Kinh tế buồn, doanh nghiệp “ngủ đông”, triệu lao động đối mặt thất nghiệp
(Dân trí) - Số liệu của các bộ ngành công bố vừa qua cho thấy nhiều nét buồn trong tổng thể bức tranh kinh tế khi hứng chịu "đòn đau" từ đại dịch Covid-19.
Dự báo tăng trưởng ở mức 4,8%
Các chuyên gia kinh tế ước tính, dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá…
Đó cũng là những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu từ những tác động của đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý I/2020 ước tính tăng 3,82%, thấp nhất trong vòng 10 năm. Các tổ chức quốc tế cũng liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đối với Việt Nam. Trong đó, ADB Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính chỉ ở mức 4,8%.
Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, dựa trên nền tảng nhu cầu nội địa cao, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19. Lạm phát trong năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, nhưng dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 và 2021.
Trong báo cáo quý I/2020 vừa công bố, Bộ Công Thương cho biết, nếu như giai đoạn đầu dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn ở một số thị trường lớn như Trung Quốc thì hiện nay, khó khăn đã lớn hơn đã xuất hiện khi phạm vi dịch bệnh đã lan rộng ở quy mô toàn cầu.
“Hầu như tất cả các bạn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. Do vậy khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động”, Bộ Công Thương nhận định.
Nhiều nét buồn trong bức tranh kinh tế, người lao động đối diện nguy cơ mất việc làm
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy nhiều nét buồn trong tổng thể bức tranh kinh tế khi nhiều ngành chứng kiến mức suy giảm rõ rệt.
Cụ thể như ngành ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 9% (trong khi cùng kỳ tăng 11,1%). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh (trên 30%).
Lĩnh vực kinh doanh rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng chịu tác động rất lớn do ngành du lịch và kinh doanh của các nhà hàng giảm mạnh về doanh thu (nhiều nhà hàng giảm đến 50% - 60% doanh thu so với bình thường). Ngành này chịu tác động kép cả từ Covid-19 lẫn Nghị định 100.
Ngành may cũng chịu tác động khá lớn khi 3 tháng giảm 3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,7%. Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại các thị trường nêu trên giảm sút.
“Việc đóng cửa biên giới không phải là phong tỏa các hoạt động, tuy nhiên, giao thương giữa các nước với các đối tác trong đó có Việt Nam, cũng sẽ phần nào bị hạn chế”, Bộ Công Thương nhận định.
Theo Bộ Công Thương, do các quy định liên quan đến kiểm soát dịch và nhu cầu suy giảm, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết, các ngành dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giảm và thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và nguy cơ mất việc của người lao động.
Không chỉ dệt may, da giày, những ngành như sản xuất xe có động cơ cũng gặp khó, giảm 2,5% (cùng kỳ năm trước tăng 17,9%).
Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.
Cũng trong quý I, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 4,2%.
Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8% (các thị trường lớn còn lại: Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%) tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019.
Tương tự ngành dệt may, da – giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu u.
Dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa, dẫn đến hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công. Điều này tác động lớn đến ngành thép Việt Nam.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh
Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tháng 3 năm nay đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 3/2020 là 6.553 doanh nghiệp, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm: 2.452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2019; 2.785 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 48,0%; 1.316 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,1%.
Theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Mới đây, trước những khó khăn do đại dịch, cả ba hiệp hội ngành dệt may, da giày, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm qua đã cùng ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn.
Trong công văn trên, cả ba hiệp hội: Dệt May Việt Nam (Vitas), Da giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) và Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngành dệt may, da giày và thủy sản hiện là ba trong các ngành kinh tế chủ chốt với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 80 tỷ USD, tạo ra gần 8 triệu việc làm cho người lao động trên cả nước.
Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới. Đặc biệt dịch bệnh đã bùng phát và trở thành tâm điểm tại các quốc gia như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ... Đây cũng chính là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khấu dệt may, da giày và thủy sản Việt Nam.
Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc ba hiệp hội đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Vitas – Tổng Giám đốc Vinatex, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa bao giờ có về kinh tế khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thế giới đột ngột dừng lại.
“Theo thống kê của Vinatex, ngay trong tháng 4 sẽ có trên 30% lao động của ngành thực sự thiếu việc làm. Tháng 5,6 tới đây, việc cam kết nhận hàng, tổ chức sản xuất của các khách hàng đều chưa rõ ràng nên có thể số người lao động sẽ gặp khó khăn trong tháng 5 sẽ là trên 50%”, ông Trường cho biết.
Nguyễn Mạnh