Nóng trong tuần:
Choáng với xăng giả ở Nghệ An và đề xuất cho thuê biển đảo Phú Quốc 99 năm
(Dân trí) - Trong tuần qua, thông tin xăng giả A92 ở Nghệ An, Khaisilk thừa nhận bán hàng Trung Quốc, Đại học FPT bị phạt vì chấp nhận học phí bằng tiền ảo hay đề xuất cho thuê biển, đảo ở Phú Quốc 99 năm... là những sự kiện nóng được nhiều độc giả quan tâm.
Trường FPT "phớt lờ" chỉ đạo, tuyên bố thu học phí bằng tiền ảo
Liên quan tới thông tin một số đơn vị và gần đây là lãnh đạo Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, sáng 28/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cho biết: Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Cụ thể, trên trang facebook cá nhân của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường Đại học FPT đã đăng tải dòng chữ "Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại".
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấm giao dịch Bitcoin dưới bất kỳ hình thức nào và không chấp nhận loại tiền ảo này được sử dụng như phương tiện thanh toán, lưu thông và ra cơ chế xử phạt đối tượng lạm dung điều này.
“Choáng” doanh nghiệp xăng tại Nghệ An: 50% xăng A92 tại là giả
Ngày 10/10, Cơ quan chức năng Nghệ An đã phát hiện công ty TNHH Thanh Ngũ ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu đang đổ chất dung môi vào bồn xăng tại điểm kinh doanh bán xăng dầu cho khách hàng.
Quá trình đấu tranh, chủ doanh nghiệp Thanh Ngũ thừa nhận bể chứa 7.000 lít xăng A92 đã được pha với chất dung môi theo tỷ lệ: 50% xăng A92 + 50% chất dung môi + bột tạo màu tạo thành xăng giả A92 kém chất lượng. Đơn vị chức năng Nghệ An sau đó đã gửi đi 12 mẫu của 7 doanh nghiệp thì có đến 11 mẫu vi phạm về trị số ốc tan.
Đặc biệt, sau khi thanh tra, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An “sốc” với kết quả thử nghiệm công ty Cổ phần thương mại dầu khí Toàn Cầu vi phạm trị số ốc tan 44,9/92, nghĩa là xăng A92 nguyên chất chưa đến 50%.
"Sốc" với đề xuất cho thuê biển, đảo 99 năm ở Phú Quốc
Tỉnh Kiên Giang vừa có đề án thành lập Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Đặc khu) gửi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với nhiều đề xuất có thể được coi là mới, “đột phá”.
Cụ thể, Kiên Giang đề nghị nâng mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam phải khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh tại Phú Quốc lên gấp ba lần so với hiện nay, tương đương 15.000 USD (hơn 340 triệu đồng) và tiền VNĐ là 45 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất cho phép đồng USD được lưu hành tự do, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD.
Đặc biệt, tỉnh này cũng đề xuất cho phép chính quyền Đặc khu cho thuê các đảo và khu vực biển vì mục đích du lịch, kinh doanh thương mại có thời hạn không quá 99 năm và được gia hạn sử dụng nhiều lần nếu có nhu cầu và chấp hành đúng pháp luật của Việt Nam.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Dân Trí về việc tỉnh Kiên Giang vừa đề xuất cho phép thuê biển, đảo thời hạn tối đa 99 năm khi xây dựng đặc khu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) nói: Đây chỉ là đề xuất của địa phương, trong Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt, cơ quan soạn thảo chỉ cho phép thuê đất 99 năm với những lĩnh vực đặc thù.
Khaisilk cắt mác và nỗi đau người tiêu dùng
Một thông tin cũng khiến dư luận rúng động trong tuần qua là việc ông chủ của thương hiệu Khaisilk lên tiếng thừa nhận và cúi đầu xin lỗi vì nhập hàng Trung Quốc thay vì hàng sản xuất tại Việt Nam như người tiêu dùng lầm tưởng lâu nay.
Cụ thể, ngày 17/10, tại cửa hàng khai sinh ra thương hiệu này tại số 113 Hàng Gai (Hà Nội), khách hàng mua 60 chiếc khăn lụa trị giá gần 40 triệu đồng đã phát hiện chiếc một khăn hai nhãn mác: "made in China" và "made in Vietnam", chiếc khăn bị cắt mác made Trung Quốc và thay bằng nhãn mác Việt.
