Chủ tịch HĐQT SCIC: Quản lý vốn, không can thiệp hành chính

Là một "siêu" tổng công ty, quản lý vốn của hàng ngàn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đi vào hoạt động gần một năm nay. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến hoài nghi về mô hình, hiệu quả của SCIC.

Báo chí đã phỏng vấn bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC.

Hiện nay, ở một số DNNN được bàn giao cho SCIC quản lý, làm đại diện chủ sở hữu vốn, đã có những ý kiến băn khoăn về vấn đề người đại diện của SCIC?

Chúng tôi không có một tiêu chí đồng loạt cho mọi DN vì SCIC có người đại diện ở hàng ngàn DN với quy mô khác nhau và những người đại diện của SCIC chỉ có quyền bỏ phiếu như một cổ đông.

Hiện nay, nếu các DN đã có những người quản lý có năng lực chuyên môn tốt, đáng tin tưởng thì chúng tôi thường ủy quyền cho người đó. Nhưng cũng phân biệt rõ, có những việc anh phải chịu trách nhiệm báo cáo như đầu tư, bán bớt phần vốn... còn việc sản xuất, kinh doanh cụ thể thì anh được toàn quyền quyết định.

Chúng tôi dự định sẽ thay hết những người đại diện nhưng lại kiêm nhiệm chức vụ ở các cơ quan hành chính Nhà nước vì trên thực tế, những người này về cơ bản không nắm được tình hình làm ăn của DN, không thực sự tham gia vào các hoạt động của DN.

Gần 1 năm hoạt động, SCIC đã đạt được kết quả gì nổi bật và đâu là những cản trở lớn cho việc triển khai một mô hình mới kinh doanh vốn Nhà nước như SCIC?

Chúng tôi đã nhận bàn giao gần 700 DN với giá trị vốn, tài sản trên sổ sách là gần 7.000 tỉ đồng; nhưng nếu đánh giá đúng theo giá thị trường thì giá trị đó khoảng 30.000 tỉ đồng. Bước đầu cũng đã nghiên cứu, phân loại để tái cơ cấu các DN được tiếp nhận.

Hiện nay đã thí điểm thoái đầu tư vốn tại 11 DN dưới nhiều hình thức khác nhau và tổng giá trị vốn rút đi là 113 tỉ đồng (thực tế giá trị thu về cho Nhà nước đã gấp 3 lần). Lợi nhuận 6 tháng đầu năm đã đạt 398 tỉ đồng.

Một số việc lớn đã thực hiện như tìm đối tác chiến lược là Hãng hàng không Qantas (Australia) cho Pacific Airlines (PA) và bán bớt 30% cổ phần cho hãng này. Từ chỗ đứng trước bờ vực phá sản, PA bắt đầu làm ăn có lãi (SCIC đã bỏ ra 400 tỉ đồng nhưng hiện đã tạo ra giá trị tài sản của PA lên 167 triệu USD).

Việc thứ 2 là chuyển nhượng phần vốn góp tại liên doanh bảo hiểm Bảo Minh-CMG cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Diachi, giúp Bảo Minh vượt qua khó khăn lớn về tài chính (bán phần vốn ra 5 triệu USD nhưng thu về được 25 triệu USD).

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp những lực cản từ nhiều phía, cũng như hành lang pháp lý cho tổng công ty hoạt động cũng chưa ổn. Do là mô hình mới và lại đứng ra quản lý vốn đầu tư của hầu hết các DNNN nên SCIC đụng chạm lớn đến quyền lợi của nhiều bộ, ngành, địa phương, những cơ quan trước đây là chủ sở hữu, quản lý DN.

Có những lãnh đạo cơ quan nói chúng tôi là quản lý thì đừng kinh doanh, có nhiều địa phương đề nghị SCIC phải có chi nhánh, cơ sở ở đó... Như thế đều hiểu sai về mô hình của SCIC.

Chúng tôi chỉ thực hiện quản lý vốn tại DN với vai trò là một cổ đông đầu tư bằng vốn Nhà nước ở đó thôi, không can thiệp hành chính vào các hoạt động của DN. Nhưng cái khó nhất có lẽ là thu hút, giữ chân người tài vì các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành chưa đủ hấp dẫn.

SCIC có những dự án đầu tư nào lớn trong thời gian tới và có tham gia vào thị trường chứng khoán?

Chúng tôi dự kiến tham gia đầu tư vào dự án cảng Vân Phong (Khánh Hòa) đang cùng với Bộ Giao thông - Vận tải, UBND tỉnh Hải Dương lập báo cáo, xin chủ trương của Chính phủ cho đầu tư một sân bay quốc tế mới tại tỉnh Hải Dương với quy mô hiện đại hơn sân bay Nội Bài hiện nay.

Chúng tôi cũng mua cổ phần chủ yếu tại các DN có sở hữu vốn là những dạng cổ phần được chia cho các cổ đông hiện hữu chứ không tham gia thị trường chứng khoán như các nhà đầu tư thông thường; đồng thời sẽ hỗ trợ 11 DN niêm yết trên thị trường từ nay đến cuối năm và 17 DN khác niêm yết vào năm 2008, chủ yếu dưới hình thức tư vấn và tìm đối tác chiến lược cho các DN này.

Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm