1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

VCBS: Rủi ro bong bóng tài sản khi dòng tiền "chảy" vào chứng khoán

(Dân trí) - VCBS lưu ý, trong trung hạn, khi kinh tế vĩ mô giảm tốc, dòng tiền bằng cách này hay cách khác vẫn chảy vào thị trường chứng khoán thì việc hình thành rủi ro về bong bóng tài sản cũng sẽ là yếu tố nhà đầu tư nên cân nhắc.

Trong ngắn hạn, TTCK có thể vẫn sẽ tăng nhưng trong trung và dài hạn có rủi ro bong bóng (ảnh minh họa)
Trong ngắn hạn, TTCK có thể vẫn sẽ tăng nhưng trong trung và dài hạn có rủi ro bong bóng (ảnh minh họa)

M&A và hoạt động thoái vốn Nhà nước được nhà đầu tư quan tâm

Theo báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), với các bước các diễn biến tích cực ngoài dự đoán trên thị trường, chỉ số VN-Index đã đón nhận con sóng lớn đầu tiên trong năm kéo dài hơn 5 tháng. Tính cho tới hết quý 2/2016, VN-Index tăng 21,59% kể từ mức đáy trong tháng 1 lên 632,26 điểm và tiến sát tới vùng đỉnh cũ 640 điểm.

VCBS đánh giá các yếu tố chính chi phối xu hướng của thị trường trong giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ là sự cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh ở một số mã bluechips tiếp tục có thể tạo ra các tác động tích cực lên thị trường. Trong đó, nổi bật nhất là cổ phiếu thuộc nhóm ngành thép, dầu khí, thực phẩm tiêu dùng, bảo hiểm,...

Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục tích cực hoạt động trong quý 3 khi các rủi ro vẫn chưa bộc lộ cũng sẽ là một yếu tố thúc đẩy, mặc dù nhiều khả năng thị trường sẽ không ghi nhận những dòng vốn mới ào ạt như giai đoạn quý 2.

Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Động thái này, có ý nghĩa giống như biện pháp nới lỏng khi góp phần duy trì trạng thái thanh khoản tiền đồng dồi dào trên thị trường. Khi đó, thị trường cổ phiếu bằng cách này hay cách khác sẽ được bổ sung dòng vốn nội mới. Đây được xem là một trong những yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng trung hạn của thị trường chứng khoán.

Trong giai đoạn tháng 7, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ được công bố. Theo đó, các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế về biến động giá cả hàng hóa, tiết giảm chi phí sản xuất và quản trị doanh nghiệp tốt có thể tiếp tục thu hút được dòng tiền.

VCBS cho rằng, những doanh nghiệp gắn với các thương vụ M&A hay thoái vốn Nhà nước vẫn sẽ dành được sự quan tâm đáng kể của nhà đầu tư. Trong đó, những thương vụ đáng chú ý như thoái vốn Nhà nước tại cổ phiếu KSB; thương vụ M&A giữa C32 và Đá Hóa An (DHA); thương vụ mua lại doanh nghiệp gỗ Trường Thành của Vingroup (VIC). Và còn nhiều các thương vụ chúng tôi đánh giá nhiều khả năng bùng nổ trong 6 tháng cuối năm 2016.

Tuy nhiên, VCBS cũng không loại trừ khả năng vào cuối quý 3, đầu quý 4, thị trường đảo chiều suy giảm. Một trong những nguyên nhân tạo nên nỗi bất an này đó là việc nền kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, tăng tưởng GDP trong quý 2 chỉ đạt 5,55%. Qua đó, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,52% - khá thấp so với mức tăng trưởng 6,28% cùng kỳ năm ngoái. Xét chung trong 6 tháng đầu năm, ngoại trừ khu vực dịch vụ, tất cả các khu vực còn lại đều có dấu hiệu giảm tốc.

Thêm vào đó, với mức tăng trưởng này, VCBS cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 là gần như không thể đạt được. Báo cáo của VCBS hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam về mức 5,8% - 6%.

Nợ công có thể trở thành yếu tố đe dọa đến sự ổn định thị trường

Bản báo cáo cũng lưu ý đến sự kiện Brexit và các ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên thị trường Việt Nam. Trong đó, nhóm phân tích đánh giá ảnh hưởng nhiều nhất và rõ nét nhất là yếu tố tỷ giá.

Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ cần quan sát thị trường cẩn trọng do dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. Tuy vậy, việc FED lùi thời gian nâng lãi suất và sự kiện Brexit cũng có tác động tích cực giảm áp lực lên tỷ giá khi lãi suất USD khó tăng.

Như vậy, sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, VCBS đánh giá, tỷ giá giai đoạn 6 tháng cuối năm, nếu NHNN có sự quản lý tỷ giá chặt chẽ, hợp lý và chủ động đúng lúc, thì nhiều khả năng biến động tỷ giá bất thường trên thị trường sẽ được hạn chế một cách đáng kể.

Sau sự kiện Brexit, thị trường tài chính, hối đoái thế giới chứng kiến rất nhiều biến động mạnh. Trong đó, các tài sản an toàn được rất nhiều nhà đầu tư tìm đến như vịnh trú bão như vàng, đồng JPY hay USD. Theo đó, không loại trừ khả năng dòng tiền vào thị trường sẽ bị phân tán sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ hay bất động sản.

"Cũng cần lưu ý thêm chu kỳ tăng nóng và mạnh của giá vàng thường báo hiệu cho xu hướng suy giảm của nền kinh tế. Vì vậy sự thận trọng của nhà đầu tư trong trung và dài hạn là hết sức cần thiết", báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo VCBS, áp lực từ vấn đề nợ công có thể trở thành yếu tố đe dọa đến sự ổn định thị trường khi cộng hưởng với kinh tế vĩ mô không như kỳ vọng. Kèm theo đó, là áp lực từ việc thu không đủ chi khi giá dầu thô được dự báo ổn định quanh ngưỡng 50 USD/ thùng tới cuối năm nay.

Như vậy, bất chấp những rủi ro ở mức đáng kể, xu hướng thị trường vẫn duy trì trạng thái tích cực nhờ hưởng lợi từ các biện pháp kích thích, nới lỏng. Theo đó, trong ngắn hạn nhóm phân tích kỳ vọng xu hướng tích cực của thị trường. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi kinh tế vĩ mô giảm tốc, dòng tiền bằng cách này hay cách khác vẫn chảy vào thị trường chứng khoán thì việc hình thành rủi ro về bong bóng tài sản cũng sẽ là yếu tố nhà đầu tư nên cân nhắc.

Trong phiên giao dịch ngày 22/7, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index có lúc mất 15 điểm, đóng cửa mất 9,7 điểm tương ứng 1,47% còn 649,87 điểm với 158 mã giảm so với 63 mã tăng. HNX-Index giảm 0,56 điểm tương đương 0,67% còn 84,07 điểm với 137 mã giảm so với 72 mã tăng. Thanh khoản thị trường đạt hơn 3.700 tỷ đồng.

Nhiều mã vốn hóa lớn ghi nhận tình trạng mất giá nặng nề trong phiên hôm nay. Chẳng hạn VCB giảm sàn, mất 3.500 đồng/cp. GAS mất 1.500 đồng và VNM mất 1.000 đồng.

Bích Diệp