Cửa hàng cho rằng 1 trong 60 chiếc khăn do thiếu nên đã lấy vội từ hàng Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó ông chủ Khaisilk đã đứng ra thừa nhận số hàng trên đều là hàng Trung Quốc, cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng, khách hàng và dư luận.
Sự việc thổi lên làn sóng giận dữ của người tiêu dùng, dư luận về sự giả dối của một trong những thương hiệu nổi tiếng, lâu đời tại Việt Nam được nhiều người tin yêu và thường xuyên mua lụa Khaisilk để làm quà tặng, quà biếu.
Một làn sóng phản đối, kêu gọi tẩy chay Khaisilk và yêu cầu làm rõ vụ việc. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo kiểm tra hàng hóa của Khaisilk, đồng thời cho biết vụ việc của Khaisilk làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc và vi phạm đạo đức kinh doanh.
Cú tát vào niềm tin Việt và nỗi sợ kim thiền thoát xác hàng Trung Quốc
Sau sự cố của Khaisilk, ở góc độ người làm luật, chuyên gia thương hiệu cho rằng: Sự gian dối về xuất xứ hàng hóa trên đã giết chết niềm tin yêu của người Việt vào thương hiệu Việt, hàng Việt.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Vụ việc của Khaisilk ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin người tiêu dùng vào hàng Việt, nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính. Ông Đức cho rằng, dựa trên các dữ liệu liên quan, trường hợp Khaisilk, Nhà nước hoàn toàn có thể hình sự hoá.
Sự cố Khaisilk cũng khiến chuyên gia thương hiệu bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp chất lượng cao buồn rầu, bà nói hàng Trung Quốc bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác” bằng việc đầu tư qua Campuchia, Lào và khắp các nước để rửa cái gốc "made in China".
Trong phóng sự tại làng lụa cổ truyền Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, phóng viên Dân Trí đã thấy thực trạng không ít cửa hàng vẫn bán chui lủi hàng Trung Quốc xen với hàng lụa Vạn Phúc. Nhiều chủ cửa hàng cho biết hàng Trung Quốc giá rẻ, dễ bán lại không thua kém gì hàng lụa trong nước.
Bộ Giao thông chịu trách nhiệm về BOT
Trong Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) vừa được Uỷ ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội gửi Quốc hội.
Cơ quan của Quốc hội khẳng định: Bộ Tài chính ban hành từng Thông tư riêng về mức phí giai đoạn trước 01/01/2017 vừa làm phức tạp thêm thủ tục hành chính vừa thiếu minh bạch về cơ sở xác định mức thu phí, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho trong thực hiện.
Ngay sau báo cáo kết quả giám sát trên, UBTV Quốc hội ra Nghị quyết quy trách nhiệm các đơn vị liên quan" Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành Thông tư hướng dẫn việc thu phí chưa hợp lý.
Nói về nút thắt cho tăng trưởng nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Các dự án xây dựng đường bộ theo hình thức BOT đang tồn tại nhiều sai phạm, là nút thắt đối với phát triển và đặc biệt thiếu cơ chế xử lý triệt để các vấn đề đặt ra. Ông Cung khẳng định: "Tôi thấy BOT đang là thuế chứ không phải là phí".
Đại biểu Quốc hội: Chi hết, ăn tiêu hết lấy gì để đầu tư?
Thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội sáng 24/10, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Chi thường xuyên năm 2010 là 51%, năm 2017 tăng lên 70%, lấy hết ngân sách rồi. Chúng ta chi hết, ăn hết luôn thì không còn nguồn mà đầu tư phát triển nữa; hơn nữa, chi không hợp lý, không hiệu quả chứ không phải do nguồn thu giảm".
Đồng quan điểm, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ lo ngại về vấn đề thu xếp vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. “Không có đầu tư hôm nay sẽ ảnh hưởng cho nhiều năm sau đó. Vậy thì cần sử dụng vốn nhà nước một cách tiết kiệm hiệu quả. Còn với vốn tư nhân, cần tập trung trí tuệ để đề ra được giải pháp thu hút vốn trong dân, vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện có lợi nhuận cho doanh nghiệp vì nếu không doanh nghiệp dù có tiền cũng không thể đầu tư cho xã hội”, ông Thể nói.
Một diễn biến liên quan là, Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua xe ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên.
An Linh (Tổng hợp)