Chốt vẫn áp trần giá vé máy bay nội địa

Trần Kháng

(Dân trí) - Gần 93% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi. Theo đó, giá trần đối với vé máy bay nội địa vẫn được áp dụng.

Chiều 19/6, đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Cụ thể, số đại biểu tán thành Nghị quyết là 473 (chiếm 95,75%). Số không tán thành là 3 và không biểu quyết là 2.

Ngay sau đó, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi. Cụ thể, số đại biểu tán thành là 459 (chiếm 92,91%). 10 đại biểu không tán thành và 7 đại biểu không biểu quyết.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đến nay, cơ bản ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành với phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Đáng chú ý, về định giá của Nhà nước đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ: Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế thì việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành.

Khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần, Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý Nhà nước về giá. Lý do là để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân. Điều này nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Trên cơ sở căn cứ bối cảnh thực tế, nghiên cứu thận trọng các luồng ý kiến khác nhau, dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.

Chốt vẫn áp trần giá vé máy bay nội địa - 1

Việc giữ hay bỏ giá trần vé máy bay nội địa là vấn đề gây nhiều ý kiến khác nhau thời gian vừa qua (Ảnh minh họa: Văn Hưng).

Câu chuyện giá trần vé máy bay nội địa khá được quan tâm thời gian qua. 

Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa.

Cụ thể, góp ý dự thảo Luật Giá sửa đổi, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn ĐBQH Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo ông Hạ, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá sửa đổi chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng có ý kiến liên quan câu chuyện giá trần này.

Theo Bộ trưởng, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, ông cho rằng, cần giữ giá trần hàng không nội địa.

Gần đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, giá trần tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng với mức thấp nhất 2,25 triệu đồng/chiều, cao nhất 4 triệu đồng/chiều. 

Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các khoản phí soi chiếu an ninh, phí dịch vụ mặt đất được hãng bay thu hộ.