1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chống dịch Covid-19, người Việt tích cực… ở nhà "đánh" chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Tiền vẫn không ngừng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với số lượng nhà đầu tư mới (F0) gia tăng nhanh chóng. VN-Index tuy chịu áp lực chốt lời ngắn hạn song được hỗ trợ bởi dòng tiền khỏe.

Chống dịch Covid-19, người Việt tích cực… ở nhà đánh chứng khoán - 1

Do lãi suất ngân hàng kém hấp dẫn, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đổ mạnh vào kênh chứng khoán (Ảnh minh họa: VOV).

Nhìn lại những đợt Việt Nam chống dịch trước đây, có điểm rất thú vị đó là khi tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, người dân được yêu cầu không tụ tập đông người, thì chứng khoán lại bắt đầu nhịp tăng mới.

Trong phiên sáng nay (13/5), với áp lực chốt lời ngắn hạn, thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua rung lắc. Phần lớn thời gian đầu phiên, chỉ số VN-Index dao động mạnh quanh ngưỡng tham chiếu với biên độ xấp xỉ 10 điểm. Tuy nhiên, đến những phút cuối phiên, dường như nguồn cung cạn dần thì thị trường "thay máu" và chỉ số cho thấy xu hướng tăng khá rõ.

Có đến 393 mã giảm giá, 12 mã giảm sàn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng chứng kiến có 417 mã tăng, 55 mã tăng trần.

VN-Index tạm thời đóng cửa tăng 3,71 điểm tương ứng 0,29% lên 1.272,8 điểm; HNX-Index tăng 3,07 điểm tương ứng 1,09% lên 285,4 điểm. UPCoM-Index thu hẹp biên độ giảm còn 0,14 điểm tương ứng 0,18%, tạm dừng ở 81,33 điểm.

Thanh khoản trên thị trường vẫn duy trì tốt với giá trị tiền giải ngân vào cổ phiếu trên sàn HSX đạt 12.469,97 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 416,54 triệu đơn vị. HNX có 69,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.508,32 tỷ đồng và UPCoM có 31,45 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 477,03 tỷ đồng.

Phiên này, phân nửa cổ phiếu trong rổ VN30 bị giảm giá, song chỉ số này vẫn tăng 5,39 điểm tương ứng 0,39% lên 1.385,56 điểm. Lực kéo chủ yếu dựa vào nhóm cổ phiếu ngân hàng: CTG tăng 3,7%; STB tăng 2,7%: HDB tăng 2,3%; VPB tăng 1,6%; MBB tăng 1,1%; TPB, TCB, BID, VCB tiếp tục tăng giá. Bên cạnh đó, tại nhóm chứng khoán, SSI tăng 2,6% lên 35.700 đồng.

Tiền đổ mạnh vào STB với khối lượng giao dịch ở mã này đạt 29,2 triệu cổ phiếu chỉ tính trong phiên buổi sáng. Kế đến là CTG với khối lượng giao dịch đạt 22,3 triệu; MBB với 17,6 triệu và ROS và 16,5 triệu cổ phiếu.

Trong những ngày gần đây, thị trường liên tục có những phiên giao dịch với giá trị dòng tiền cán mốc 1 tỷ USD.

"Trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại, tôi thấy việc ra ngoài gặp gỡ đối tác có phần bị hạn chế, hơn nữa, cũng khó triển khai những dự án về dịch vụ. Hoạt động đầu tư bất động sản cũng không thuận lợi, thanh khoản kém hơn so với cổ phiếu. Do đó, tôi dành thời gian để tìm hiểu và đầu tư chứng khoán. Từ tháng 4 năm 2020 tôi mới gia nhập thị trường song mức sinh lời cũng đạt khoảng trên 50%, như vậy là mức chấp nhận được" - anh Nguyễn Anh Quân, một nhà đầu tư ở TP Vinh cho hay.

Thực tế, mặc dù trong một số thời điểm, thị trường chứng khoán được cảnh báo về tình trạng "tăng nóng". Tuy nhiên, đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, trong khi đó, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá đang rẻ đáng kể so với khu vực và thế giới.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 4/2021, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 4 là 110.655 tài khoản, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên hơn 3,14 triệu tài khoản.

Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới ở mức 109.998 tài khoản, gấp 3 lần cùng kỳ dù giảm so với mức 113.191 tài khoản của hồi tháng 3. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, cá nhân trong nước mở mới trên 100.000 tài khoản chứng khoán.

Theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025. Và với tốc độ như hiện nay, chứng khoán đang đến với đại chúng đang ngày một gần hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm