Chủ sạp than hầu như không còn gạo giá dưới 16.000 đồng/kg

Huỳnh Anh Nhật Quang

(Dân trí) - Sáng 10/8, tiểu thương tại nhiều đại lý gạo tại Hà Nội, TPHCM cho biết các loại gạo có mức giá dưới 15.000-16.000 đồng/kg hầu như không còn xuất hiện trên thị trường.

Giá gạo vẫn "nhảy múa" theo giờ

Ông Minh, chủ đại lý gạo trên phố Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết sốt ruột trước tình hình giá gạo bán lẻ đang leo thang từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Minh nói kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo tại thị trường trong nước cũng liên tục tăng.

"Tôi nhập gạo bây giờ ngày nào cũng bị áp mức giá sàn, mỗi hôm một giá", ông Minh chia sẻ. Theo ông Minh, có những thời điểm giá biến đổi theo từng giờ nhưng tiểu thương lại không thể bán cho người tiêu dùng với mức giá biến động như vậy.

"Giá gạo bán cho người dân chúng tôi buộc phải tăng theo nhưng sẽ điều chỉnh theo ngày chứ không tăng bất ngờ gây khó khăn cho khách", ông nói.

Theo đó, hiện các loại gạo tại đại lý gạo này đều đã tăng giá 2.000-5.000 đồng mỗi kg, các loại gạo khác như gạo Bắc Hương tăng từ 16.000 đồng lên 18.000 đồng/kg; gạo tám Thái tăng từ 18.000 đồng lên 21.000 đồng/kg…

Chủ sạp than hầu như không còn gạo giá dưới 16.000 đồng/kg - 1

Giá một số mặt hàng gạo sáng ngày 10/8 tại đại lý ở quận 7, TPHCM (Ảnh: Nhật Quang).

Tương tự, chủ cửa hàng gạo tại phường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, các loại gạo ở đại lý tăng giá theo nguồn cung nên cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng. Hiện tại, cửa hàng không có loại gạo nào giá dưới 16.000 đồng/kg.

"Khách mua số lượng nhiều thì chúng tôi mới giảm giá được, chứ mua ít thì cũng khó. Giá gạo biến đổi theo ngày, theo giờ nên chúng tôi cũng không thể nhận đặt hàng trước", đại diện cửa hàng gạo này cho hay.

Giá gạo tăng cao ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Những ngày gần đây giá tăng nên lượng gạo mua được cũng ít lại. Tôi chỉ sợ gạo lên giá rồi những mặt hàng khác lên theo thì khổ", bà Định, nội trợ tại Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ.

Tại thị trường TPHCM, đại lý gạo Yến Gạo (phường Tân Phú, quận 7, TPHCM) cho biết giá gạo những ngày này liên tục biến động, mỗi ngày một giá, thay đổi theo hướng giá ngày sau cao hơn ngày trước. Mặt hàng gạo có giá dưới 15.000 đồng/kg hầu như không có.

Sáng ngày 10/8, một số loại gạo phổ thông như Thơm Mỹ đang được bán với giá 17.000 đồng/kg, tăng 2.500-3.000 đồng/kg so với tháng trước. Gạo Thơm Lài tăng từ 14.000 đồng/kg lên hơn 18.000 đồng/kg. Gạo Đài Loan tăng từ 16.500 lên 18.500 đồng/kg…

Tại một số đại lý gạo khác tại TPHCM, nhiều loại gạo nhích tăng giá trong hơn 1 tháng nay, mặt bằng chung đều tăng 2.000-5.000 đồng/kg. Trên thị trường không dễ tìm thấy gạo có giá dưới 14.000-15.000 đồng/kg.

Giá gạo tại siêu thị vẫn ổn định

Khảo sát tại hệ thống siêu thị tại TPHCM, giá gạo vẫn đang được bán bình ổn, giữ ổn định. Thậm chí, một số loại gạo được áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá 10-20% so với giá niêm yết. Gạo thơm Đài Loan có giá 128.700 đồng/5 kg, gạo thơm làng ta có giá 114.200 đồng/5 kg…

Anh T.A (35 tuổi, quận 7, TPHCM) - khách mua hàng tại siêu thị cho biết hôm qua anh tham khảo giá gạo ST25 ngoài đại lý bán 30.000-32.000 đồng/kg, nay vào siêu thị qua một số chương trình khuyến mại, tính chung giá có phần rẻ hơn.

Chủ sạp than hầu như không còn gạo giá dưới 16.000 đồng/kg - 2

Anh T.A tham khảo một số loại gạo được bày bán trong siêu thị (Ảnh: Nhật Quang).

"Túi gạo đầu mua có giá 189.000 đồng/5 kg, túi gạo thứ 2 được mua với giá 69.000 đồng/kg, tính ra cũng khoảng 26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khuyến mại trên chỉ áp dụng cho loại ST25 của siêu thị, còn các thương hiệu khác vẫn được bán 180.000-230.000 đồng/5kg", anh T.A cho biết.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sáng 8/8, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 598 USD/tấn. Nếu so với 5 ngày trước (3/8), giá gạo 5% tấm đã tăng 20 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng tăng 20 USD/tấn.

Sở Công Thương TPHCM mới đây có văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo, doanh nghiệp bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối hiện đại về việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng gạo.

Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định... trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng gạo chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.

Hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp cung ứng gạo... trong bán lẻ các mặt hàng gạo trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ và ổn định nguồn cung trong dài hạn.

Ngoài ra, Sở Công Thương cho biết sẽ tăng cường giám sát hệ thống đại lý, cửa hàng, hệ thống phân phối, điểm bán bình ổn thị trường về thực hiện và chấp hành trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định.