1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chủ tịch "kéo co" thêm 30 phút, Tập đoàn Hòa Bình vẫn không thể họp cổ đông

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Tập đoàn Hòa Bình sẽ phải tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông vào lần thứ 2.

Hôm nay (26/8), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, bàn một số vấn đề quan trọng về tài chính và phát hành cổ phiếu cơ cấu nguồn vốn.

Đến 9h10, đại hội chỉ có 450 cổ đông đại diện cho 33,3% cổ phần có quyền biểu quyết. Theo quy định, cuộc họp chỉ được tiến hành khi tỷ lệ tham dự trên 50%. Như vậy, cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành theo quy định.

Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải có đề nghị cổ đông nán lại thêm 30 phút. Đến 9h40, ban tổ chức sẽ kiểm tra lại tư cách cổ đông và điều kiện tiến hành cuộc họp.

Tuy nhiên đến 9h40, số cổ đông và người được ủy quyền tham dự họp chỉ đại diện cho khoảng 43,8% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tỷ lệ này vẫn chưa đủ 50% nên cuộc họp ĐHCĐ không đủ điều kiện tiến hành.

Lãnh đạo công ty cho biết sẽ thực hiện các thủ tục tiến hành cuộc họp lần 2 theo quy định và sẽ sớm thông báo đến cổ đông.

Trong cơ cấu cổ đông, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, nắm lượng cổ phần lớn nhất, đạt 17,14% vốn (tại ngày 14/7).

Cuộc họp ĐHCĐ của Tập đoàn Hòa Bình trong một vài năm trở lại đây thường "ú tim" cổ đông và nhà đầu tư vì tỷ lệ tham dự họp thấp. Gần nhất là cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 tổ chức ngày 27/6, sau khoảng 4 giờ chờ đợi mới có thể đủ tỷ lệ tham dự để diễn ra.

Chủ tịch kéo co thêm 30 phút, Tập đoàn Hòa Bình vẫn không thể họp cổ đông - 1

Tập đoàn Hòa Bình chưa thể tổ chức cuộc họp ĐHCĐ bất thường (Ảnh: HBC).

Tại cuộc họp lần này, HĐQT đề xuất cổ đông phương án cấn trừ nợ bằng cổ phiếu. Theo đó, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ của công ty. Số tiền thu được khoảng 1.284 tỷ đồng, dùng để hoán đổi nợ với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất.

Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình.

Về tỷ lệ hoán đổi, với mỗi 12.000 đồng, Hòa Bình nợ sẽ được đổi bằng 1 cổ phiếu HBC được phát hành thêm. Giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu của tập đoàn. Vốn điều lệ sẽ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa, công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.

Ngoài việc trả nợ, ông lớn xây dựng này còn dự kiến chào bán cổ phiếu qua 2 đợt với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 17% so với chốt phiên ngày 4/8. Đợt 1, công ty dự kiến chào bán tối đa 120 triệu cổ phiếu và đợt 2 tối đa 47 triệu cổ phiếu. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng gần gấp đôi lên hơn 5.481 tỷ đồng.

Đợt phát hành thứ 2 sẽ cách ít nhất 6 tháng so với đợt đầu tiên. Thời gian thực hiện phát hành lần đầu trong năm 2023 - 2024. Số tiền thu được từ phát hành dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp, thanh khoản các khoản nợ.