ, bán công ty. Vì thế PVN xác định đây là một cơ hội để đầu tư, nắm quyền sở hữu ở những mỏ dầu khí có triển vọng ở nước ngoài.
Cũng theo ông Sơn, do giá dầu giảm, trong khi chi phí sản xuất ở một số mỏ trong nước cao, trên 60 USD/thùng, nên PVN cũng tính toán giảm, hạn chế khai thác ở các mỏ này và giảm chi phí ở các khoản, hạng mục sản xuất khác để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đánh giá về việc giá dầu giảm sâu, ông Sơn cho rằng: “Giá xuống như hiện nay, 60-70 USD/thùng, đang là cơ hội tốt cho nền kinh tế, trừ trường hợp xuống thấp nữa”.
Với nhà đầu tư, mức giá 70 USD/thùng cũng là thuận lợi, vì theo Chủ tịch PVN, giá dầu là cơ sở để tính các các giá khác lên quan đến hoạt động dầu khí. Trong điều kiện giá dầu biến động, Tập đoàn có điều kiện để tính toán cân đối toàn bộ quản trị rủi ro. Ví dụ như việc đầu tư ở Nga, chi phí khai thác và thăm dò một thùng dầu khoảng 19 USD/ thùng, so với giá bán hiện nay, theo đánh giá của ông Sơn, “là rất hiệu quả”.
Tiếp tục khẳng định việc giá dầu xuống 70 USD/thùng là “không đáng ngại”, dù ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ dầu, ông Sơn nói: “trừ trường hợp giảm sâu thì chúng ta phải có giải pháp khác”. Điểm lại quá khứ, ông Sơn cho hay, giá dầu từng giảm xuống 8 USD/thùng vào năm 1986, còn 37 USD/thùng vào năm 2009.
Dẫu vậy, khi giá dầu giảm, PVN cũng phải thường xuyên quan tâm đến giá bán trên thị trường, không chỉ là giá bán mà còn dự báo các kịch bản có thể xảy ra. Do đó, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch tài chính năm 2015 theo các phương án giá dầu 100, 90, 80, 70, 65, 60 USD/thùng, như sau:
Lãnh đạo PVN cũng cho biết, trong năm 2015, tập đoàn đặt mục tiêu khai thác 26,6 triệu tấn dầu quy đổi, thấp hơn khoảng 1 triệu tấn so với mức thực hiện của 2014.
Ngoài ra, ông Sơn cho biết thêm, PVN còn theo dõi giá thành khai thác của từng lô, từng mỏ theo từng ngày, mỏ nào khai thác hiệu quả, mỏ nào không hiệu quả. Giá thành bình quân khai thác của PVN khoảng 30 - 37 USD/ thùng, tùy theo từng mỏ.
“Khi giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng, PVN cũng bàn tính đến việc cắt giảm sản lượng của một vài mỏ có chi phí giá thành khai thác trên 60 USD/ thùng. Đó là những mỏ có trữ lượng không lớn, hiện có khoảng 4 mỏ với tổng trữ lượng 450 nghìn tấn. PVN tính toán theo nguyên tắc hiệu quả mới khai thác, không hiệu quả thì giãn ra, giảm sản lượng khai thác hoặc dừng khai thác để giữ tài nguyên”, Chủ tịch PVN nói.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã đề xuất tăng cường mua dầu để dự trữ. Thông tin do ông Quân đưa ra cho thấy, giá dầu giảm còn khoảng 52 USD/thùng, trong khi giá vàng tăng trên 35 triệu/lượng, là tín hiệu cần theo dõi sát.
Do đó, “chúng tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có thể chúng ta tăng cường mua dầu để dữ trữ. Đây là cơ hội quan trọng. Chúng ta có thể tạm ngưng hoặc giảm sản lượng khai thác dầu, thay dự trữ ngoại hối thì tăng dự trữ dầu, vì dầu cũng là nguyên liệu rất quan trọng để phục vụ cho sản xuất”, ông Quân đề xuất.
Đề cập tới việc mua dự trữ dầu thô như đề xuất của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn cho rằng: “Đây cũng là bài toán cần tính toán, phải tính toán sao cho hiệu quả. Nếu tính đúng thì có thể là thần đồng rồi! Vì hôm nay có thể mua nhưng mai giá có thể xuống tiếp hoặc có thể giá lại lên. Trong điều kiện kinh doanh của PVN hiện nay phải đảm bảo có hiệu quả”.
Tại báo cáo tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015, khi đề cập giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay: Với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60 USD/thùng thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỷ đồng so với dự toán (tương ứng 4% tổng thu ngân sách nhà nước) và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.
Với giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng. Do vậy, tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách năm 2015.
Giá hàng hóa thế giới được dự báo giảm không chỉ trong năm 2015 mà thậm chí ở những năm tiếp theo phần nào sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục xu thế phục hồi và mục tiêu tăng trưởng 6,2% là khả thi. Với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.
Theo đánh giá của Ủy ban, năm 2015, giá xăng dầu giảm là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn không ít khó khăn và cần được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.