Chồng chéo quy định, một doanh nghiệp suýt bị xử "oan" hàng tỷ đồng

(Dân trí) - Với cách hiểu và áp dụng các quy định khác nhau của cơ quan thanh tra và cơ quan thuế về vấn đề hạch toán số tiền thu được từ cổ phần hóa công ty con, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn suýt nữa phải "nộp oan" hơn 8 tỷ đồng tiền phạt sau khi đã nộp bổ sung cho ngân sách Nhà nước 41 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không khỏi lúng túng với những quy định chồng chéo tại những văn bản pháp luật khác nhau
Doanh nghiệp không khỏi lúng túng với những quy định chồng chéo tại những văn bản pháp luật khác nhau

Cuối năm 2015, Công ty mẹ Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn thực hiện cổ phần hóa công ty con là Công ty TNHH MTV Dược phẩm và sinh học Y tế. Tổng số tiền thu từ bán cổ phần công ty con là 243,7 tỷ đồng đã được chuyển thanh toán cho công ty mẹ vào tháng 12/2015. Theo báo cáo tài chính năm 2015, công ty mẹ hạch toán vào Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc xử lý thu tiền cổ phần hóa công ty TNHH MTV do doanh nghiệp Nhà nước là công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, đầu tháng 6/2016, Đoàn thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị công ty mẹ Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn không được hạch toán số tiền bán cổ phần nói trên vào Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp.

Theo đó, số tiền này phải hạch toán vào doanh thu năm 2015. Điều này sẽ dẫn đến việc số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm so với số công ty đã kê khai trong năm 2015 là 41 tỷ đồng.

Sau đó, vào tháng 8/2016, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra, trong đó, kiến nghị Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn nộp vào ngân sách Nhà nước (tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ) số thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được kê khai trong năm 2015 là 41 tỷ đồng nêu trên. Bộ Tài chính cho biết, công ty đã nộp toàn bộ số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính như yêu cầu.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, ngày 10/1/2017, Cục thuế TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (cụ thể là phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp) đối với Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn là 8,2 tỷ đồng. Một tuần sau, vào ngày 17/1, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét không thực hiện nội dung quyết định xử phạt này.

Trong văn bản trả lời vừa phát đi mới đây, Bộ Tài chính đã chấp nhận đề nghị này của phía doanh nghiệp, khẳng định, việc không xử phạt theo quyết định của Cục thuế TPHCM là "phù hợp với quy định và thực tiễn".

Cụ thể, Bộ Tài chính phân tích, việc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn hạch toán 243,7 tỷ đồng tiền bán cổ phần thu được vào Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp là thực hiện theo quy định của Nghị định 59 năm 2011 của Chính phủ (Nghị định này đến nay vẫn còn hiệu lực). Trong khi đó, quy định tại Nghị định 91 năm 2015 của Chính phủ (quy định về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) lại yêu cầu phải xác định số tiền thu được sau chuyển nhượng cổ phần vào thu nhập hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định 91 chưa quy định cụ thể đối với bán phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa công ty con do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính lại kiến nghị Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn hạch toán tiền bán cổ phần vào doanh thu năm 2015 là căn cứ vào văn bản 15984 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 91.

Do vậy, Bộ Tài chính xác định, việc doanh nghiệp hạch toán khoản thu về bán cổ phần vào Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp là do cơ chế chính sách tài chính, kế toán tại thời điểm nêu trên chưa được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Mặt khác, thời điểm công ty quyết toán và kê khai thuế (cuối năm 2015, quý I/2016), Bộ Tài chính chưa ban hành Công văn số 1584. Còn thời điểm Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra (tháng 6 và tháng 7/2016), Bộ Tài chính đã ban hành công văn này, và Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn đã thực hiện nghiêm theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính.

Như vậy, có thể thấy nếu như Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn không có văn bản "khiếu nại" lên Bộ Tài chính thì doanh nghiệp này đã phải "nộp oan" hàng tỷ đồng cho một lỗi vốn không thuộc về mình.

Đặc biệt là, giữa bối cảnh, không ít doanh nghiệp Nhà nước đang "chùn chân" cổ phần hóa thì việc cơ quan chức năng áp dụng các quy định pháp luật đang chồng chéo nhau làm khó doanh nghiệp, điều này sẽ càng khiến tiến độ cổ phần hóa trở nên ì ạch hơn.

Đơn cử như trong 3 tháng đầu năm 2017, mặc dù có 7 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa song điều này cũng đồng nghĩa với việc, chưa có doanh nghiệp nào cổ phần hóa trong giai đoạn này.

Bích Diệp