1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chủ tịch Hà Nội: Đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại ngành nghề

(Dân trí) - “Bên cạnh khó khăn thì đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận, cơ cấu lại ngành nghề trên tinh thần phù hợp với nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Chiều nay (16/4), TP Hà Nội tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Phát biểu tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá dịch bệnh đã tác động mạnh đến nền kinh tế, trong đó có những lĩnh vực bị suy thoái nghiêm trọng, nhưng chưa đánh giá được hết.

Chủ tịch Hà Nội: Đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại ngành nghề - 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua buổi đối thoại, Thành phố mong muốn các doanh nghiệp hiến kế để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn do tác động của dịch bệnh.

“Giai đoạn này, Thành phố xác định tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo đà tăng trưởng trở lại”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh bộc lộ nhiều khó khăn. Hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, y tế… bị ảnh hưởng rõ rệt. Riêng 3 tháng đầu năm, có 4.240 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động, cùng đó có hơn 13.000 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Làm ăn tốt, 5 năm mới bù được lỗ

Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, kể từ khi đại dịch đến nay, doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nặng nề với các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, sân golf, xuất nhập khẩu. “Thiệt hại sơ bộ của tập đoàn đến nay khoảng gần 1.000 tỷ đồng, và khoảng 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu”, bà Nga nói.

Tại đây, bà Nga đề nghị TP Hà Nội nhanh chóng cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo các điều kiện về an toàn. Cụ thể như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2m. Như vậy để giảm thiểu tổn thất cho doanh nghiệp vì phải duy trì chi phí vận hành trong khi không có nguồn thu. “Chúng tôi cũng đã có hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc”, bà Nga nói thêm.

Chủ tịch Hà Nội: Đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại ngành nghề - 2

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn hoạt động từ 2-5% năng lực. Đường bay nội địa, Việt Nam Airlines chỉ khai thác Hà Nội - TP HCM - Đà Nẵng. Còn đường bay quốc tế, đơn vị này chủ yếu tham gia chở hàng y tế và đưa công dân Việt Nam và các nước hồi hương.

Ảnh hưởng của đại dịch ảnh hưởng khoảng 3.000 tiếp viên, 1.000 phi công của hãng hàng không Việt Nam Airlines. “Đến thời điểm này chúng tôi không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, bởi lợi nhuận gần như không có, mà giải pháp đặt ra phải phục hồi thế nào trong thời gian tới mới là quan trọng”, ông Thành nói và cho biết, với quy mô như Việt Nam Airlines (khoảng 100 máy bay), nếu lam ăn tốt sau dịch bệnh, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.

Phát biểu tại đây, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho biết, trong những ngày đại dịch, nhân dân quan tâm hơn đến sức khỏe nên các mặt hàng thực phẩm doanh nghiệp này sản xuất ra như rau, gạo, nước, sữa… đều tăng doanh số. Tại đây, bà Hương cũng mong muốn TP Hà Nội giao cho quỹ đất để thực hiện dự án trồng rau sạch cung cấp cho các siêu thị của TP Hà Nội.

Không nhũng nhiễu doanh nghiệp

Trước ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua kinh nghiệm của các nước thì hiện Thành phố đã đi được 13 tuần thắt chặt chống dịch, cần phải thắt chặt 3 tuần nữa sau đó giải toả từ từ để khôi phục năng lực sản xuất kinh doanh.

Theo ông Chung, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, khách sạn, hàng không, xây dựng, buôn bán… Gây ảnh hưởng đến các cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể - vốn đang đóng góp 40-41% tổng thu ngân sách của TP, tạo ra 90% công ăn việc làm cho trên địa bàn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Bên cạnh khó khăn thì đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận, cơ cấu lại ngành nghề trên tinh thần phù hợp với nền kinh tế. Đây cũng là dịp chúng ta cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số”.

Chủ tịch Hà Nội: Đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp cơ cấu lại ngành nghề - 3

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, dịch bệnh tác động mạnh đến nền kinh tế

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, những kết quả, thành công của Hà Nội cũng là thành công chung của cả nước trong phòng chống dịch Covid-19, đã được trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Về các giải pháp gỡ vướng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Huệ cho biết, Thành phố cam kết chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo công khai minh bạch, tuyệt đối không có nhũng nhiễu, không được phép vi phạm, nếu cán bộ nào vi phạm là xét thêm tình tiết tăng nặng.

Với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của TP Hà Nội, UBND sẽ giải quyết theo thẩm quyền, còn những gì thuộc thẩm quyền của HĐND thì sẵn sàng tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét các vấn đề liên quan. Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh các lĩnh vực có lợi thế trong điều kiện hiện nay… để tạo cầu tạo cung cho các doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và lập tổ công tác để thường xuyên xem xét tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp.

Quang Phong